Trong tâm lý học, có một danh từ gọi là "Internal friction effect" (tạm dịch: hiệu ứng ma sát nội tâm).
Hiệu ứng "ma sát nội tâm" đề cập đến những ảnh hưởng tiêu cực do tiêu hao nhân lực và vật lực không cần thiết gây ra bởi bất hòa hoặc mâu thuẫn trong xã hội hoặc giữa nội bộ các bộ phận.
Hiệu ứng này thường xuyên xảy ra tại nơi làm việc, bản chất của nó là làm tiêu hao năng lượng tinh thần bên trong, nếu không được tháo gỡ kịp thời thì khó có thể nâng cao hiệu quả công việc.
Có một câu nói như này: "Bản thân sự việc không thể khiến con người choáng ngợp, nhưng thái độ của chúng ta đối với chúng thì có thể". Vì vậy, thứ khiến con người ta cảm thấy mệt mỏi, thực ra không phải là cường độ hay tính chất công việc mà chính là sự tiêu hao năng lượng tinh thần bên trong mỗi chúng ta.
Chúng ta chỉ có thể làm việc suôn sẻ nếu chúng ta ngừng sự tiêu hao bản thân đó và tập trung vào công việc.
01
"Tiêu hao năng lượng tinh thần bên trong" đang dần nuốt chửng bạn
Không biết bạn có từng như này hay không?
Chỉ cần sơ suất một chút trong công việc, bạn sẽ cảm thấy sếp không ưa mình, đồng nghiệp chê cười, rồi nhiều đêm trằn trọc nghĩ lại, hối hận "Giá như mình không mắc phải sai lầm đó…".
Muốn cạnh tranh để được thăng chức, nhưng lại nghi ngờ khả năng của mình, sợ mình làm không tốt nên chần chừ, đến cuối cùng, mọi việc còn chưa bắt đầu đã bị trí tưởng tượng đánh bại.
Một nhận xét thông thường từ lãnh đạo hoặc đồng nghiệp sẽ được ghi nhớ đến cả ngày dài và rất nhiều suy nghĩ khác sẽ xuất hiện trong đầu...
Sự tiêu hao về mặt tinh thần là liều thuốc độc lớn nhất đối với mỗi một người lớn. Nó giống như một đầm lầy, càng vùng vẫy, bạn càng lún sâu.
Nếu không thể thoát khỏi nó kịp thời, cứ để nó tích tụ, dần dần, những vấn đề khác nhau trong cơ thể và tâm trí sẽ xuất hiện, và một khi bùng phát, nó sẽ khiến con người suy sụp, rơi vào trạng thái chán nản nặng nề, không thể làm việc bình thường.
Rousseau từng nói: "Những nỗi buồn, những lo lắng, những nỗi đau của chúng ta đều do chính chúng ta tạo ra".
Trường Kinh doanh Harvard có một giáo sư hợp đồng, ông sở hữu trình độ học thuật chuyên môn vô cùng cao và mức lương hàng năm đáng mơ ước. Nhưng chính ông từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng: "Mỗi ngày đi làm, tôi đều cảm thấy mình như một kẻ thất bại".
Giáo sư nói:
"Mỗi buổi sáng khi tới văn phòng, tôi lại ý thức sâu sắc được một điều rằng giáo sư ở văn phòng bên trái là người đoạt giải Nobel, và tôi sẽ không bao giờ nhận được giải thưởng đó.
Giáo sư ở văn phòng bên phải đã viết 12 cuốn sách, và tôi chưa viết một cuốn nào. Chưa có một buổi sáng nào mà tôi không phải chịu nỗi đau của sự tự ti".
Trên thực tế, vị giáo sư ấy vốn rất giỏi, nhưng ông ấy chỉ nhìn thấy ánh sáng ở người khác, ông ấy nghi ngờ bản thân mỗi ngày, ông tự khiến mình bị che đậy bởi sự tự ti, chán nản và sự tiêu hao tinh thần.
Sự phủ nhận từ bên trong chính mỗi người là nguồn gốc của đau khổ trong cuộc sống.
Cuốn sách Ngài Cóc đi gặp bác sỹ tâm lý viết rằng: "Không có lời chỉ trích nào mạnh hơn sự tự phê bình, và không có quan tòa nào nghiêm khắc hơn chính chúng ta".
