Cơ hội kết nối giao thương 4 ngành giấy, sơn, nhựa và cao su sau dịch Covid-19

Dự kiến sẽ có trên 150 doanh nghiệp đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành giấy, sơn phủ, cao su, nhựa.

Ngày 16/7, tại Tp.Hồ Chí Minh, Hiệp hội sơn - mực in Việt Nam, Hiệp hội giấy Việt Nam, Hiệp hội cao su Việt Nam và Công ty THHH MTV dịch vụ quảng cáo và triển lãm Minh Vi (VEAS) đã công bố thông tin về 4 triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành giấy, sơn phủ, cao su và nhựa tại Việt Nam.

Trao đổi với Báo Tin tức, ông Nguyễn Bá Vinh, Trưởng Ban tổ chức triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành giấy, sơn phủ, cao su và nhựa, Giám đốc Công ty VEAS cho biết, trở lại sau 3 năm bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, triển lãm chuyên ngành công nghiệp giấy, cao su và nhựa đã nhận được sự ủng hộ và quan tâm mạnh mẽ từ các bộ, ngành, hiệp hội và 150 doanh nghiệp đến từ 17 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Bỉ, Đức, Indonesia, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Pakistan.... Trong đó, Ấn Độ là nước có số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia đông nhất với 41 doanh nghiệp.

"Triển lãm giấy, cao su và nhựa là điểm hẹn giao thương quốc tế, hội tụ bốn chuyên ngành quan trọng của Việt Nam là giấy, sơn phủ, cao su và nhựa. Đây cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà cung ứng, nhà phân phối, người mua và các chuyên gia kỹ thuật có thể đẩy mạnh hợp tác kinh doanh sau những tác động tiêu cực của đại dịch vừa qua; đồng thời giúp các bên tăng cường trao đổi kinh nghiệm, cập nhật thông tin và quy trình mới nhất cùng các nhà lãnh đạo đầu ngành và xây dựng mạng lưới số mạnh mẽ tại Việt Nam", ông Nguyễn Bá Vinh thông tin. 

Được biết, đây là sự kiện thương mại quốc tế thường niên được tổ chức bởi Công ty TNHH MTV Dịch vụ Quảng cáo & Triển lãm Minh Vi (VEAS) trong 10 năm qua. Sau quyết định trở lại khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, triển lãm nhận được sự ủng hộ và quan tâm mạnh mẽ từ các bộ, ngành, hiệp hội trong nước và quốc tế như: Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA); Hiệp hội sơn và mưc in Việt Nam (VPIA); Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA); Hội cao su nhựa Tp.Hồ Chí Minh (RUPA); Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Hóa chất cơ bản, dược phẩm và mỹ phẩm Ấn độ (CHEMEXCIL); Hiệp hội các nhà máy giấy tái chế & nông sản Ấn Độ (IARPMA); Hiệp hội các nhà sản xuất Keo dán và Vật liệu phủ Hàn Quốc (KACA).

Kinh tế vĩ mô - Cơ hội kết nối giao thương 4 ngành giấy, sơn, nhựa và cao su sau dịch Covid-19

Họp báo các triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành giấy, bột giấy, sơn phủ, mực in, cao su và sản xuất săm lốp xe, công nghiệp nhựa… Ảnh: Tạp chí Công thương. 

Tại buổi triển lãm, có nhiều thương hiệu Việt Nam tiêu biểu có gian hàng trưng bày như: Giấy Đồng Tiến, Miza, Việt Ấn, Minh Thanh, Minh Long, Cao su Đà Nẵng, Hiển Long, Kiến Vương, Vượt Sóng, Quốc Thắng, Nhật Minh, Nguyễn Quỳnh Anh, Mạc Tích...

Sự kiện này dự kiến sẽ đón khoảng 8.000 lượt khách tham quan trong nước và quốc tế, thể hiện sự hấp dẫn của 4 ngành công nghiệp sơn phủ, giấy, cao su, nhựa của Việt Nam với giới kinh doanh và đầu tư quốc tế.

Trong khuôn khổ cuộc triển lãm sẽ tổ chức các chuỗi hội thảo chuyên ngành với các chủ đề: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý xí nghiệp giấy ở Việt Nam; máy xeo giấy làm thùng sóng trong những năm tới ở Việt Nam; tái chế giấy thu hồi nói chung và hộp đựng chất lỏng (sữa, nước hoa quả...); tổng quan ngành cao su, tiềm năng và cơ hội phát triển cao su kỹ thuật; gặp gỡ giao thương doanh nghiệp ngành sơn Việt Nam và các doanh nghiệp Ấn Độ, Hàn Quốc; gặp gỡ giao thương doanh nghiệp ngành giấy Việt Nam và quốc tế…

Tại triển lãm, các khu vực trưng bày sẽ thể hiện các sản phẩm mới và công nghệ cải tiến, một trong số đó là: khu giao thương cao su nguyên liệu; khu trưng bày dây chuyền công nghiệp sản xuất giấy (bao gồm các loại giấy, bột giấy và công nghệ sản xuất giấy, hóa chất giấy, giấy bao bì, giấy tissue); khu trưng bày sản phẩm sơn, vật liệu phủ…

Kinh tế vĩ mô - Cơ hội kết nối giao thương 4 ngành giấy, sơn, nhựa và cao su sau dịch Covid-19 (Hình 2).

Có trên 150 doanh nghiệp đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia triển lãm. Ảnh: Tạp chí Công thương. 

Chương trình Kết nối doanh nghiệp (B2B): giúp các doanh nghiệp và khách tham quan tìm đúng đối tượng hợp tác

Chương trình Khách mua tiềm năng (VIP Buyer): tạo cơ hội tiếp cận trực tiếp với người mua tiềm năng và mở rộng mạng lưới kinh doanh

Tham quan thực tế (Visit Tour): giúp các doanh nghiệp nước ngoài thị sát các nhà máy, khu sản xuất, khu công nghệ cao tại Việt Nam để tìm hiểu về tình hình, năng suất và hoạt động thực tiễn của các đơn vị. 

Hương Anh (tổng hợp) 

 

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/co-hoi-ket-noi-giao-thuong-4-nganh-giay-son-nhua-va-cao-su-sau-dich-covid-19-a734.html