Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2023, Indonesia đã bắt tay vào sứ mệnh thúc đẩy một khu vực kinh tế toàn diện và bền vững hơn. Nỗ lực này bao gồm việc xây dựng một cơ cấu y tế vững mạnh, đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng cũng như duy trì sự ổn định tài chính trong khu vực.
Tuy nhiên, một ưu tiên nổi bật trong nỗ lực này đó là điện khí hóa giao thông vận tải và sử dụng năng lượng tái tạo, với tầm nhìn đưa ASEAN dẫn đầu toàn cầu về phát triển xe điện. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực mới mẻ của ASEAN này.
4 chiến lược thúc đẩy tầm nhìn xe điện ASEAN
Trong khi vận tải đường bộ là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm và phát thải carbon, xe điện mang đến một giải pháp hấp dẫn để giảm đáng kể những tác động này. Sự phát triển của xe điện là công cụ giúp đạt được các mục tiêu không phát thải do các quốc gia thành viên ASEAN đặt ra. Bằng cách thúc đẩy sản xuất xe điện trong nước và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu, ASEAN có thể tăng cường an ninh năng lượng của khu vực.
Để thúc đẩy việc mở rộng xe điện trên khắp ASEAN, các quốc gia thành viên đã nhất trí thiết lập Hệ sinh thái xe điện, với Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN, một chính sách mang tính bước ngoặt đạt được vào tháng 5 vừa qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42.
Indonesia tham vọng trở thành "nhân tố" không thể thiếu trong ngành xe điện toàn cầu (Ảnh: CNA)
Để hiện thực hóa tầm nhìn tham vọng này, các chuyên gia nhận định ASEAN cần có những chiến lược cụ thể sau:
Thứ nhất, ASEAN cần phát triển một mạng lưới các trạm sạc xe điện linh hoạt, tạo điều kiện cho việc áp dụng xe điện rộng rãi. Rút kinh nghiệm từ các nền kinh tế phát triển như các nước châu Âu, các nước ASEAN phải đầu tư vào các giải pháp sạc đa dạng, bao gồm các bộ sạc nhanh dọc đường cao tốc, trạm sạc tại nơi làm việc và các cơ sở sạc dân dụng. Các nước châu Âu đã đặt ra những tiêu chuẩn mẫu mực về cơ sở hạ tầng xe điện.
Ví dụ, Na Uy tự hào có mạng lưới sạc toàn diện với hơn 22.000 điểm sạc công cộng. Hà Lan có khoảng 70.000 trạm sạc công cộng, 49.000 trạm sạc bán công cộng và khoảng 4.000 trạm sạc nhanh. Đất nước này có một trong những mạng lưới sạc dày đặc nhất thế giới và là quốc gia dẫn đầu châu Âu về xe điện.
Thứ 2, Tạo ra một môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư vào sản xuất xe điện và các ngành liên quan là điều then chốt. Điều này đòi hỏi phải có các biện pháp khuyến khích, chính sách hỗ trợ và khung pháp lý nhằm thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh.
Ở châu Âu, Đức nổi bật với các ưu đãi lớn về xe điện, bao gồm kế hoạch dành khoản trợ cấp lên tới 900 triệu euro (983 triệu USD) để mở rộng các trạm sạc cho các hộ gia đình và công ty. Quốc gia này hiện có 90.000 điểm sạc công cộng và đặt mục tiêu tăng đáng kể số lượng vào năm 2030 để đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2045. Ngoài ra, quốc gia này phân bổ kinh phí đáng kể cho nghiên cứu và phát triển công nghệ xe điện.
Thứ 3, Việc sử dụng các vật liệu và tài nguyên bền vững là điều cần thiết để đạt được việc tạo ra giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng xe điện. Điều này không chỉ hỗ trợ các mục tiêu môi trường mà còn thúc đẩy sự bền vững kinh tế. Một số nước châu Âu đã triển khai chương trình tái chế pin lithium-ion (Li-ion). Tại Bỉ, Umicore vận hành một nhà máy tái chế xử lý pin Li-ion hết tuổi thọ, thu hồi các kim loại có giá trị như coban và niken. Điều này không chỉ làm giảm chất thải mà còn đảm bảo nguồn cung cấp bền vững các vật liệu pin quan trọng.
Thứ 4 là khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo để cung cấp năng lượng cho xe điện ở các quốc gia ASEAN. Điều này sẽ không chỉ giảm lượng khí thải mà còn đảm bảo tính bền vững lâu dài của xe điện. ( Phát thanh không đọc…Na Uy là một ví dụ về vấn đề này. Hơn 98% sản lượng điện của nước này đến từ các nguồn tái tạo, chủ yếu là thủy điện. Năng lượng sạch này cũng được sử dụng để sạc xe điện, khiến lượng khí thải từ phương tiện giao thông điện gần như bằng 0. Bằng cách tận dụng năng lượng tái tạo, ASEAN có thể áp dụng mô hình hiệu quả của Na Uy trong việc tạo ra một hệ sinh thái xe điện xanh.
