Một đoạn thoại trong chương trình gặp nhau cuối tuần nhiều năm trước của danh hài Xuân Bắc làm người viết nhớ rất lâu.
Tiểu phẩm này kể về 2 thanh niên đi nhờ tư vấn. Xong xuôi, người tư vấn đòi thù lao thì được hỏi "Ơ, sao bác sĩ lúc nãy nói tình cảm là chính?". Câu trả lời "Nhưng tiền là chủ yếu!" khiến bệnh nhân chỉ còn cách móc hầu bao…
Tình huống chủ động lập lờ về ngôn ngữ ấy hôm 22-10 bước từ sân khấu ra đời thực. Tuy nhiên, nó không gây cười. Theo đó, tài khoản facebook có tich xanh mang tên Đoàn Ngọc Hải đăng status, nguyên văn: "Sài Gòn sáng nay 22-10-2023.
Chiếc áo vàng này rất đặc biệt, không phải ai cũng có thể khoác lên người mình được!"
Nội dung trên facebook của tài khoản có tên Đoàn Ngọc Hải
Ngay dưới nội dung này là clip thể hiện có nhân vật mặc áo nhà sư đang tát vào mặt một người. Và nó lập tức gây những luồng dư luận trái chiều.
Trong đó, rất nhiều ý kiến cho rằng tài khoản Đoàn Ngọc Hải đang thể hiện mình có chứng kiến, ghi lại sự việc đó bằng điện thoại trong sáng 22-10. Vô số những bình luận khác thì khẳng định thông điệp chứng kiến là bịa đặt vì những diễn tiến trong clip từ nhiều năm trước và không xảy ra ở TP HCM, từ đó, khuyên tác giả sở hữu tich xanh nên trung thực.
Cùng với đó, nhiều tài khoản để lại bình luận với nội dung chỉ trích, xúc phạm, miệt thị Phật giáo.
Hai hôm sau, 24-10, tài khoản Đoàn Ngọc Hải phản ứng với một bài báo đưa vụ việc qua lời khuyên "Sư và phóng viên cần đọc kỹ". Tuy nhiên, chủ tài khoản vẫn phải "nói lại cho rõ": "Nội dung tôi đã viết là đúng 18 chữ, tôi chỉ muốn nói đến ý nghĩa cực kỳ quan trọng của chiếc áo…".
Phản ứng của tài khoản có tên Đoàn Ngọc Hải khi bị phản ánh
Thứ nhất, mâu thuẫn khi đề nghị người khác "đọc kỹ" trong khi bản thân phải giải thích lại.
Thứ hai, ngay trong giải thích thì "quên mất" thông tin dạo đầu đầy quan trọng "Sài Gòn sáng nay 22-10-2023".
Thứ ba, không xác nhận bản thân đã quay clip hay thừa nhận lấy ở đâu đó mà thiếu dẫn nguồn.
Như vậy, địa chỉ facebook có tich xanh tiếp tục đưa hơn 300.000 người theo dõi cùng hàng triệu cá nhân biết chuyện vào một câu chuyện thiếu rõ ràng khác.
Đó không phải là cách tương tác chuẩn mực của người nổi tiếng, chững chạc mà là cách tương tác có thể đang khiêu khích những quy định về hành xử trên không gian mạng.
Đó không phải là người được hình dung (nếu đúng chính chủ tài khoản) từng rất nổi tiếng trên thực địa vỉa hè vài năm trước với những phát ngôn được cho là thẳng thắn.
Đó càng không phải là sự nghiêm chỉnh tối thiểu khi nói về một nghi vấn đang cần giải đáp.
Quay trở lại câu chuyện về tiểu phẩm trong gặp nhau cuối tuần, những cách lập lờ ngôn ngữ từ sân khấu hài kịch bước ra đời thực như vậy cần chấn chỉnh không chỉ với riêng cá nhân nào. Phải là toàn bộ người dùng internet!
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/toi-len-tieng-khong-the-lap-lo-ngon-ngu-a73585.html