Theo công ty nghiên cứu rượu quốc tế IWSR, giá trị thị trường toàn cầu của phân khúc đồ uống ít cồn và không cồn đã tăng lên gần 10 tỷ USD vào năm 2021, từ 7,8 tỷ USD vào năm 2018.
Hiệu ứng này đặc biệt rõ rệt ở Nhật Bản, nơi dân số đang thu hẹp và người trẻ tuổi uống ít hơn nhiều so với những thập kỷ trước. Theo khảo sát của Chính phủ Nhật Bản, chỉ 7,8% người dân ở độ tuổi 20 uống rượu bia thường xuyên vào năm 2019, so với 20,3% ở nhóm tuổi đó vào năm 1999.
Trước sự sụt giảm doanh thu liên tục từ việc bán rượu bia, vào tháng 7, cơ quan thuế của Nhật Bản đã phát động một cuộc thi tìm kiếm ý tưởng về biện pháp kích cầu trong giới trẻ.
Các nhà sản xuất đồ uống lớn của Nhật Bản cũng đang hướng ra thị trường quốc tế để tăng doanh thu. Người đứng đầu tập đoàn bia Nhật Bản Asahi Group Holdings nói với Reuters rằng ông coi Bắc Mỹ là thị trường trọng điểm. Tập đoàn Suntory Holdings cũng đang tìm cách mở rộng kinh doanh cocktail đóng hộp ở đó.
Thưởng thức cocktail không cồn tại Sumadori Bar ở Tokyo, ngày 2/9/2022. (Ảnh: Reuters)
Ở trong nước, các doanh nghiệp rượu Nhật Bản đang đưa ra những phương cách mới để cải thiện trải nghiệm quán bar cho những người không uống rượu.
Vào một buổi chiều tại khu giải trí Roppongi, nhiều nhóm hầu hết là phụ nữ trẻ tụ tập tại một "khu vườn bia" không cồn được dựng dưới bóng của một trong những tòa nhà cao nhất Tokyo.
Vườn bia là một hoạt động truyền thống trong mùa hè ở Nhật Bản, nhưng truyền thống này, được quảng bá bởi Suntory và đài truyền hình TV Asahi, đã bỏ qua bia, thay vào đó là cung cấp cho khách hàng nhiều loại mocktail và rượu không cồn .
Đối thủ cạnh tranh Kirin Holdings Co cũng cung cấp rượu vang, cocktail và bia không cồn . Công ty này cho biết, doanh số bán bia không cồn của họ đã tăng hơn hai lần trong ba tháng tính đến tháng 6 so với một năm trước đó.
Đối với Sapporo Holdings, doanh số bán bia không cồn và ít cồn trong nước đã tăng 20% trong nửa đầu năm tính đến tháng 6/2022, trong khi doanh số bán bia lon đã giảm 4%.