Một châu lục vừa ‘tuyên chiến’ với Trung Quốc: Tự tin giành ngôi vương xe điện, khẳng định cạnh tranh để hoàn thiện bản thân

'Đây là cuộc chiến và chúng tôi sẵn sàng tham gia'.

Một châu lục vừa ‘tuyên chiến’ với Trung Quốc: Tự tin giành ngôi vương xe điện, khẳng định cạnh tranh để hoàn thiện bản thân - Ảnh 1.

Đối với Tianna Cheng, một nhân viên văn phòng tại thành phố Bắc Kinh, điều khiến cô băn khoăn trước khi mua chiếc xe điện Xpeng crossover trị giá 180.000 nhân dân tệ (hơn 600 triệu đồng) là Xpeng, BYD hay Nio tốt hơn. Các hãng xe nước ngoài tuyệt nhiên không có trong dự tính của người phụ nữ này.

“Nếu tôi mua một chiếc ô tô chạy xăng, tôi có thể sẽ cân nhắc đến các thương hiệu nước ngoài”, Cheng nói. “Thế nhưng khi tôi muốn mua một chiếc EV, thì ngoài Tesla, có rất ít thương hiệu nước ngoài áp dụng đúng cách công nghệ thông minh tiên tiến’’.

Câu chuyện trên của Cheng cho thấy châu Âu, dù đã thiết lập được vị trí thống trị ngành công nghiệp ô tô trong nhiều thập kỷ nhờ khả năng chế tạo động cơ đốt trong vượt trội, đang ngày càng trở nên kém cạnh tranh hơn khi nhu cầu với xe điện tăng lên. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc được cho là sẽ hưởng lợi lớn từ trợ cấp chính phủ.

Christophe Périllat, CEO hãng sản xuất phụ tùng xe hơi Pháp Valeo, cho biết Trung Quốc hiện là thị trường chính của công ty sau khi “rào cản gia nhập” trước đây được dỡ bỏ. Điều này tạo điều kiện cho các công ty Trung Quốc ghi đậm dấu ấn, không chỉ với riêng thị trường trong nước mà còn vượt xa ra ngoài biên giới.

Sự phát triển này chắc chắn sẽ đặt ra mối đe dọa đáng kể cho các gã khổng lồ ô tô châu Âu, chẳng hạn như Volkswagen, Renault hay BMW do những thương hiệu này không nhận được nhiều hỗ trợ từ phía chính phủ.

Theo Giám đốc điều hành Renault Luca De Meo, nhà sản xuất ô tô Pháp sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào công nghệ mới, nhà máy pin và các siêu ‘gigafactory’. Hãng cũng kỳ vọng thương hiệu xe điện thuần túy mới, Ampere, sẽ giúp họ có lợi thế cạnh tranh trong thị trường truyền thống.

“Trên thực tế, một trong những cam kết mà chúng tôi đang thực hiện với Ampere là cắt giảm 40% chi phí sản xuất. Điều này liên quan đến việc đầu tư công nghệ và phát triển kỹ thuật sản xuất”, De Meo nói với Annette của CNBC. “Chúng tôi có cơ sở để làm điều đó, song sẽ mất một thời gian vì các thương hiệu Trung Quốc đã bắt đầu từ sớm. Tuy nhiên, đây là cuộc chiến và chúng tôi sẵn sàng tham gia”.

Giám đốc điều hành Volkswagen Oliver Blume cũng thừa nhận thách thức này. Ông cho biết công ty đã thiết lập chiến lược mới tại Trung Quốc nhằm tập trung phát triển công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu tại đây. Được biết, gã khổng lồ Đức đã thành lập công ty phần mềm ô tô CARIAD và hợp tác với công ty khởi nghiệp xe điện Xpeng của Trung Quốc, đối tác liên doanh SAIC và công ty lái xe tự hành Horizon Robotics.

“Cạnh tranh giúp chúng tôi hoàn thiện bản thân. Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng và chúng tôi đang tiếp tục đầu tư mạnh vào đó”, ông Blume nói và cho biết Volkswagen đã đưa ra nhiều “các sáng kiến lớn” và nhìn ra được nhiều cơ hội mở rộng quy mô.

“Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi cũng có các tiêu chuẩn, thiết kế chất lượng cao và những khía cạnh này chính là lợi thế rất lớn”, ông Blume nói. “Mặt khác, chúng tôi phải tăng tốc điện khí hóa, số hóa và kết nối. Chúng tôi đang phát triển nền tảng của riêng mình và vì vậy chúng tôi đang ở một vị thế tốt. Điều quan trọng nhất vẫn là tốc độ”.

Theo các nhà nghiên cứu tại CRU, trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã xây dựng các nhà máy pin với tốc độ chóng mặt. Công suất tại các gigafactory được dự báo sẽ tăng lên 4.200 gigawatt giờ vào năm 2030.

“Nhà máy sản xuất pin phụ thuộc rất nhiều vào giá điện. Giá điện của chúng tôi so với Trung Quốc và Bắc Mỹ đều quá cao”, Giám đốc điều hành Skoda Klaus Zellmer nói với CNBC.

Tại Mỹ, Đạo luật Giảm lạm phát mang tính bước ngoặt của Tổng thống Joe Biden đã phân bổ 370 tỷ USD cho các khoản đầu tư vào khí hậu và năng lượng sạch. Hiện cũng có nhiều khoản trợ cấp và ưu đãi đặc biệt dành cho các công ty châu Âu, song ông Zellmer cho biết chúng không đủ. Bản thân các nhà hoạch định chính sách cũng “không hành động đủ nhanh”.

Chia sẻ với CNBC, ông Zellmer cho biết hãng đã thành lập công ty sản xuất pin PowerCo của riêng mình và có kế hoạch xây dựng một nhà máy khổng lồ ở Canada. “Về nguồn cung, chúng tôi đang ở một vị thế tốt, song về việc mở rộng dấu ấn tại các gigafactory thì không”, ông Zellmer nói.

Trong khi các công ty như Renault và Volkswagen cảnh giác với mối đe dọa đến từ Trung Quốc, các nhà sản xuất ô tô hạng sang lại tỏ ra khá tự tin. Michael Steiner, giám đốc R&D của Porsche cho biết hãng đang tập trung vào các linh kiện chất lượng cao để tách mình khỏi các đối thủ Trung Quốc.

“Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh quan trọng nhất và đang phát triển rất nhanh công nghệ pin và tế bào. Đối với Porsche, chúng tôi đang hướng tới mục tiêu tạo ra những tế bào tốt hơn, với mật độ năng lượng cao hơn”, ông Steiner nói. “Chúng tôi có công ty con của riêng mình - tên là Cellforce Group - nơi chúng tôi phát triển và sản xuất những dòng pin tốt nhất thị trường”.

“Chiếc lược của chúng tôi là làm sao để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng tại Trung Quốc và trở thành người dẫn đầu thị trường xe điện vào năm 2030. Volkswagen hy vọng có thể chiếm lĩnh vị trí số 1 tại Trung Quốc trong tương lai”, đại diện hãng xe Đức cho biết.

Tham vọng là vậy, song các thương hiệu như Volkswagen đang gặp phải thách thức lớn trên thị trường tỷ dân, bởi việc “thu phục” những người tiêu dùng dư dả như chị Cheng không phải điều gì đó quá dễ dàng. Hơn nữa, cái bóng Tesla cũng quá lớn để họ có thể để mắt tới bất kỳ thương hiệu xe EV nước ngoài nào khác trong tương lai gần.

Theo: CNBC, Reuters

Xem thêm:

Tin liên quan

Tesla 'điên cuồng' giảm giá, có mẫu giảm 1 tỷ đồng: Hóa ra vì chung mục tiêu với VinFast

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/mot-chau-luc-vua-tuyen-chien-voi-trung-quoc-tu-tin-gianh-ngoi-vuong-xe-dien-khang-dinh-canh-tranh-de-hoan-thien-ban-than-a65075.html