Huyện chậm xây dựng KTĐC cao tốc, UBND tỉnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ

Trước việc chậm xây dựng các KTĐC cao tốc ở huyện Lệ Thủy, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, yêu cầu UBND huyện Lệ Thủy đẩy nhanh tiến độ.

Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình bao gồm 3 dự án thành phần với tổng chiều dài 126,43km; trong đó đoạn Vũng Áng - Bùng khoảng 43km; Bùng - Vạn Ninh 50km; Vạn Ninh - Cam Lộ 33,5km. Tổng mức đầu tư trên 24.282 tỷ đồng, tổng diện tích thu hồi đất là gần 1.274ha, đã hoàn thành trích đo địa chính, kiểm đếm tài sản toàn bộ 126,43km.

Về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB), Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành các quyết định bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng có phạm vi 111,47km.

Tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu bồi thường, giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại của các dự án cao tốc thành phần trước ngày 15/12; tổ chức đối thoại, giải quyết dứt điểm các kiến nghị, khiếu nại của người dân để làm cơ sở đến 31/12 bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án.

Dân sinh - Huyện chậm xây dựng KTĐC cao tốc, UBND tỉnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ

Cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Quảng Bình.

Được biết, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn huyện Lệ Thủy có chiều dài lớn nhất, với một khối lượng tái định cư (TĐC) nhà cửa, công trình, mồ mả lớn nhất từ trước đến nay.

Theo đó, dự án thành phần Vạn Ninh - Cam Lộ, thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua địa phận huyện Lệ Thủy có chiều dài gần 32km. Tổng diện tích đất chiếm dụng của dự án hơn 265ha. Trong phạm vi dự án có hơn 600 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó có 132 hộ thuộc diện TĐC; gần 700 ngôi mộ bị ảnh hưởng, trong đó, có 76 ngôi mộ phải di dời đến vị trí mới.

Đến nay, dự án đã hoàn thành công tác trích đo địa chính, kiểm đếm tài sản đạt 100%; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ với hơn 205 tỷ đồng, đạt 64% và đã bàn giao cho Ban QLDA đường Hồ Chí Minh hơn 23km, đạt 73%. Huyện Lệ Thủy đang trình phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đối với hạng mục di dời, trong đó, có 3 khu tái định cư (KTĐC) rộng 12ha cho khoảng 132 hộ. Giá trị giải ngân đến ngày 3/10 là 282 tỷ đồng, đạt hơn 38%. Huyện thành lập tổ công tác để làm việc, thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất và hỗ trợ nhà thầu để triển khai được các mỏ vật liệu đất.

Dân sinh - Huyện chậm xây dựng KTĐC cao tốc, UBND tỉnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ (Hình 2).

Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết, công tác bồi thường, GPMB của Dự án trên địa bàn huyện Lệ Thủy đạt được còn thấp.

Dự án hiện đang vướng đất ở và đất liền kề của 2 hộ gia đình tại thị trấn Nông trường Lệ Ninh; vướng mặt bằng Công ty Greenstar đoạn qua xã Phú Thủy; vướng đất nhà ở và đất nông nghiệp tại khu vực cầu Thác Cốc, xã Trường Thủy; vướng đất nhà ở của 3 hộ dân ở xã Kim Thủy.

Liên quan đến tiến độ GPMB, xây dựng các KTĐC ở địa bàn huyện Lệ Thủy, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết, công tác bồi thường, GPMB của Dự án trên địa bàn huyện Lệ Thủy đạt được còn thấp, mặt bằng bàn giao không liên tục và còn nhiều vướng mắc; công tác xây dựng KTĐC, khu nghĩa địa và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật còn chậm chưa đảm bảo tiến độ, yêu cầu.

Trên cơ sở đó, để đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư thi công Dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, yêu cầu UBND huyện Lệ Thủy khẩn trương, tập trung triển khai thực hiện hoàn thành các nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo kết luận số 4051/TB-VPUBND ngày 22/9/2023 của Văn phòng UBND tỉnh, báo cáo kết quả thực hiện hàng tuần cho UBND tỉnh.

Dân sinh - Huyện chậm xây dựng KTĐC cao tốc, UBND tỉnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ (Hình 3).

Tại các mặt bằng đã được bàn giao, đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành (Ảnh: Vĩnh Quý).

Đồng thời, khẩn trương lựa chọn nhà thầu và chỉ đạo, đôn đốc thi công hoàn thành các KTĐC, khu nghĩa trang, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật hoàn thành để bố trí TĐC cho người dân trong tháng 12/2023.

Có các biện pháp quyết liệt để giải quyết các khó khăn, vướng mắc về mặt bằng theo đề nghị của chủ đầu tư và các nhà thầu thi công, cụ thể: Khẩn trương tập trung giải quyết dứt điểm về nguồn gốc, loại đất đối với khoảng 1,7 km đất nông nghiệp (không vướng tái định cư) để hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trước ngày 31/10/2023; đối với đoạn tuyến khoảng 3,4 km người dân đề nghị nhận tiền bồi thường, hỗ trợ để tái định cư phân tán, UBND huyện tập trung chỉ đạo giải quyết hoàn thành trước ngày 15/11/2023; đối với đoạn tuyến qua địa bàn xã Phú Thủy còn vướng mắc mặt bằng, yêu cầu UBND huyện tập trung chỉ đạo giải quyết hoàn thành trước ngày 25/10/2023; đối với bồi thường, GPMB các điểm cấp điện hệ thống năng lượng mặt trời trên địa bàn xã Kim Thủy: UBND huyện Lệ Thủy phối hợp với Ban Quản lý Dự án QBSC và UBND xã Kim Thủy kiểm đếm hiện trạng, lập phương án di dời (bảo quản, cất giữ) để phục vụ các thủ tục sau này của Dự án.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương giải quyết các vướng mắc về mặt bằng, các nội dung kiến nghị của người dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Lê Văn Sơn, cho biết: "Thủ tục pháp lý để thực hiện TĐC, di dời hạ tầng rất nhiều trong khi cơ chế đặc thù không quy định cắt bỏ các thủ tục liên quan làm ảnh hưởng đến tiến độ. Mặt khác, tiến độ thực hiện TĐC của huyện Lệ Thủy chậm còn do trong quá trình thực hiện, nhiều hộ dân lúc đầu đăng ký TĐC nhưng giữa chừng đổi ý xin nhận tiền nên huyện phải điều chỉnh lại quy mô dự án".

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/huyen-cham-xay-dung-ktdc-cao-toc-ubnd-tinh-yeu-cau-day-nhanh-tien-do-a71089.html