Đấu giá biển số xe nếu bỏ cọc sẽ bị phạt như thế nào?

Vừa qua, nhiều biển số xe ô tô đã được đấu giá thành công, tuy nhiên, nhiều người khá bất ngờ về số tiền trúng rất cao. Vậy, nếu trúng đấu giá nhưng bỏ cọc thì người trúng có bị xử phạt?

Đấu giá biển số xe đạt mức kỷ lục - người bất ngờ, kẻ thấy bình thường

Ngày 15/9, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam đã tổ chức đấu giá lại đối với 11 biển số xe ô tô do phiên đấu giá thứ nhất tạm dừng vì sự cố kỹ thuật. Cuộc đấu giá đã diễn ra thành công với nhiều biển số ô tô có các số đẹp đã xác định được mức giá trúng.

Đang chú ý trong đó, nhiều biển số ô tô được trả giá rất cao và mức trúng đấu giá cao nhất lên tới 32 tỷ đồng đối với biển số 51K – 888.88 (mức giá trúng 32.340.000 triệu đồng).

Đấu giá biển số xe nếu bỏ cọc sẽ bị phạt như thế nào? - Ảnh 1.

Biển số xe 51K-888.88 TP.HCM được chốt mức giá kỷ lục hơn 32 tỷ đồng

Theo nhiều người, đây là mức giá trúng ngoài sức tưởng tượng vì chưa bao giờ nghĩ lại có người bỏ ra số tiền như vậy cho một chiếc biển số xe.

Anh Nguyễn Văn Tuấn – Mỹ Đình, Hà Nội chia sẻ, không nghĩ có những biển số đẹp lại được trả giá cao như vậy, thật khó tin. Chắc họ phải thích và giàu lắm mới trả mức giá như vậy.

“Ở góc độ cá nhân, nếu một chiếc biển đẹp được đấu ở mức giá vài tỷ đồng thì cũng hợp lý vì đó là sở thích hay đam mê và điều kiện dư dả. Nhưng với mức vài chục tỷ đồng như này thì thật sự bất ngờ” – anh Tuấn cho biết.

Đấu giá biển số xe nếu bỏ cọc sẽ bị phạt như thế nào? - Ảnh 2.

Danh sách 11 biển số xe trúng đấu giá ngày 15/9 với tổng số tiền dự kiến thu được là 82,325 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhiều người lại cảm thấy bình thường vì trên thế giới nhiều biển số đẹp hay đúng sở thích của mỗi người còn được trả giá lên với vài triệu đến vài chục triệu USD.

Anh Nguyễn Hữu Toàn (Bắc Ninh) – một người có nhiều năm chơi và có đam mề về số đẹp cho biết, thực ra việc một chiếc biển ô tô đẹp có mức giá vài tỷ hay vài chục tỷ đồng cũng không quá bất ngờ, đặc biệt là với người có sở thích về số đẹp... Vì thực ra biển số đẹp là giành cho những người có sở thích, đam mê hay điều kiện. Vì vậy, mức giá của nó sẽ phụ thuộc rất nhiều yếu tố: Đúng con số mình thích, mang một ý nghĩa với người sở hữu, thể hiện được bản thân, đẳng cấp cá nhân… chưa kể đây cũng là một cách đầu tư như kiểu sim số đẹp.

“Với nhiều người, sở hữu một chiếc biển số đẹp cũng như một thú chơi và đã là thú chơi thì nhiều khi là vô giá. Mức giá đối với người bình thước sẽ là cao, nhưng với người có đam mê, điều kiện thì nó lại là bình thường. Vì vậy, việc một món đồ nào nói chung hay biển số ô tô đẹp nói riêng đạt được một mức giá nào đó sẽ chỉ người mua và bán mới thấy hợp lý hay không” – anh Toàn bày tỏ.

Cũng theo anh Toàn, hiện tại biển số đấu giá có thể bán biển số kèm theo xe. Và người mua vẫn được định danh, như vậy nếu họ mua về không thích có thể bán xe đó và lắp vào một chiếc xe yêu thích khác của mình. Do đó, đây cũng có thể coi là một cách đầu tư của nhiều người vì biển đẹp sẽ có rất ít và theo thời gian nó có thể gia tăng giá trị…

Đấu giá biển số xe bỏ cọc bị phạt như thế nào?

Trước việc biến số đẹp ô tô được trả giá ở mức cao, nhiều người băn khoăn không biết có ai bỏ cọc hay không giống như nhiều vụ việc đã từng xảy ra?

Theo Nghị định 39/2023/NĐ-CP quy định rõ, những trường hợp trúng đấu giá biển số ô tô trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá. Số tiền này được trừ số tiền đặt cọc trước và không bao gồm lệ phí đăng ký xe. Người tham gia nhưng không trúng đấu giá sẽ được trả tiền đặt trước 40 triệu đồng trong vòng 3 ngày.

Cũng theo Nghị định 39 quy định, nếu người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trong thời gian quy định, kết quả đấu giá sẽ bị hủy. Biển số xe sẽ được đưa ra đấu giá lại, đồng thời số tiền đặt trước (40 triệu đồng) sẽ không được hoàn lại và được nộp vào ngân sách nhà nước.

Đấu giá biển số xe nếu bỏ cọc sẽ bị phạt như thế nào? - Ảnh 4.

Ngoài các quy định trên thì hiện tại không có chế tài xử lý đối với những trường hợp bỏ cọc đấu giá biển số xe. Tuy nhiên, việc đẩy giá trúng đấu giá biển số lên cao rồi bỏ cọc sẽ gây thiệt hại về thời gian, tiền bạc cho nhiều người có nhu cầu thực và cơ quan chức năng.

Đồng thời, người trúng đấu giá biển số xe và đã nộp số tiền vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an, sẽ có 12 tháng để làm thủ tục đăng ký biển số xe ô tô trúng đấu giá gắn với xe ô tô thuộc sở hữu của mình.

Trước khi hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày cấp văn bản điện tử xác nhận biển số xe ô tô trúng đấu giá, người trúng đấu giá chưa thực hiện thủ tục đăng ký xe ô tô để gắn biển số trúng đấu giá mà phát sinh sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì phải gửi đề nghị gia hạn bằng văn bản điện tử qua Hệ thống quản lý đấu giá biển số xe ô tô của Bộ Công an. Thời hạn gửi là trong 15 ngày kể từ ngày phát xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.

Xem thêm:

Tin liên quan

Mẫu crossover châu Âu biến xe điện Trung Quốc thành đắt đỏ: Thông số thế nào?

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/dau-gia-bien-so-xe-neu-bo-coc-se-bi-phat-nhu-the-nao-a67082.html