Theo dữ liệu công bố ngày 13/9, chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ tăng 8,3% so với một năm trước đây mặc dù đã thấp hơn mức 8,5% trong tháng 7 và mức kỷ lục 9,1% trong tháng 6. Tuy nhiên, nếu không tính giá thực phẩm và năng lượng, chỉ số tiêu dùng lõi đã tăng 0,6% từ tháng 7 tới tháng 8 và cao hơn 0,3% so với 1 tháng trước đó. Giá thuê nhà, chi phí cho các dịch vụ chăm sóc y tế và giá mua ô tô đều tăng trong tháng trước. Giá xăng trung bình ở Mỹ đã giảm xuống 3,71 USD/galon từ hơn 5 USD/galon hồi giữa tháng 6, tuy nhiên, giá thực phẩm và đồ tạp hóa tiếp tục tăng 0,7% từ tháng 7 tới tháng 8.
Trong thông điệp cùng ngày, Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ phải mất thời gian để có thể giảm lạm phát và đó là lý do vì sao Đạo luật giảm lạm phát được thông qua nhằm giảm chi phí chăm sóc y tế, giá thuốc kê đơn và năng lượng. Ông Biden cũng nhấn mạnh, kế hoạch kinh tế của ông đang chứng minh rằng cùng với việc giảm giá cả, chính quyền của ông đang tạo ra nhiều việc làm được trả lương tốt và đưa các hoạt động sản xuất trở lại Mỹ.
Giá cả tiếp tục tăng đã ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Mỹ. Chỉ số Công nghiệp Dow Jones giảm hơn 2,6%, chỉ số S&P 500 giảm 2,6% trong khi chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,3%.
Một số chuyên gia kinh tế dự báo, Cục Dữ trữ liên bang Mỹ có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản trong cuộc họp chính sách tới vào ngày 20/9 và 21/9. Cơ quan này đã liên tiếp nâng mức lãi suất cơ bản thêm 0,75% trong hai tháng qua lên biên độ 2.25% tới 2.5% và được dự báo có thể sẽ tiếp tục mở rộng biên độ này lên 4,5% từ nay cho tới đầu năm sau. Điều này sẽ khiến Ngân hàng trung ương Mỹ gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu hạ cánh mềm đó là vừa kiểm soát được lạm phát mà không gây ra suy thoái. Chủ tịch Cục Dữ trữ liên bang Mỹ Jerome Powell từng nhấn mạnh rằng việc tăng lãi suất sẽ giúp giảm lạm phát nhưng cũng sẽ mang lại nỗi đau cho các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ.
Lạm phát ở Mỹ bắt đầu gia tăng từ năm ngoái, khi nền kinh tế nước này dần phục hồi từ những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Giá cả các mặt hàng gia tăng vì một số yếu tố bao gồm nhu cầu tiêu dùng mạnh bởi lãi suất cơ bản thấp và các gói kích thích kinh tế của chính phủ cũng như chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Giá thực phẩm và năng lượng cao hơn do cuộc khủng hoảng Ukraine cũng khiến lạm phát gia tăng toàn cầu.
Các nghị sỹ Cộng hòa đã tìm cách biến lạm phát thành vấn đề trung tâm trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào đầu tháng 11 tới. Phe Cộng hòa cho rằng gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Biden được thông qua năm ngoái là một trong những nguyên nhân làm tăng lạm phát.
Trong khi đó, giá xăng giảm – thước đo lạm phát rõ nhất đối với người tiêu dùng, có thể làm tăng triển vọng của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử sắp tới và điều này phần nào đã giúp làm tăng tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với Tổng thống Biden trong các cuộc khảo sát gần đây.
Trong các bài phát biểu của mình, Tổng thống Biden thường không đề cập tới tác động của lạm phát đối với ngân sách của các hộ gia đình. Thay vào đó, ông Biden nêu bật các thành tựu lập pháp của chính quyền bao gồm việc thực thi một đạo luật tháng trước nhằm giảm giá thuốc kê đơn và chống biến đổi khí hậu./.