Theo UBND thành phố Hà Nội , Dự án đang triển khai thực hiện 10/10 gói thầu chính. Quá trình thực hiện dự án mặc dù Ban QLDA đường sắt đô thị Hà Nội (chủ đầu tư) đã nỗ lực, cố gắng trong quản lý, triển khai nhưng tiếp tục gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến tiến độ thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu. Tính đến thời điểm hết tháng 8/2022, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 75%, trong đó tiến độ thi công đoạn tuyến trên cao đạt 96,3%.
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, theo báo cáo hiện công tác giải phóng mặt bằng của đoạn trên cao đã hoàn thành và bàn giao cho các nhà thầu. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại khiếu nại kéo dài của 177 hộ dân tại Depot và đường dẫn vào Depot đối với các chính sách bồi thường, hỗ trợ. Các hộ dân thường xuyên gửi đơn thư khiếu nại lên Ngân hàng Phát triển châu Á. UBND thành phố đang chỉ đạo các cấp có thẩm quyền gồm UBND quận Bắc Từ Liêm, Thanh tra thành phố, Sở TN&MT tiến hành giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với đoạn ngầm, theo báo cáo, công tác giải phóng mặt bằng chậm từ 1 đến 6 năm. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đoạn ngầm vẫn còn các tồn tại về công tác bồi thường, hỗ trợ, tạm cư 50 căn nhà bị ảnh hưởng trong quá trình thi công tuyến hầm (43 căn nhà cần tạm cư và 7 căn nhà cần phá dỡ, đều không phải thu hồi đất) rất phức tạp, gặp nhiều vướng mắc, khó khăn do chưa có quy định pháp luật (về chính sách bồi thường hỗ trợ, tạm cư; về hợp đồng thoả thuận tạm cư; về quy trình thực hiện) và thực tiễn thực hiện ở Việt Nam. Chủ đầu tư đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND quận Ba Đình, Đống Đa tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tạm cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi tuyến hầm theo yêu cầu của UBND thành phố hoàn thành trước 30/9/2022.
Theo Tờ trình, UBND Thành phố Hà Nội đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2009 – 2022 thành 2009 – 2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng), trong đó, đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào năm 2022 ; đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào năm 2027 (gồm cả đoạn ngầm).
UBND thành phố cũng đề xuất điều chỉnh Tổng mức đầu tư dự án tăng từ 32.910 tỷ đồng lên 34.826 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư tăng thêm 1.916 tỷ đồng. Nguồn vốn bổ sung cho phần tăng thêm sử dụng từ ngân sách nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 7/8/2011 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án.
Theo Tờ trình, sau khi được HĐND thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, UBND thành phố sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong tháng 9/2022.
Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Kết luận số 68 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội.
Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất về nguyên tắc đối với đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố và các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện hồ sơ bảo đảm tuân thủ đúng các quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư công và các quy định pháp luật khác có liên quan để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong đó lưu ý rà soát tổng mức đầu tư điều chỉnh bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí có liên quan, nhất là các chi phí phát sinh do các gói thầu bị chậm tiến độ cần rà soát kỹ trách nhiệm của các bên theo hợp đồng đã ký kết; rà soát việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án bảo đảm khả thi, tránh việc điều chỉnh nhiều lần, ảnh hưởng tới đời sống dân sinh, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Ban Cán sự đảng UBND thành phố có trách nhiệm khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân đã được chỉ ra trong quá trình triển khai dự án; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.