“Rái cá” sông Ba
Vùng đất Krông Pa, cách trung tâm Tp.Pleiku, tỉnh Gia Lai khoảng 150km. Nơi đây quanh năm nắng gió, được ví như “chảo lửa” bởi sự khắc nhiệt của thời tiết.
Chính vì thời tiết nắng nóng, trẻ con nơi đây thường tìm đến sông Ba để hoà mình vào dòng nước mát lành.
Ông Kpă Jiêm, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa cũng vậy. Khi còn nhỏ, nhờ những lần theo chúng bạn ra sông tắm, ông rèn luyện được khả năng bơi lội, ngụp lặn hơn người.
Với khả năng bơi nhanh, lặn lâu, lặn sâu, trong những lần ra sông suối ông là người đánh bắt được rất nhiều tôm cá.
Từ đó, người dân trong làng thường gọi ông với biệt danh thân mật “rái cá” sông Ba.
Cũng vì nắng nóng, trẻ em thường rủ nhau đi tắm sông, tắm suối. Từ đó, dẫn đến nhiều trường hợp bị đuối nước thương tâm.
May mắn, nhiều trường hợp bị đuối nước được ông Jiêm cứu, thoát khỏi “tử thần”. Cũng không ít lần ông ngụp lặn, giúp tìm thi thể người chết chìm dưới lòng sông.
Cũng từ đó, cái nghiệp cứu người hay lặn tìm người chết đến với ông như một cơ duyên, cho đến tận hôm nay.
Ông Jiêm được trời phú sở hữu thân hình cao lớn hơn 1,9m, giọng nói ấp áp, gương mặt nhân hậu.
Ông Jiêm kể, trong làng khi có trường hợp bị đuối nước không tìm được thi thể, người làng lại chạy đến tìm ông nhờ giúp đỡ.
Ông nhớ nhất buổi chiều cách đây chừng 5 năm, khi lần đầu tiên vớt thi thể người. Hôm đó, ông đang làm việc thì có người báo 2 cậu cháu ở thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa nhậu xong rủ nhau ra sông Ba tắm rồi mất tích.
“Lúc đó, khi tôi đến nơi, dòng nước sông Ba chảy cuồn cuộn như muốn nuốt trôi mọi thứ. Chiều tối, ngâm mình dưới dòng nước lạnh cả tiếng đồng hồ toàn thân run lẩy bẩy, môi thâm đen.
Định bụng lặn lần cuối rồi đợi ngày mai nắng ấm sẽ tiếp tục tìm, thì tay tôi quơ trúng người bị nạn. Lúc này, toàn thân tôi sởn gai ốc, cảm giác sợ hãi bao trùm. Ngoi lên mặt nước, trấn tĩnh lại tinh thần, tôi lấy một hơi sâu rồi ngụp xuống kéo nạn nhân vào bờ”, ông Jiêm nhớ lại.
Dẫn chúng tôi tới dòng sông Ba khắc nghiệt, nước chảy xiết ông Jiêm chia sẻ, lặn dưới nước nhiều giờ sẽ đuối sức, chuột rút, rất nguy hiểm.
Để cứu được người đang bị đuối nước phải có sức khoẻ tốt, đặc biệt kỹ năng bơi lội phải giỏi, phải biết lựa thời cơ thích hợp.
Có nhiều trường hợp, liều mình cứu người đuối nước không đúng cách, đã khiến cả nạn nhân lẫn người cứu cùng thiệt mạng thương tâm.
Chuyện tìm người đuối nước cũng có lúc dở khóc, dở cười.
Đầu tháng Tư vừa rồi, ở đoạn sông này, một người đàn ông buồn chuyện gia đình, đã để xe máy cùng chìa khóa dưới cầu Ia Rmok rồi mất tích.
Nghi người đàn ông này tự tử, ông Jiêm tham gia cùng hàng trăm người dân, lực lượng cứu nạn tổ chức tìm kiếm. Ông Jiêm đảm nhận việc ngụp, lặn ở những vùng nước sâu.
Tuy vậy, sau 2 ngày ròng rã lặn tìm khắp ngóc ngách ở đoạn sông này. mọi người vẫn không tìm thấy nạn nhân, điện thoại không liên lạc được.
Lực lượng cứu nạn sau đó nhận định, thời điểm này nước sông Ba rất nông, nếu tự tử thì sẽ tìm thấy thi thể ngay.
Sau này mới biết, người đàn ông trên chỉ dựng hiện trường giả để hù dọa gia đình chứ không có chuyện tự tử.
Tấm gương điển hình
Với ông Jiêm, đau lòng nhất là khi tham gia vớt xác những đứa trẻ.
Phần lớn các bậc cha mẹ là người dân tộc thiểu số thường gắn với việc nương rẫy, ít chăm lo việc học hành cũng như quản lý con cái.
Trẻ con thường tò mò, sau giờ học rủ nhau tắm sông mà không lường được mức độ hiểm nguy.
Ở góc xã Ia Rmok, ông Jiêm cùng con gái sống trong căn nhà nhỏ. Cuộc sống còn bao vất vả, nên ông Jiêm nỗ lực mỗi ngày.
Vợ bỏ theo người khác nên giờ đây, con gái là điều ý nghĩa nhất với ông. Mỗi lần đi tìm người bị nạn, ông đều tự dặn bản thân phải cẩn trọng, nếu không con gái sẽ bơ vơ.
Bà Võ Thúy Vân, Bí thư Đảng ủy xã Ia Rmok cho biết, ông Kpă Jiêm là công chức của xã. Cấp ủy, chính quyền hoan nghênh tinh thần nhiệt tình, tích cực của ông trong việc hỗ trợ người dân tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, nên xã cũng đã đề xuất huyện kịp thời khen thưởng đối với ông Jiêm.
Dù đã ở tuổi 45 nhưng ông vẫn cố gắng vừa học vừa làm, tốt nghiệp đại học năm 2019, được kết nạp vào Đảng đầu năm 2023.
Theo bà Vân, sông Ba mùa mưa nước cuồn cuộn chảy, dòng nước đục ngầu hung hãn. Còn mùa nắng tuy nước cạn hơn nhưng lại là cạm bẫy, bởi các cháu nhỏ thường rủ nhau ra đây tắm.
Vùng hạ lưu cạn nước, các bãi cát dưới lòng sông nhô lên lộ ra các hũng nước. Các em nhầm tưởng các hố nước cạn nhưng chỗ ấy là dòng chảy rất sâu.
Dòng sông Ba xảy ra rất nhiều chuyện đau lòng. Cũng có trường hợp nhiều người lặn rất giỏi, nhưng cứ nhậu xong nổi hứng đi lặn bắt cá thì cũng bị đuối nước.
“Trên sông Ba đoạn qua xã Ia Rmok, giáp ranh với xã Phú Cần và Chư Drăng, thường xảy ra các vụ đuối nước thương tâm. Bởi vậy, bên cạnh việc tuyên truyền phòng tránh đuối nước, xã thường xuyên rà soát các vị trí nguy hiểm ở ao hồ, sông suối để cắm biển cảnh báo, tổ chức dạy bơi cho học sinh tại một số trường học trên địa bàn. Từ đó, ngăn ngừa những vụ tai nạn thương tâm”, bà Võ Thúy Vân nói.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/nguoi-dan-ong-duoc-menh-danh-rai-ca-song-ba-a71438.html