Nhu cầu than toàn cầu sẽ bị tác động mạnh bởi nhiều yếu tố

Giá than tăng cao cùng với nỗ lực giảm lượng khí thải carbon đang khiến nhu cầu tiêu thụ than trên toàn cầu có xu hướng giảm. Thị trường tiêu thụ than lớn như Trung Quốc duy trì các biện pháp phong tỏa cùng với nhu cầu từ châu Âu chỉ đóng một phần nhỏ trong tổng lượng tiêu thụ sẽ khó có thể thúc đẩy loại nhiên liệu “bẩn nhất thế giới' này tăng trưởng trở lại.

Theo một phân tích về dữ liệu tiêu thụ năng lượng, sản lượng nhiệt điện than toàn cầu giảm 1,2% trong nửa đầu năm 2022 so với một năm trước đó. Nguyên nhân là do kinh tế Trung Quốc suy thoái mạnh và giá than toàn cầu tăng sau khi Nga xảy ra xung đột với Ukraine.

Trong khi đó, sản lượng điện từ các nguồn tái tạo tăng 17% so với cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm, dẫn đầu bởi sự gia tăng công suất ở Mỹ và Trung Quốc, theo một báo cáo do S&P Global Commodity Insights, một công ty nghiên cứu thị trường công bố ngày 8/9 vừa qua.

Lượng khí thải toàn cầu giảm khoảng 1% trong nửa đầu năm 2022, trong khi nhu cầu điện tăng 2,5% và các quốc gia châu Âu chuyển sang sử dụng than trong nỗ lực loại bỏ khí đốt tự nhiên của Nga.

Sự phát triển ở Trung Quốc, quốc gia chiếm hơn một nửa lượng than tiêu thụ toàn cầu có lẽ có tác động lớn nhất. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, sản xuất điện từ than đá dự kiến sẽ tăng 4,1% ở Trung Quốc từ năm 2021 đến năm 2024. Nhưng trong nửa đầu năm, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thay đổi trong bối cảnh các lệnh phong tỏa phòng chống Covid-19 được thực thi nghiêm ngặt và sự sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản, khiến các nhà kinh tế giảm mạnh kỳ vọng tăng trưởng trong năm.

Điều đó khiến dự báo tiêu thụ than toàn cầu trở nên khó khăn. Trong khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết trong dự báo mới nhất của mình rằng sự phục hồi của Trung Quốc trong nửa cuối năm có thể đẩy tiêu thụ than toàn cầu tăng 0,7% vào năm 2022, nhưng viễn cảnh đó ngày càng khó xảy ra khi Bắc Kinh tuân thủ các biện pháp kiểm soát chặt chẽ của Covid và hạn chế kích cầu quy mô lớn.

Tại châu Âu, ngày càng nhiều quốc gia chuyển sang sử dụng than đá sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra hồi tháng 2. Điều này đã khiến giá cả tăng vọt và khối này nỗ lực tìm kiếm các giải pháp thay thế cho khí đốt tự nhiên của Nga, đồng thời thu mua các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ và Trung Đông khiến giá LNG bị đẩy lên mức cao kỉ lục.

Liên minh châu Âu đã tăng tiêu thụ than lên 6,6% so với cùng kỳ, mức tăng này bù đắp mức giảm 6,4% ở Mỹ trong bức tranh tổng thể của toàn cầu. Mặc dù châu Âu ngày càng quay trở lại với than, tác động toàn cầu vẫn là một hạn chế bởi châu lục này chỉ chiếm 5% lượng than tiêu thụ toàn cầu.

Nhu cầu than toàn cầu sẽ bị tác động mạnh bởi nhiều yếu tố - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Các nhà phân tích của S&P nhận thấy rằng tiêu thụ than của Ấn Độ đã tăng 10,5% trong nửa đầu năm 2022 khi nước này mở rộng điện khí hóa và lắp đặt điều hòa nhiệt độ trong đợt nắng nóng mùa xuân kéo dài.

Đồng thời, giá than tăng do các nước "tẩy chay" than Nga và một số công ty khai thác phải vật lộn để tăng sản lượng, khiến giá than châu Âu và châu Á tương lai tăng gần gấp ba mức trước xảy ra xung đột tại Ukraine.

Tại Trung Quốc, mặc dù sản lượng điện tổng thể của Trung Quốc tăng 3,7% trong nửa đầu năm nhưng thị phần năng lượng sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện than đã giảm 2,6%, dữ liệu công bố bởi Carbon Monitor khi theo dõi dữ liệu phát thải cho biết.

Mặc dù vậy, Trung Quốc đã tăng cường tiêu thụ than trong tháng 7 và tháng 8 để đáp ứng nhu cầu điện tăng vọt trong thời gian ngắn do hạn hán và các đợt nắng nóng kỷ lục ở miền Nam và miền Trung Trung Quốc làm ảnh hưởng đến việc sản xuất điện từ thủy điện và khiến nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ tăng cao.

Về lâu dài, giá than cao liên tục dường như đang thúc đẩy sự chuyển dịch toàn cầu sang các nguồn năng lượng sạch hơn. Ở Đông Nam Á, một nửa số dự án điện được đề xuất hoặc đang xây dựng liên quan đến năng lượng tái tạo, tăng từ 21% vào năm ngoái. S&P cũng cho biết thêm rằng một số nhà máy nhiệt điện than được đề xuất đã bị loại bỏ. Trung Quốc cũng đã mở rộng công suất của các dự án năng lượng mặt trời và điện gió đã được lên kế hoạch lên 320 GW trong năm nay, tăng từ 144 GW vào năm ngoái.

Tham khảo: S&P Global, WSJ

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/nhu-cau-than-toan-cau-se-bi-tac-dong-manh-boi-nhieu-yeu-to-a7123.html