Quy định 80: Bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ
Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 80-QĐ/TW, thay thế Quy định 105 (ngày 19/12/2017) về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Quy định góp phần bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ.
Điểm mới trong Quy định 80 là bổ sung trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Chính trị, đó là "Ủy quyền cho Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (trừ các Ủy viên Trung ương, gồm cả dự khuyết".
Bên cạn đó, nếu Quy định 105 chỉ nêu nhiệm vụ của Bộ Chính trị là "Trình BCH Trung ương những vấn đề về cán bộ và công tác cán bộ thuộc thẩm quyền quyết định của BCH Trung ương", thì quy định mới mở rộng hơn, nêu rõ: "Trình BCH Trung ương những vấn đề lớn về công tác cán bộ, chiến lược cán bộ".
Đáng chú ý, Quy định 80 nêu rõ trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Chính trị trong chuẩn bị, giới thiệu nhân sự để BCH Trung ương xem xét, bầu Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương
Đánh giá cao những quy định lần này, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: việc xây dựng cán bộ chủ chốt tiêu biểu, có tâm, có tầm là điều mà toàn dân mong muốn.
“Các chức danh chủ chốt gồm có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Các chức danh chủ chốt phải là những đồng chí tiêu biểu nhất trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đối với chức danh Tổng Bí thư phải hiểu biết về lý luận sâu sắc; hay Thủ tướng phải quyết liệt trong chỉ đạo điều hành; đối với Chủ tịch Quốc hội thì phải quyết liệt trong chỉ đạo vấn đề xây dựng luật và thực hiện luật về kiểm tra, giám sát” - ông Nguyễn Đức Hà phân tích.
Nếu như Quy định 105 nêu 5 bước bổ nhiệm cán bộ thì Quy định 80 tăng thêm 2 điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức vụ cao hơn. Đó là cán bộ được giới thiệu từ nguồn nhân sự tại chỗ phải được quy hoạch vào chức danh bổ nhiệm hoặc được quy hoạch chức danh tương đương trở lên; đối với nhân sự từ nguồn ở bên ngoài phải được quy hoạch chức danh tương đương trở lên.
Nhân sự phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất hai năm. Đáng chú ý, cán bộ bị kỷ luật thì không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong thời gian từ 12 - 60 tháng.
Đại tá, Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú Châu Nam Long, Học viện An ninh nhân dân cho rằng quy định như vậy là đảm bảo. Bởi phải có thời gian để tổ chức, tập thể đánh giá, nhìn nhận, làm cho người ấy có điều kiện phấn đấu. Thứ hai để tổ chức và tập thể đánh giá, nhìn nhận cán bộ. Thứ ba, có độ chín muồi để có thể hoàn thành nhiệm vụ sẽ đảm nhận.
Bộ Chính trị nêu rõ, cá nhân, tập thể đề xuất cán bộ phải chịu trách nhiệm chính trước cấp có thẩm quyền về đánh giá, nhận xét, kết luận tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; năng lực công tác, ưu khuyết điểm; kê khai tài sản, thu nhập.
Cơ quan thẩm định chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định, thẩm tra, rà soát thông tin đối với nhân sự được đề xuất. Tập thể quyết định bổ nhiệm cán bộ và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Với quy định này, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị làm rõ ý kiến của tập thể, nhưng ý kiến đầu tiên ai đề xuất?
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
“Tôi đề nghị chính đồng chí đó phải viết bằng văn bản và chịu trách nhiệm đánh giá về phẩm chất đạo đức của đồng chí mà mình giới thiệu, ký vào. Hiện nay người giới thiệu là Bí thư Tỉnh ủy đưa thường vụ. Thường vụ nhất trí hết, khi có việc “hoà cả làng”. Là ý kiến của tập thể, nhưng ý kiến đầu tiên ai đề xuất, người đề xuất đầu tiên phải có văn bản. Như thời xưa, giới thiệu vào Trung ương đâu phải chỉ có Ban Tổ chức, các Ủy viên Trung ương, ai giới thiệu phải viết văn bản, chịu trách nhiệm về mình giới thiệu”, ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.
Với việc ban hành Quy định 80 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử lần này sẽ bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, tổng thể, liên thông trong công tác cán bộ của hệ thống chính trị; đánh giá cán bộ khách quan, công tâm; lựa chọn và bố trí đúng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, nếu làm tốt sẽ có kết quả quan trọng, vững chắc trong xây dựng Đảng.
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Theo ông Phạm Thế Duyệt, việc chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ quyết định vận mệnh của đất nước, uy tín và hiệu lực của Đảng trong lãnh đạo nhân dân. "Quy định như vậy đã tốt, nhưng không thể nghĩ đơn giản được mà tổ chức chỉ đạo như thế nào mới quan trọng. Quan trọng nhất là phải hết sức phát huy dân chủ trong Đảng, phát huy vai trò giám sát của cán bộ đảng viên cấp dưới với cấp trên. Phát huy vai trò kiên định chỉ đạo của cấp trên với cấp dưới”, ông Duyệt nêu quan điểm.
Quy định 80 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ./.