Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 9/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent đã giảm về hơn 89 USD/thùng, đánh dấu mức thấp nhất trong hơn 6 tháng. Trong khi đó, giá dầu WTI (chuẩn Mỹ) giảm về hơn 83 USD/thùng, ghi nhận mức thấp nhất kể từ ngày 26/1.
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng xăng trong nước đã trải qua 23 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 9 lần giảm, một lần giữ nguyên. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 đang ở quanh mức 23.000-24.000 đồng/lít, tương đương mức giá vào cuối tháng 1. Lũy kế hai tháng qua, xăng RON 95 đã giảm hơn 8.560 đồng/lít; E5 RON 92 giảm 7.500 đồng/lít...
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 7/9 giảm nhẹ ở mức 104,1 USD/thùng xăng RON 95, xăng RON 92 ở mức 99,4 USD/thùng, dầu diesel ở mức 131,3 USD/thùng.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước là 105,4 USD/thùng xăng RON 92; 108,86 USD/thùng xăng RON 95 và 143,02 USD/thùng dầu diesel.
Trao đổi với Zing, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại Tp.HCM cho biết gần đây, giá dầu thô thế giới liên tục giảm. Giá xăng thành phẩm trung bình tại thị trường Singapore đang thấp hơn giá bán lẻ xăng trong nước khoảng 700-900 đồng/lít, còn dầu diesel, dầu hỏa khoảng 900-1.000 đồng/lít.
Do đó, dự báo kỳ điều hành ngày 12/9, giá xăng sẽ giảm tương ứng khoảng 700-900 đồng/lít, dầu giảm quanh mức 1.000 đồng/lít. Nếu cơ quan quản lý trích quỹ bình ổn, giá các mặt hàng xăng dầu có thể giảm ít hơn.
Tương tự, chủ một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại miền Bắc cũng cho biết hiện giá dầu thô đang dao động quanh ngưỡng 83-89 USD/thùng, đây là mức thấp nhất kể từ đầu năm. "Do đó dự kiến giá xăng dầu trong nước sẽ giảm khoảng 1.000 đồng/lít, đưa giá xăng về mức hơn 22.000 đồng/lít", người này cho hay.
Theo nhiều đại lý, doanh nghiệp phân phối xăng dầu, hiện nay nguồn cung vẫn thiếu nhưng đã cải thiện hơn so với kỳ điều hành trước. Bên cạnh đó, dù giá xăng dầu dự báo giảm nhưng mức chiết khấu vẫn rất thấp, trung bình 0-300 đồng/lít.
"Nguồn cung thiếu trầm trọng và đặc biệt việc điều hành giá của cơ quan quản lý có nhiều bất cập dẫn đến tình trạng thị trường kinh doanh xăng dầu rất khó khăn. Nhiều người thậm chí muốn bỏ nghề vì lỗ nặng", giám đốc một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại Tp.Hải Phòng cho biết.
Đề xuất giảm tiếp thuế với xăng dầu để hạ áp lực lạm phát
Ngày 7/9, Văn phòng Chính phủ cũng phát đi thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, về công tác quản lý giá đối với một loạt mặt hàng thiết yếu, nhất là xăng dầu.
Cụ thể, đối với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.
Sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp theo quy định, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân; chủ động thực hiện các biện pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.
Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền xem xét các phương án giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhóm mặt hàng xăng dầu trong trường hợp giá thế giới tiếp tục tăng cao.
Tại tọa đàm "Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó để ổn định, phát triển" ngày 8/9, TS Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), cho rằng cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí với xăng dầu.
Các loại thuế trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu hiện gồm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt (trừ dầu), bảo vệ môi trường và giá trị gia tăng.
Từ 11/7, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã được giảm kịch khung, còn 1.000 đồng với mỗi lít xăng, dầu 500 - 700 đồng một lít, kg. Tức là giá bán lẻ xăng dầu sẽ bớt tương ứng 550 - 1.100 đồng một lít (gồm thuế VAT).
Ông Khôi đề nghị nhà chức trách cân nhắc giảm thuế VAT với xăng dầu đến hết năm nay và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu như nhiều nước đã áp dụng.
Đồng tình cần xem xét lại các loại thuế, phí trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu, nhưng ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ thuế các doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính) nói cần đặt vấn đề giảm thuế trong bài toán tổng thể để tính toán được - mất của chính sách này. Trong đó cần lưu ý tới bảo đảm lợi ích quốc gia, cam kết WTO và bảo lãnh với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Ông Phụng không đồng tình với đề xuất giảm thuế VAT với xăng dầu, vì đây là thuế đánh vào tiêu dùng. Hạ thuế này là cấm kỵ với tất cả quốc gia. Còn thuế tiêu thụ đặc biệt, năm sau khi cơ quan quản lý sửa Luật thuế này mới "có thể tính tới".
Phương án giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT với xăng dầu từng được Bộ Tài chính cho biết đã báo cáo Thủ tướng. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định, điều chỉnh hai loại thuế này thuộc Quốc hội nên không thể áp dụng ngay. Thông thường Quốc hội họp hai kỳ một năm và kỳ họp gần nhất là tháng 10.
Ngoài bài toán giảm thêm thuế với xăng dầu, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, phương án căn cơ để ứng phó với biến động giá dầu là tăng dự trữ quốc gia và bảo đảm sản xuất của các nhà máy lọc hoá dầu trong nước.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện mức dự trữ xăng dầu quốc gia khá mỏng. Bình quân 5 năm qua mức dự trữ này khoảng hơn 370.000 m3 mỗi năm. Số lượng này tương đương 9 ngày nhập khẩu ròng, và 6,5 ngày tiêu thụ.
Từ bài học kinh nghiệm của Nhật Bản trong ứng phó trong bối cảnh bất ổn về nguồn cung và về giá xăng dầu trên thế giới, ông Kenya Maeda - Chuyên gia cao cấp bộ phận thương mại & cung ứng dầu thô, thị trường toàn cầu, Công ty Idemitsu Kosan dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu trong trung và dài hạn sẽ tăng; khả năng cung cấp các sản phẩm từ xăng dầu trong trung và dài hạn sẽ không thoả mãn được nhu cầu tăng trưởng.
"Để duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định đối với khía cạnh an ninh năng lượng, cần phải thúc đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm xăng dầu, từ thu mua các nguyên liệu đầu vào, sản xuất đến bán hàng và tiêu dùng”, ông Kenya nói.
Để có thể thích ứng với chi phí xăng, dầu tăng, ông Tuấn Anh cho rằng, ngoài việc điều chỉnh giá bán một số sản phẩm cho phù hợp, doanh nghiệp cũng nên triển khai thực hiện đồng thời một số giải pháp như tận dụng, tiết kiệm nguyên vật liệu ở mức tối đa.
Còn ông Lê Quang Trung (Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam) cho hay, các doanh nghiệp rất cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong việc bình ổn giá nhiên liệu trong nước, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường (các loại thuế phí này chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu giá nhiên liệu).
Tiếp tục các biện pháp giảm thuế và ổn định giá xăng dầu ít nhất là hết quý II/2023 nhằm giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận tải logistics khôi phục và ổn định sản xuất.
Tuệ Minh (tổng hợp)
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/gia-xang-co-the-giam-ve-22000-donglit-a6778.html