Nghệ An: Người dân yêu cầu làm rõ nguyên nhân xảy ra trận lụt lịch sử

Trận lụt cuối tháng 9/2023 đã khiến cho nhiều nơi tại huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An chìm trong biển nước. Đây là điều hàng chục năm qua mới xảy ra ở địa phương này.

Yêu cầu làm rõ nguyên nhân gây lũ lụt

Chiều 20/10, Đoàn đại biểu HĐND tỉnh do ông Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An làm trưởng đoàn đã có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu.

Hội nghị đã ghi nhận các ý kiến của cử tri xã Châu Hội và đại diện phòng, ban, ngành huyện Quỳ Châu gửi đến đại biểu HĐND tỉnh. Phần lớn các cử tri đã đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân trận lũ lụt lớn xảy ra từ tối 26 đến sáng 27/9 vừa qua.

Dân sinh - Nghệ An: Người dân yêu cầu làm rõ nguyên nhân xảy ra trận lụt lịch sử

Huyện Quỳ Châu là địa phương ngập nặng nhất trong trận mưa lũ vừa qua.

Đặc biệt, người dân yêu cầu làm rõ quy trình xả lũ của một số nhà máy thuỷ điện như: Nhạn Hạc, Châu Thắng gây ngập lụt, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân trên địa bàn. Cử tri cũng đề nghị chính quyền các cấp, ngành triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống cho người dân.

Đại diện lãnh đạo Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Quỳ Châu và các đơn vị liên quan đã giải trình các nội dung thuộc thẩm quyền. Lãnh đạo huyện cho biết, để khắc phục sản xuất nông nghiệp, địa phương đã trích 500 triệu đồng để hỗ trợ cá giống cho các hộ nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí đào đắp khắc phục các xứ đồng bị bồi lấp, giúp người dân kịp thời sản xuất lúa vụ đông – xuân 2023-2024.

Theo thống kê của huyện Quỳ Châu, trận mưa lũ lịch sử đã gây hậu quả lớn trên địa bàn, với hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu, nhiều tuyến giao thông bị sạt lở, chia cắt như: Quốc lộ 48A, Tỉnh lộ 544, Quốc lộ 48D.

Mưa lũ cũng đã làm 776 con gia súc, 23.032 con gia cầm bị chết; diện tích lúa hè thu -mùa bị thiệt hại: 850,48 ha; diện tích cây trồng hàng năm bị ngập, gãy đổ: 234,45 ha… Ước tính tổng thiệt hại hơn 177 tỷ đồng, con số này gấp hơn 6,5 lần tổng thu ngân sách toàn huyện vào năm 2022 (năm 2022 huyện Quỳ Châu thu ngân sách 27 tỷ đồng).

Dân sinh - Nghệ An: Người dân yêu cầu làm rõ nguyên nhân xảy ra trận lụt lịch sử (Hình 2).

Ước tính tổng thiệt hại hơn 177 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng những ý kiến tại hội nghị rất thiết thực, đồng thời đánh giá cao cấp uỷ, chính quyền và các ban, ngành địa phương kịp thời khắc phục ảnh hưởng của trận lũ ngày 26 và 27/9.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh, hiện nay tỉnh đang tổng hợp tình hình thiệt hại trên toàn tỉnh để có phương án hỗ trợ. Cùng với đó, dự kiến UBND tỉnh sẽ đầu tư xây dựng một số công trình nhằm khắc phục và phòng chống tác động của thiên tai.

Nghệ An lập đoàn kiểm tra xả lũ của các thủy điện

Ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Nghệ An cho biết, phía Sở Công Thương Nghệ An đã lập đoàn kiểm tra việc thực hiện quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện Châu Thắng và Nhạn Hạc.

Đoàn kiểm tra gồm các thành viên thuộc Sở Công Thương và Chi cục Thủy lợi. Ông Trần Thanh Hải, Phó giám đốc Sở Công Thương Nghệ An được giao nhiệm vụ trưởng đoàn.

Dân sinh - Nghệ An: Người dân yêu cầu làm rõ nguyên nhân xảy ra trận lụt lịch sử (Hình 3).

Nhà máy thủy điện Châu Thắng.

Nhiệm vụ của đoàn là tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ, quy trình vận hành đơn hồ đối với các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện Châu Thắng và Nhạn Hạc. Xử lý vi phạm hoặc đề xuất phương án xử lý (nếu có) và báo cáo UBND tỉnh, giám đốc Sở Công Thương để xem xét, giải quyết. Thời gian kiểm tra là 5 ngày, kể từ 13/10.

Đây là hai nhà máy thủy điện được đề cập trong báo cáo về thiệt hại do mưa lũ từ ngày 26 đến 27/9 và kiến nghị xem xét quy trình xả lũ các nhà máy thủy điện của UBND huyện Quỳ Châu gửi đến UBND tỉnh Nghệ An.

Trong đó, thủy điện Châu Thắng do Công ty cổ phần Prime Quế Phong làm chủ đầu tư liên tục có 3 thông báo vận hành xả lũ, điều đáng nói, trong đó có 2 thông báo lúc giữa đêm và rạng sáng.

Cụ thể, lúc 23h42 ngày 26/9, Công ty cổ phần Prime Quế Phong phát hành thông báo gửi đến các cơ quan chức năng, báo cáo vận hành xả lũ lúc 4h ngày 27/9 với lưu lượng xả từ 76m3/s đến 450m3/s .

Thế nhưng, đến 2h38 ngày 27/9, công ty này lại có thông báo nêu việc thủy điện Nhạn Hạc xả khẩn cấp nên nhà máy thủy điện Châu Thắng phải thực hiện xả lúc 2h35 với lưu lượng xả tăng lên 1.200m3/s. Tiếp đó, đến 6h56 ngày 27/9, công ty tiếp tục có thông báo dự kiến đến 8h30 tăng mức xả lên đến 2.500m3/s về hạ du.

Trong khi đó, thủy điện Nhạn Hạc do Công ty cổ phần ZaHưng sở hữu thì chỉ gửi thông báo về cho Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai tỉnh Nghệ An, Chi cục Thủy lợi nắm và thông tin. Khi huyện Quỳ Châu nhận được thông báo thì lũ lớn cũng đã về gây ngập.

Theo Sở Công Thương Nghệ An, theo quy định, thông báo vận hành xả lũ phải được ban hành trước khi xả lũ ít nhất 4 giờ.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/nghe-an-nguoi-dan-yeu-cau-lam-ro-nguyen-nhan-xay-ra-tran-lut-lich-su-a73209.html