Chuyển sang sử dụng các mặt hàng giá rẻ
Khi lạm phát ảnh hưởng đến túi tiền, người dân có xu hướng chọn những mặt hàng từ các thương hiệu ít có tên tuổi hơn thay vì các thương hiệu lớn để tiết kiệm chi phí. Một ví dụ điển hình tại hệ thống siêu thị Wallmart tại Mỹ, Giám đốc điều hành hệ thống này cho biết với các danh mục hàng hoá như thịt xông khói, sữa, thịt nguội,…khách hàng đang có xu hướng mua những mặt hàng này từ các thương hiệu nhỏ hơn. Chipotle đột nhiên trở thành lựa chọn hợp túi tiền của những người giàu có, các loại bia giá rẻ hơn như Keystone Light và Miller High Life bắt đầu được ưa chuộng và khách hàng của McDonald's đã bắt đầu bỏ qua các combo đồ ăn.
Chi tiêu bằng thẻ tín dụng tăng đột biến
Ông Mark Cohen, Giám đốc bộ phận nghiên cứu bán lẻ tại Trường Kinh doanh Columbia cho biết có một hiện tượng nổi lên mạnh mẽ khi nền kinh tế bị thắt chặt: "Nợ thẻ tín dụng, thanh toán trễ, không trả lương đang bắt đầu nổi lên."
Cohen đã mô tả một tình huống phổ biến trong đó người thanh toán hóa đơn hộ gia đình sẽ trả những gì họ có thể thanh toán và lùi thời gian trả những khoản mà họ chưa có khả năng - thay vì trả thẻ tín dụng đúng thời hạn để hưởng ưu đãi.
Chuỗi cửa hàng Macy's tại New York đã chứng kiến điều đó xảy ra: Công ty cho biết trong cuộc họp báo tính hình kinh doanh quý thứ hai vào tháng 8 rằng họ thấy những dấu hiệu ban đầu về việc nợ nần và tốc độ thanh toán chậm hơn trong số các khách hàng sử dụng thẻ tín dụng của mình.
Giám đốc Tài chính, ông Adrian Mitchell cho biết: "Tốc độ lạm phát đang nhanh hơn tốc độ tăng tiền lương, điều này là một tin xấu đối với người tiêu dùng. Họ đang phải chịu áp lực lớn từ giá nhiêu liệu tăng cao và những mặt hàng khác cũng đều tăng theo."
Nhóm khách hàng có thu nhập thấp và những người trẻ tuổi có vẻ như đang gặp khó khăn và đang có xu hướng dùng thẻ tín dụng nhiều hơn để đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt. Dư nợ thẻ tín dụng của nhóm này đang tăng lần lượt 25 - 30% so với quý trước, theo dữ liệu từ công ty điểm tín dụng VantageScore.
Cắt giảm chi tiêu những mặt hàng xa xỉ
Trong khi những người thuộc nhóm giàu có được cho là tránh khỏi tác động của lạm phát thì những người mua sắm có thu nhập trung bình và thấp hơn vẫn nằm trong vòng xoáy. Điều đầu tiên họ làm là hạn chế mua những món đồ xa xỉ.
Chủ tịch Nordstrom, ông Pete Nordstrom, đã lưu ý trong cuộc họp báo cáo thu nhập quý II của công ty rằng trong khi nhóm hàng xa xỉ cao cấp hơn của họ không bị tác động quá mạnh thì nhóm hàng thiết kế có giá thấp hơn đã chứng kiến sự chững lạị trong doanh số.
Tại Best Buy, nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng đa quốc gia tại Mỹ, lạm phát đang gây ra môi trường bán hàng không đồng đều, dẫn đến doanh số bán hàng điện tử tiêu dùng giảm khoảng 13% trong quý II - Target cũng báo cáo rằng nhu cầu đối với các mặt hàng có giá trị cao, đặc biệt là đồ điện tử cũng đang giảm mạnh.
Cắt hoặc bỏ tiền tip cho nhân viên phục vụ
Lạm phát có nghĩa là bên cạnh các khoản tiêu dùng chính, những nét văn hoá có liên quan đến tài chính cũng bị ảnh hưởng. Tại các quốc gia phương Tây, tiền tip (hay còn gọi là tiền boa) tại các nhà hàng hầu như không thay đổi, tuy nhiên tiền tip cho đồ ăn mang đi hoặc trong các điểm bán hàng như quán cà phê đang có xu hướng giảm.
Theo dữ liệu của Square được The Wall Street Journal trích dẫn, số tiền boa trung bình tại các cơ sở phục vụ nhanh giảm từ 17,2% trung bình vào tháng 3 năm 2021 xuống 15,2% vào tháng 2 năm 2022.