Cần hơn 10.300 tỉ đồng xử lý bất cập 8 dự án BOT giao thông

(NLĐO) - Cần khoảng hơn 10.300 tỉ đồng để bố trí vốn Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư, ngân hàng tín dụng và chấm dứt hợp đồng trước hạn đối với 5/8 dự án BOT giao thông; sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn Nhà nước đối với 3 dự án

Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về lĩnh vực giao thông vận tải, trong đó có nội dung giải quyết những vướng mắc, bất cập tại 8 dự án BOT giao thông do Bộ Giao thông vận tải quản lý.

Cần hơn 10.300 tỉ đồng xử lý bất cập 8 dự án BOT giao thông - Ảnh 1.

Dự án tuyến tránh phía Tây TP Thanh Hóa (Trạm BOT Bỉm Sơn) là 1 trong 5 dự án dự kiến chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn

Hai giải pháp cơ bản đặt ra gồm: Bố trí vốn Nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, ngân hàng tín dụng và chấm dứt hợp đồng trước hạn đối với 5/8 dự án; sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn Nhà nước đối với 3/8 dự án.

Sớm xử lý vướng mắc các dự án BOT

5 dự án dự kiến chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn gồm: Dự án tuyến tránh phía Tây TP Thanh Hóa (bất cập trạm Bỉm Sơn); dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi (không thể thu phí tại các cảng đường sông do điều chỉnh quy hoạch); dự án xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3 (xử lý bất cập trạm Quốc lộ 3 để bảo đảm an ninh trật tự); dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (sụt giảm doanh thu do đầu tư tuyến tránh thị xã Buôn Hồ); dự án cải tạo Quốc lộ 91 TP Cần Thơ (sụt giảm doanh thu do đầu tư cầu Vàm Cống và tuyến đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ, đường tỉnh 922).

3 dự án dự kiến sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước gồm: Dự án BOT cầu Ba Vì - Việt Trì (kết nối Hà Nội và TP Việt Trì); dự án BOT cầu Thái Hà (kết nối Hà Nam - Thái Bình); dự án BOT hầm Đèo Cả (thay thế quyền thu phí trên cao tốc La Sơn - Túy Loan).

Dự kiến, tổng mức vốn Nhà nước để xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT khoảng hơn 10.300 tỉ đồng.

Về thẩm quyền, 8 dự án BOT trước đây được Thủ tướng Chính phủ là cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo các dự án độc lập. Mức vốn Nhà nước đề xuất để xử lý khó khăn, bất cập đối với từng dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, thẩm quyền quyết định giải pháp xử lý khó khăn, bất cập theo quy định pháp luật thuộc Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, việc xử lý khó khăn, bất cập cũng là nhiệm vụ thực hiện theo Nghị quyết số 437/2017 và Thông báo số 1834/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giải pháp xử lý khó khăn, bất cập dự án BOT giao thông.

Ngoài các giải pháp đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu, đánh giá tổng thể những tác động đối với các dự án BOT khi đưa các tuyến cao tốc vào khai thác sử dụng, làm cơ sở để xây dựng, đề xuất giải pháp phù hợp.

Về nguyên nhân, Chính phủ nhìn nhận một phần do các dự án BOT triển khai chủ yếu trong giai đoạn 2012-2015. Đây là giai đoạn hệ thống pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) còn nhiều hạn chế, bất cập; trong khi khó khăn, bất cập của từng dự án có những nguyên nhân, tác động khác nhau nên quá trình thực hiện rà soát, đánh giá và làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng dự án BOT được thực hiện cẩn trọng, bảo đảm gắn liền với hoàn cảnh cụ thể của từng dự án nên kéo dài thời gian.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/can-hon-10300-ti-dong-xu-ly-bat-cap-8-du-an-bot-giao-thong-a70964.html