Phố Wall bán tháo, Dow Jones “bay” hơn 1.200 điểm sau báo cáo lạm phát

Báo cáo CPI tháng 8 của Mỹ đập tan kỳ vọng của nhà đầu tư rằng giá cả sẽ hạ nhiệt, và Cục Dự trữ Liên bang sẽ bớt cứng rắn hơn trong việc kiểm soát lạm phát.

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 1.276,37 điểm (3,94%), đóng cửa ở mức 31.104,97 hôm 13/9, mức bán tháo mạnh nhất trong hơn 2 năm, sau khi một báo cáo của chính phủ Mỹ cho thấy lạm phát đang duy trì một lực kìm hãm đáng kinh ngạc đối với nền kinh tế số một thế giới.

Chỉ số S&P 500 giảm 4,32% xuống 3.932,69, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 6/2020. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 5,16%, kết thúc ở mức 11.633,57.

Chỉ có 5 cổ phiếu trong chỉ số S&P 500 đóng cửa trong sắc xanh, nhưng đều tăng chưa đến 1%. Cổ phiếu công nghệ bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, với Meta, công ty mẹ của Facebook, giảm 9,4% và gã khổng lồ chip Nvidia giảm 9,5%.

Sự sụt giảm đã xóa bỏ gần như toàn bộ đà tăng 4 phiên gần đây ở Phố Wall, kéo chỉ số S&P 500 trở lại mức đóng cửa ngày 6/9 - 3.908 điểm, và khiến một số nhà giao dịch nhớ lại thời kỳ giữa tháng 6, khi chỉ số này giảm xuống dưới 3.700 điểm.

“Tôi nghĩ các chỉ số thậm chí sẽ chạm mức thấp nhất trong tháng 6”, ông Art Cashin, Giám đốc điều hành sàn UBS cho biết.

Xu hướng thị trường - Phố Wall bán tháo, Dow Jones “bay” hơn 1.200 điểm sau báo cáo lạm phát

Sự sụt giảm đã xóa bỏ gần như toàn bộ đà tăng 4 phiên gần đây ở Phố Wall. Ảnh: Investing

Lợi suất trái phiếu kho bạc ngay lập tức tăng vọt do kỳ vọng Fed sẽ cứng rắn hơn trong kiểm soát lạm phát. Lợi suất kho bạc kỳ hạn 2 năm tăng lên 3,74% từ mức 3,57% vào cuối ngày 12/9. Lợi suất kỳ hạn 10 năm tăng lên 3,42% từ 3,36%.

Lo ngại về tỷ giá cao hơn làm mọi thứ, từ dầu thô, vàng đến tiền điện tử giảm giá.

Giá dầu trượt dốc, với dầu WTI chuẩn Mỹ giảm 0,11% xuống còn 87,68 USD/thùng. Dầu thô Brent chuẩn quốc tế giảm 0,49% xuống 93,53 USD/thùng. Giá dầu thô có thể sẽ giảm xuống mức gần 80 USD/thùng do chính quyền ông Joe Biden được cho là đang cân nhắc mua dầu để nạp vào kho dự trữ xăng dầu chiến lược.

Vàng giảm 1,57% xuống 1.713,30/ounce. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng cao hơn 0,58 điểm cơ bản lên 3,422%.

Bitcoin giảm 9,71% xuống 20.237,73 USD.

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 cho thấy mức lạm phát cao hơn dự kiến. Lạm phát tăng 0,1% so với tháng trước, ngay cả khi giá xăng giảm. So với cùng kỳ năm ngoái, mức lạm phát cao hơn 8,3% . Lạm phát lõi tăng 0,6% so với tháng trước.

Các nhà kinh tế được khảo sát bởi Dow Jones đã kỳ vọng mức lạm phát tổng thể sẽ giảm 0,1%, và mức lạm phát lõi sẽ chỉ tăng 0,3%.

Các động thái này diễn ra sau 4 phiên tích cực liên tiếp đối với chứng khoán Mỹ, một phần được củng cố bởi niềm tin của nhiều nhà đầu tư rằng lạm phát đã đạt đỉnh và không thể tăng thêm nữa.

“Báo cáo CPI rõ ràng là một tin xấu đối với thị trường chứng khoán. Lạm phát cao hơn dự kiến có nghĩa là chúng tôi sẽ tiếp tục chịu áp lực từ chính sách của Fed thông qua việc tăng lãi suất”, ông Matt Peron, Giám đốc nghiên cứu của công ty quản lý tài sản Janus Henderson Investors, cho biết. “Nó cũng mọi đập tan hi vọng về việc Fed sẽ xoay trục trong thời gian tới”.

Đây là một trong những báo cáo cuối cùng mà Fed sẽ xem xét trước cuộc họp diễn ra từ ngày 20-21/9. Dự kiến, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ sẽ thực hiện đợt tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ 3 liên tiếp để giảm lạm phát. Tuy nhiên, mức lạm phát tháng 8 cao bất ngờ có thể sẽ khiến Fed kéo dài đợt tăng lãi suất lâu hơn dự đoán của một số nhà đầu tư.

Tỉ giá cao hơn gây tổn hại cho nền kinh tế, khiến cho việc mua nhà, xe hơi hoặc bất cứ thứ gì khác bằng tín dụng trở nên đắt đỏ hơn. Lãi suất thế chấp đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2008, gây ra nỗi đau cho ngành nhà ở. Hy vọng rằng bước đi sắp tới của Fed đủ mạnh đủ để kiềm chế tỉ lệ lạm phát đang ở mức cao, đồng thời cũng đủ mềm mỏng để không gây ra một cuộc suy thoái trầm trọng.

Nguyễn Tuyết (Theo CNBC, AP, Business Insider)

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/pho-wall-ban-thao-dow-jones-bay-hon-1200-diem-sau-bao-cao-lam-phat-a7378.html