Khoảng thời gian diễn ra Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh. Trong trận bán kết trượt băng tốc độ 1500m nam cự ly ngắn, Ren Ziwei, người ban đầu xếp thứ nhất, đã bị hủy thành tích do phạm quy. Sau trận đấu, Ren Ziwei nói rằng anh đã mắc một "sai lầm ngốc nghếch", đó là: suy nghĩ quá nhiều.
Anh ấy nói: "Trước trận đấu, trong đầu tôi có rất nhiều người suy nghĩ: làm thế nào để lao lên vị trí đầu tiên trong trận chung kết, sử dụng chiến thuật nào để giành chiến thắng nhanh, phải làm gì nếu tôi không thể có được vị trí đầu tiên... Tất cả khiến trạng thái tinh thần của tôi căng thẳng, tôi thậm chí đã thua trước cả khi thi đấu".
Rất nhiều chuyện vốn dĩ không có gì to tát cả, phần lớn sự lo lắng đều đến từ việc chúng ta đòi hỏi quá nhiều ở bản thân; hầu hết các tình huống khó khăn đều là những cái bẫy do suy nghĩ quá mức giăng ra.
Khi trong lòng có quá nhiều lo lắng, tinh thần sẽ bị gông cùm xiềng xích, hành động sẽ gặp trở ngại, kết quả sẽ là thất bại.
Hãy ngừng theo đuổi sự hoàn hảo, cũng đừng luôn so sánh mình với người khác, mỗi người đều có một tiết tấu riêng, đừng để người khác làm xáo trộn tiết tấu đó của bạn.
02
Bị mắc kẹt trong "tiêu hao tinh thần" là sự tàn nhẫn lớn nhất đối với bản thân
Trong truyện ngắn Người trong bao của tác giả Anton Chekhov. Nhân vật chính, Belikov, luôn bất an, lo lắng rằng cuộc sống của mình sẽ gặp rắc rối, anh làm việc gì cũng luôn rất thận trọng. Vì vậy, dù ra ngoài vào ngày nắng, anh ấy cũng đeo kính, mang ô, nhét bông vào tai, rồi nhét tất cả những thứ có thể bọc vào trong một cái bao để làm cái gọi là che chắn an toàn cho bản thân. Belikov thường sống trong những lo lắng tưởng tượng của riêng mình, và cuối cùng chết vì phiền muộn.
Đây là biểu hiện điển hình của cái gọi là "tiêu hao tinh thần", tuy bề ngoài cơ thể không bị ảnh hưởng nhưng tâm trí lại vô cùng náo loạn và bất an.
Có một câu nói rất hay: "Ma sát tinh thần là cuộc đấu tranh giữa một người và chính mình. Bạn không cần phải đợi người khác làm điều đó, bạn sẽ tự làm kiệt sức mình".
Nhân vật Tường Lâm trong tiểu thuyết Chúc phúc của Lỗ Tấn là một người như vậy. Cô vốn là người siêng năng, đảm đang, an phận, rất được nhà họ Lỗ coi trọng. Tuy nhiên, cô buộc phải tái giá, ngay sau khi chồng qua đời, con trai cũng bị bắt đi.
Chuỗi ngày xui xẻo đã khiến cô trở thành một người hoàn toàn khác, quay trở về nhà họ Lỗ trong tình cảnh tuyệt vọng, mặt mũi phờ phạc, đôi mắt trống rỗng, bất an cả ngày, không có sức sống.
Cô kể cho mọi người nghe về nỗi khổ của mình, ban đầu nhiều người còn thương cảm, có người thậm chí còn khóc thương cho hoàn cảnh của cô. Nhưng sau đó, khi cô không ngừng phàn nàn, mọi người dần dần hoặc chán ngán hoặc chê cười.
Không buông tha được quá khứ, cô tự công kích bản thân, lơ đễnh trong công việc, cuối cùng bị nhà họ Lỗ đuổi ra ngoài, trở thành kẻ ăn mày, chết cóng trên đường phố. Kết cục bi thảm của cô không chỉ do những vận rủi liên tiếp xảy ra mà còn bởi sự dằn vặt về tinh thần thường xuyên của chính mình.
Rơi vào sự tiêu hao tinh thần là sự tàn nhẫn lớn nhất đối với bản thân, đồng thời cũng là giọt nước tràn ly bóp chết niềm tin thiêng liêng của con người.
