Huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An là địa phương có ngành nghề khai thác, đánh bắt hải sản lớn. Địa phương này có 8 xã ven biển, vùng bãi ngang có hơn 1.000 phương tiện khai thác hải sản. Trong đó, chủ yếu tập trung phần lớn ở xã Diễn Ngọc và xã Diễn Bích với gần 500 tàu thuyền. Đi đến dọc cảng cá Lạch Vạn, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, có rất nhiều tốp thợ đang miệt mài sửa chữa tàu thuyền. Tiếng cưa, búa đập,...vang vọng cả một vùng.
Theo những người làm nghề sửa chữa tàu ở đây, nghề này công đoạn nào cũng cực nhọc, cần sức khoẻ dẻo dai, kiên trì mới làm được. Tuy nhiên công đoạn khó khăn nhất vẫn là lúc đưa tàu thuyền lên bờ, lên đúng vị trí để sửa.
Mặc dù, không được đào tạo bài bản nhưng với kinh nghiệm lâu năm thì những người thợ ở đây được ví như “bác sỹ” chữa lành bệnh cho những con tàu bị hư hỏng. Với bàn tay khéo léo, những người thợ này “chữa lành” vết thương cho tàu. Chủ thuyền nào yêu cầu thì đội thợ này cũng “tân trang” lại cho con thuyền như mới.
Không được học hành bài bản nhưng những người thợ ở đây làm mãi thành quen, dần trở nên thành thạo. Các linh kiện đều được những người thợ nắm trong lòng bàn tay.
Hành nghề được hơn 20 năm, ông Vũ Văn Tuấn, SN 1975, trú xã Diễn Ngọc chia sẻ: “Làm nghề này vất vả lắm. Nếu không kiên trì, chịu khó thì không thể theo được. Công việc nặng nhọc nhưng đổi lại thu nhập cũng khá. Mỗi ngày thợ phụ có thể kiếm được từ 300.000đồng – 400.000 đồng. Ở nông thôn kiếm được số tiền đó chi tiêu co cóp cũng đủ nuôi sống cả gia đình. Còn thợ chính thì kiếm được nhiều tiền hơn. Mỗi lần ra khơi về, các chủ tàu sẽ đưa tàu đến kiểm tra, sửa chữa”.
Ông Nguyễn Văn Sáng, SN 1971, trú xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu trước đây cũng bám nghề biển mưu sinh nuôi sống cả gia đình. Nhưng năm 1988, sau khi gặp biến cố trong một chuyến đi biển, người đàn ông này chuyển sang nghề sửa chữa tàu thuyền và gắn bó cho đến bây giờ. Vì bám biển lâu nên ông hiểu được tâm quan trọng công việc của mình. Bởi có sửa chữa cẩn thận thì ngư dân mới an toàn khi ra biển. “Với lỗi nhẹ thì chúng tôi có thể sửa trong vòng một buổi. Nhưng những lỗi nghiêm trọng phải mất mấy ngày. Chúng tôi cẩn thận sửa chữa chắc chắn để ngư dân an toàn khi ra biển”, ông Sáng chia sẻ thêm.
Theo ông Sáng, có những ngày sửa chữa tàu thuyền cho bà con không kịp ngủ. Bởi những người thợ cần hoàn thành công việc để cho bà con ngư dân kịp ra khơi.
Nghề này dùng máy là phần lớn này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, do vậy, trong quá trình làm việc người thợ luôn phải tập trung cao độ và hết sức cẩn trọng. Dù công việc vất vả và nguy hiểm nhưng người thợ cũng cố gắng hoàn thành cho ngư dân ra khơi.
Minh Tâm