Vietracimex xin làm tổ hợp 2,5 tỉ USD ở Mũi Yến, Bình Thuận

Tổ hợp du lịch – dịch vụ và nghỉ dưỡng Sunrise VNT Mũi Yến tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận mà Vietracimex đề xuất có quy mô 897,4ha, tổng vốn đầu tư dự kiến là 57.638,3 tỉ đồng (gần 2,5 tỉ USD).

Theo nguồn tin của VietTimes, sáng 18/7, lãnh đạo một số phòng ban UBND huyện Bắc Bình (Bình Thuận) tiến hành họp để cho ý kiến về đề xuất đầu tư dự án Tổ hợp du lịch – Dịch vụ và nghỉ dưỡng Sunrise VNT Mũi Yến tại xã Hòa Thắng của Tổng CTCP Xây dựng thương mại (Vietracimex).

Theo đó, dự án này có quy mô khoảng 897,4ha, trong đó có 108,9ha đất rừng đặc hữu ven biển thuộc khu Lê Hồng Phong. Các phần diện tích còn lại chủ yếu là đồi cát, đất nông nghiệp và một số căn nhà cấp 4 hiện hữu. Tổng vốn đầu tư dự kiến (bao gồm lãi vay) là 57.638,3 tỉ đồng (gần 2,5 tỉ USD).

Vietracimex cho biết sẽ thực hiện dự án trong vòng 7 năm, chia thành 2 giai đoạn, dự kiến bàn giao và đưa vào sử dụng vào quý 4/2031.

Mục tiêu của dự án là hình thành một khu tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp, khu du lịch sinh thái, khu phức hợp thương mại dịch vụ và các loại hình thể thao, vui chơi giải trí đặc thù gắn với cảnh quan thiên nhiên đặc trưng…

Vietracimex của ai?
Vietracimex xin làm tổ hợp 2,5 tỉ USD ở Mũi Yến, Bình Thuận - Ảnh 1.

Ông Võ Nhật Thăng - Chủ tịch HĐQT Vietracimex

Như VietTimes từng đề cập, Vietracimex tiền thân là Nhà máy Vật liệu Hà Nội, được thành lập từ năm 1961, thuộc Cục Cung cấp Vật tư, Bộ Giao thông Vận tải. Đến năm 2014, công ty này tiến hành cổ phần hóa với vốn điều lệ đăng ký hơn 5.510 tỉ đồng.

Tại ngày 31/12/2021, Vietracimex có vốn điều lệ hơn 12.510 tỉ đồng, trong đó ông Võ Nhật Thăng (SN 1959) – Chủ tịch HĐQT – góp 12.509,4 tỉ đồng, sở hữu 99,99% vốn cổ phần. Cơ cấu cổ đông của công ty này còn 2 thể nhân họ Vũ là ông Vũ Đức Toàn (góp 595 triệu đồng) và bà Vũ Thị Mai Loan (góp 60 triệu đồng).

Hiện nay, Vietracimex sở hữu 15 công ty thành viên, hoạt động trong 4 lĩnh vực chính là bất động sản, sản xuất công nghiệp, năng lượng và thương mại dịch vụ.

Ở mảng bất động sản, Vietracimex là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn như: Dự án Khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội (quy mô 146ha); Dự án Hinode City tại số 201 Minh Khai, Hà Nội (3,2ha); Dự án Sunrise VNT Resort – Phú Quốc (44,4ha); Dự án Khu dân cư Nam Thăng Long, huyện Bình Chánh, TP. HCM (41,87ha); Sân Golf Minh Trí (Hanoi Golf Club) tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội (108ha)…

Vietracimex xin làm tổ hợp 2,5 tỉ USD ở Mũi Yến, Bình Thuận - Ảnh 2.

Sân Golf Minh Trí - Hanoi Golf Club (Nguồn: Vietracimex)

Trong lĩnh vực năng lượng, Vietracimex sở hữu một số dự án thủy điện như: Nhà máy Thủy điện Tà Thàng tại Lào Cai (công suất 60MW, tổng vốn đầu tư 2.147 tỉ đồng); Nhà máy Thủy điện Bắc Mê tại Hà Giang (công suất 45MW, tổng vốn đầu tư 2.394 tỉ đồng); Nhà máy thủy điện Đạ Dâng – Đa Chomo tại Lâm Đồng (công suất 24MW, tổng vốn đầu tư 653 tỉ đồng).

Đồng thời, Vietracimex cũng triển khai hai dự án thủy điện rất lớn tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An là Nậm Mô 1 (công suất 90MW, tổng vốn đầu tư 4.128 tỉ đồng) và Mỹ Lý 1 (công suất 180MW, tổng vốn đầu tư 7.824 tỉ đồng).

Ngoài ra, công ty của ‘đại gia’ Võ Nhật Thăng còn phát triển mảng năng lượng tái tạo với một số dự án tại tỉnh Bình Thuận như: Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1A (công suất 150MW, tổng mức đầu tư 4.198 tỉ đồng); Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B (công suất 100MW, tổng mức đầu tư 2.832 tỉ đồng); Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 (công suất 100MW).

Đối với mảng sản xuất công nghiệp, Vietracimex sở hữu nhà máy Bột – Giấy VNT 19 tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, công suất 350.000 tấn/năm.

Vietracimex xin làm tổ hợp 2,5 tỉ USD ở Mũi Yến, Bình Thuận - Ảnh 3.
Vietracimex làm ăn ra sao?

Theo dữ liệu của VietTimes, trong giai đoạn 2019 – 2021, Vietracimex ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 13.535,1 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 919,7 tỉ đồng, tương ứng với biên lãi ròng là 6,79%.

Gần nhất vào năm 2021, tập đoàn của doanh nhân Võ Nhật Thăng ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.259,7 tỉ đồng, giảm 13% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ từ 311,4 tỉ đồng lên 316,5 tỉ đồng, tương ứng với biên lãi ròng tăng từ 6,36% lên 7,43%.

Trong 3 năm qua, kết quả kinh doanh của Vietracimex chịu sức ép lớn từ các khoản chi phí tài chính, chủ yếu là chi phí lãi vay và chi phí phát hành trái phiếu.

Đỉnh điểm là năm 2020, công ty này ghi nhận tới 782,8 tỉ đồng chi phí tài chính, trong đó chi phí lãi vay và chi phí phát hành trái phiếu là 702 tỉ đồng. Tới năm 2021, hai chỉ tiêu này lần lượt là 628,1 tỉ đồng và 594,1 tỉ đồng.

Tại ngày 31/12/2021, tổng dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Vietracimex là 18.543 tỉ đồng, chiếm 42,6% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay trái phiếu phát hành là 7.502,5 tỉ đồng.

Đáng chú ý, Vietracimex còn ghi nhận hơn 3.175 tỉ đồng nợ vay các đối tượng khác với lãi suất 0%/năm để phục vụ sản xuất kinh doanh. Một số khoản vay lớn có thể kể tới như vay CTCP Sân Golf Hà Nội (710,7 tỉ đồng), CTCP Xây dựng và Phát triển Cơ sở Hạ tầng số 9 (607,5 tỉ đồng), CTCP Kinh doanh và Quản lý Nhà Himark (519,6 tỉ đồng), CTCP dựng và Phát triển Cơ sở Hạ tầng số 9 HN (424,5 tỉ đồng)./.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/vietracimex-xin-lam-to-hop-25-ti-usd-o-mui-yen-binh-thuan-a736.html