Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Kế hoạch, đề cương phục vụ Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc “Thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” vào ngày 10/9.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định: Việt Nam là một nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tục. Vì thế, nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng ngày càng tăng cao.
Để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, trong đó đáng lưu ý là ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55-NQ/TW về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Nước ta đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển.
Trong đó, đã giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch, ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch. Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) là Việt Nam sẽ thực hiện mục tiêu đạt trung hòa carbon (Net-zero) vào năm 2050.
Tuy vậy, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, giai đoạn 2016-2021 vừa qua, Việt Nam đồng thời phải thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các khó khăn thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện giảm thiểu các tác động môi trường của hoạt động phát điện, phụ tải tăng trưởng với tốc độ cao gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn cùng các giải pháp kỹ thuật phức tạp.
Mục tiêu đặt ra là cần tham mưu với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra được một đầu bài đúng, để cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thật sự thực chất, hiệu quả, “đúng” và “trúng”, vừa giúp giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc hiện nay. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển năng lượng.
Trong khi đó, nội dung và phạm vi giám sát rất rộng, nhiều nội dung rất chuyên sâu, tính chất quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Cho ý kiến tại hội thảo, TS. Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam khẳng định, bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng, cần đặt ra mục tiêu để đạt được.
Theo đó, cần đặt bảo vệ môi trường trước tiết kiệm năng lượng hiệu quả cũng như đưa ra quy chuẩn rác thải chứ không phải là tiêu chuẩn rác thải, quy chuẩn về môi trường xung quanh. Để bảo vệ môi trường hiệu quả, cũng cần chú trọng đến cơ chế, chính sách để thực hiện.
Là người dành sự ưu tiên cho việc bảo vệ môi trường, TS. Trịnh Thành - Viện Khoa học, Công nghệ môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) nêu quan điểm bảo vệ môi trường là yêu cầu bắt buộc thì thực hiện các nội dung, vấn đề khác sẽ rõ ràng hơn. Liên quan đến bảo vệ môi trường, nhiều người thường quan tâm đến khí thải và nhiệt điện mà chưa chú trọng đến nước thải, phát thải và khí thải.
Vì vậy, nên có phần đánh giá về nước thải, phát thải và khí thải tác động như thế nào đến công tác bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, vấn đề an ninh năng lượng cũng cần có sự quan tâm và kiểm soát chặt chẽ để xem xét hiệu quả đối với đời sống, phát triển kinh tế-xã hội như thế nào.
TS. Nguyễn Hồng Minh - Chủ tịch Hội đồng Khoa học, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam khẳng định ngành năng lượng đóng góp quan trọng vào các ngành kinh tế khác. Ông đề nghị Đoàn giám sát cần quan tâm đến thị trường năng lượng cho đến nay phát triển như thế nào, mỗi phân ngành đã có sự liên kết với nhau hay chưa?.
Nguồn nhân lực, hạ tầng để phát triển cho ngành năng lượng đến đâu; khả năng cạnh tranh, phân ngành năng lượng như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho rằng, Đoàn giám sát cần tập trung giám sát vào vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; hiệu quả khai thác và sử dụng năng lượng; cơ sở hạ tầng năng lượng; phát triển các thị trường năng lượng; chính sách giá năng lượng bao gồm cả giá điện; phát triển khoa học công nghệ trong phát triển năng lượng. Để thực hiện được những nội dung trên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần tham mưu với Quốc hội rà soát lại các điều luật, chính sách liên quan cũng như có sự đánh giá về những bất cập về thể chế để thực hiện tốt các chính sách đó.
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thường trực Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường sẽ chỉ đạo việc tiếp thu ý kiến các vị đại biểu để hoàn thiện các dự thảo văn bản, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tới đây.
Phát biểu tại Phiên họp thứ nhất Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” sáng 10/9, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Trưởng Đoàn giám sát cho biết, đoàn giám sát chuyên đề này được thành lập nhằm đánh giá khách quan, trung thực, toàn diện việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021; phát hiện những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Từ đó, Đoàn giám sát cũng sẽ kịp thời xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý những tồn tại, hạn chế nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập. Kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Rút ra các bài học kinh nghiệm để phục vụ cho việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn tiếp theo.
Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, đối tượng giám sát của chuyên đề này bao gồm Chính phủ; các Bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan; UBND cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Phạm vi giám sát gồm: giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng theo quy định của pháp luật liên quan trên phạm vi cả nước (trọng tâm là các Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Dầu khí, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Khoáng sản; Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch).
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/giam-sat-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-ve-phat-trien-nang-luong-can-dung-va-trung-a6997.html