Các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua Tuyên bố về phát triển Hệ sinh thái xe điện trong ASEAN. (Nguồn: ASEAN)
Cơ hội cho Việt Nam- Thị trưởng đầy tiềm năng
Ngay sau khi ASEAN nhất trí phát triển Hệ sinh thái xe điện, báo chí khu vực đã có những bài phân tích đánh giá tiềm năng của các nước thành viên, trong đó Việt Nam được coi là quốc gia có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực này.
Theo tờ the Diplomat, một trong những ngành kinh tế đang phát triển của Việt Nam là ngành công nghiệp xe điện (EV). Vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong việc sản xuất và tiêu thụ xe điện sẽ sớm đưa nước này trở thành một trong những thị trường xe điện năng động nhất thế giới. Tuy nhiên the Diplomat cũng nhận định, trong khi thị trường xe điện của Việt Nam dường như sẵn sàng để cất cánh, cơ sở hạ tầng lưới điện và mạng lưới sạc điện vẫn còn khó khăn trong việc hỗ trợ nhu cầu năng lượng lớn hơn của xe điện. Nếu vượt qua những thách thức này, Việt Nam sẽ có được vị thế tốt trong ngành công nghiệp mới mẻ này.
Tờ Jakarta Post của Indonesia cũng đánh giá về tiềm năng phát triển hệ sinh thái xe điện của Việt Nam, cho rằng Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu sản xuất đầy tham vọng với kế hoạch sản xuất 600.000 ô tô điện và 2,45 triệu xe máy điện hàng năm vào năm 2030. Những mục tiêu này có khả năng giảm lượng khí thải carbon lên tới 3,8 triệu tấn, đóng góp đáng kể cho các nỗ lực bền vững của khu vực.
Indonesia đang quyết tâm trở thành một quốc gia dẫn đầu ASEAN trong ngành công nghiệp xe điện, cho rằng Việt Nam có tiềm năng lớn về xe điện và Indonesia mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam để thiết lập Hệ sinh thái xe điện khu vực ASEAN.
Ông Arsjad Rasjid Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN 2023 (ASEAN-BAC 2023) đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực xe điện
Ông Arsjad Rasjid Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN 2023 (ASEAN-BAC 2023) nhận định: "Việt Nam có nhiều tiềm năng trong khu vực để xây dựng chuỗi cung ứng. Việt Nam là một nước sản xuất xe điện và cũng đã xuất khẩu sang Mỹ. Các nước khác như Indonesia hay Malaysia cũng đang là thị trường xe điện tiềm năng. Indonesia và Philippines nắm giữ từ 33 đến 40 % trữ lượng quặng niken của thế giới. Điều này tạo cơ sở vững chắc cho quan hệ đối tác và trở thành người dẫn đầu về chuỗi cung ứng xe điện và pin, có thể là trong ASEAN hoặc trên toàn cầu”.
Tuy nhiên ông Arsjad Rasjid nhấn mạnh những thách thức đối với Việt Nam: "Tôi nghĩ thách thức là giống nhau không chỉ ở Việt Nam mà còn các nước ASEAN khác. Trước hết là vấn đề cơ sở hạ tầng không chỉ Indonesia, Việt Nam mà còn nhiều quốc gia khác. Do đó trước hết chúng ta phải xây dựng cơ sở hạ tầng.
Điều thứ 2 tôi nghĩ Việt Nam cùng với các quốc gia ASEAN cũng cần phải thống nhất tiêu chuẩn cho pin xe điện, tiêu chuẩn cho trạm sạc xe điện, giúp thực hiện các kế hoạch hiệu quả và dễ dàng hơn. Đây là những ví dụ mà các quốc gia ASEAN cần phải hợp tác để đảm bảo xây dựng cơ sở hạ tầng cùng nhau và kết nối, giúp thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái xe điện khu vực".
Điện khí hóa giao thông vận tải và phát triển hệ sinh thái xe điện là những bước tiến vượt bậc hướng tới đạt được các mục tiêu bền vững và an ninh năng lượng của ASEAN. Những nỗ lực hợp tác giữa các quốc gia thành viên, được cụ thể hóa bằng Tuyên bố Labuan Bajo vào tháng 5 vừa qua đang là nền tảng cơ bản để hiện thực hóa những mục tiêu tham vọng này.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/chien-luoc-dua-asean-dan-dau-toan-cau-ve-phat-trien-xe-dien-co-hoi-cho-viet-nam-a70004.html