Trên mạng xã hội, có người đặt ra một câu hỏi như này: "Nguyên nhân sâu xa của sự mệt mỏi của một người là gì?"
Trong số đó, câu trả lời có lượng like cao nhất là: "Không phải năng lực, không phải ngoại hình mà là bạn không biết cách xử lý mối quan hệ với chính bản thân mình".
Đúng vậy, nhiều khi, lý do khiến tôi đau đớn lại là tôi không thể buông bỏ và không thể tự mình thoát ra được. Một người ngay cả cơ thể và tâm trí của mình cũng không thể quản lý cho tốt được thì làm sao có thể thuận lợi và trôi chảy trong công việc?
"Định luật Festinger" nổi tiếng nói rằng:"10% cuộc đời của bạn được tạo nên bởi những gì xảy ra với bạn, và 90% còn lại được quyết định bởi cách bạn phản ứng với chúng". Cuộc sống vô thường và lòng người khó lường, thay vì suy nghĩ nhiều và luôn trong trạng thái lo lắng, tốt hơn hết bạn nên học "trầm mình lại".
Tu dưỡng bản lĩnh vững vàng trong công việc, tập trung vào sự trưởng thành của bản thân, phát hiện ra vấn đề, điều chỉnh hướng đi bất cứ lúc nào, không ngừng tiến về phía trước, có như vậy thì cuộc sống cũng sẽ suôn sẻ.
03
Bí quyết để có một công việc suôn sẻ: Học cách ngừng tiêu hao tinh thần
Có một người đặt ra câu hỏi như này: "37 tuổi thất nghiệp ở nhà, áp lực vô cùng, mệt mỏi cùng cực, tôi phải làm sao?".
Có một câu trả lời rằng: "Giả sử Thượng Đế đặt mười cái hộp trước mắt bạn và nói với bạn rằng trong đó có một hộp chứa thứ bạn muốn, bạn sẽ làm gì? Bạn nên mở từng cái một, đừng lãng phí thời gian, tranh thủ thời gian thử mắc sai lầm, suy nghĩ nhiều cũng vô ích. Một chữ thôi, làm. Không được, đổi. Làm tiếp, vẫn không được, lại đổi".
Đúng vậy, trong nhiều trường hợp, không phải bạn không có khả năng giải quyết vấn đề mà do tâm lý bạn tự đặt cho mình một độ cao không thể vượt qua. Làm một việc, điều khó vượt qua nhất không phải là những khó khăn sẽ gặp phải, mà là những khó khăn trong tưởng tượng.
Nhà văn Nhật Bản Matsuura Tarou từng nói: "Những người thường xuyên bị mắc kẹt trong lo lắng và hồi hộp thường có vấn đề tồi tệ là suy nghĩ quá nhiều".
Khi Willie Carell còn là một kỹ sư trẻ tại một công ty thép ở Hoa Kỳ, anh đã từng được giao nhiệm vụ lắp đặt một máy làm sạch khí. Mặc dù đã rất chăm chỉ lắp đặt chiếc máy, nhưng nó lại không đạt chất lượng tiêu chuẩn và chỉ có thể được sử dụng một cách miễn cưỡng, điều này khiến anh rất chán nản.
Anh không ngừng suy nghĩ xem phải làm thế nào để cải thiện, nếu cứ tiếp tục thất bại thì có ảnh hưởng đến danh tiếng của mình hay không? Chuỗi suy nghĩ này khiến tinh thần anh kiệt quệ. Sau đó, anh nhận ra rằng sự buồn bã không giải quyết được vấn đề, và để loại bỏ tình trạng lo lắng hiện có, anh bắt đầu đưa ra các giả định về tinh thần:
Đầu tiên, hãy tưởng tượng rằng chiếc máy bị hỏng và bị tháo dỡ hoàn toàn, và mình sẽ mất việc.
Thứ hai, hãy động viên bản thân chuẩn bị tâm lý để đón nhận tình huống xấu nhất này.
Một lần nữa chuẩn bị tinh thần rồi hãy bình tĩnh giải quyết vấn đề, cùng lắm là tìm một công việc khác.
Cuối cùng, sau một số lần thử nghiệm, anh nhận thấy rằng vấn đề có thể được giải quyết đúng cách bằng cách chi thêm 5.000 USD cho một số thiết bị.
Đây là công thức Carell nổi tiếng, hay còn được gọi là "công thức vạn linh".
Có nghĩa là nếu bạn gặp khó khăn, chỉ bằng cách ép mình đối mặt với tình huống xấu nhất và có kế hoạch về mặt tinh thần, bạn mới có thể bình tĩnh và nghĩ ra cách để cải thiện hoặc giải quyết vấn đề một cách hiệu quả và thoát khỏi tình trạng khó khăn đó.
Chỉ nghĩ, đâu đâu cũng là vấn đề; làm rồi, mới có được đáp án. Ngừng tiêu hao tinh thần chính là thuốc giải tốt nhất cho một công việc thuận lợi.
Có người hỏi rằng: Trong bộ phim Forrest Gump, tại sao Forrest Gump lại thành công?
Có một câu trả lời rằng: "Vì Forrest Gump chưa từng muốn thành công. Anh ấy chủ động làm mà không màng tới kết quả". Tuy năng khiếu tầm thường nhưng ở Gump lại có một nội tâm đơn giản, không bi quan, than phiền, hay băn khoăn trước bất cứ điều gì và tình huống nào, và chỉ tập trung làm tốt những việc trước mắt. Vì vậy, cuối cùng anh ấy có thể trở thành một anh hùng, một nhà vô địch thể thao, một triệu phú...
Emerson đã nói, "Tập trung, yêu thích và đặt toàn bộ tinh thần vào những gì bạn muốn, bạn nhất định sẽ được đền đáp".
Thực tế, những người giỏi hơn bạn và có thể thành công đều sở hữu một yếu tố rất quan trọng ngoài nỗ lực của bản thân, đó là họ thoát khỏi những tiêu hao tinh thần sớm hơn bạn và biết cách tập trung vào công việc.
Để loại bỏ sự tiêu hao về mặt tinh thần và làm cho công việc trôi chảy hơn, chúng ta có thể cố gắng bắt đầu từ các khía cạnh sau:
1. Ngừng sống trong mắt người khác, từ chối việc nịnh nọt, sống là chính mình.
2. Thôi chần chừ và viển vông, chỉ "suy nghĩ" thì cũng chỉ là tờ giấy trắng, câu trả lời nằm ở chữ "làm".
3. Ngừng tự công kích bản thân, đừng luôn phủ nhận bản thân, hãy nhìn nhận điểm mạnh và điểm yếu của bản thân và thẳng thắn hòa giải với chính mình.
4. Ngừng suy nghĩ quá đà, buông bỏ lo lắng, sống cho hiện tại và kịp thời giải phóng những cảm xúc tiêu cực để cảm thấy hạnh phúc hơn.
5. Ngừng đòi hỏi sự hoàn hảo. Đừng quá khắt khe với bản thân, sự hoàn thiện quan trọng hơn sự hoàn hảo.
Tự tiêu hao tinh thần là một cuộc chiến cá nhân, không ai có thể cứu bạn ngoại trừ chính bạn.
Thay vì bị tra tấn bởi những xích mích nội tâm về mặt tinh thần, tốt hơn hết bạn nên dùng những hành động để tháo bỏ gông cùm trong lòng, thoát khỏi tình trạng khó khăn về tinh thần và tự chữa lành vết thương cho bản thân. Rồi bạn sẽ thấy mọi thứ dễ dàng hơn bạn tưởng.
04
Có một bức tranh như này:
Một người cực kỳ muốn tiến về phía trước, trong khi một cái tôi khác lại bám chặt lấy mặt đất sau lưng, khiến anh ta đứng yên tại chỗ và đình trệ.
Bức ảnh diễn tả một cách sinh động chân tướng vì sao công việc của nhiều người không suôn sẻ: điều cản trở sự tiến bộ của bạn chính là sự tiêu hao mặt tinh thần tới từ chính bạn.
Hãy nhớ rằng trì hoãn không giúp vấn đề tự biến mất.
Hãy chủ động chặn những tiếng nói vô bổ, duy trì tâm lý tốt nhất, nỗ lực hết mình để tập trung vào chính công việc, đây chính là bí quyết giúp công việc của bạn trở nên suôn sẻ hơn.