Ngày 6-9, ông Nguyễn Văn Bé (thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng) cho biết bây giờ mà làm 20 công ruộng, không làm thêm nghề tay trái thì không đủ tiền để trang trải chi phí sinh hoạt.
Theo ông Bé, chỉ sau hai năm giá vật tư nông nghiệp, thuê nhân công, máy làm đất, gặt và vận chuyển... tăng gấp đôi, nhất là phân bón, thuốc trừ sâu.
"Khổ nỗi giá lúa lại giậm chân tại chỗ, có vụ còn thấp hơn trước đây. Nông dân làm ra hạt gạo cực nhọc nhưng không thể sống được vào mảnh đất của mình. Tui rất mừng khi hay một số nước bắt tay nhau để tính toán giá xuất khẩu gạo có lợi cho nông dân. Mình làm gạo nuôi thế giới nhưng bao năm vẫn còn nghèo, tủi thân lắm", ông Bé trải lòng.
Ông Nguyễn Thành Phước - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng - cho rằng trong nhiều năm qua, nhóm các nước xuất khẩu gạo hàng đầu chưa tìm được tiếng nói chung, mạnh ai nấy xuất khẩu, chưa kể có trường hợp cạnh tranh không lành mạnh.
"Càng cạnh tranh, càng gây thêm khó khăn và người chịu ảnh hưởng không ai khác là nông dân trồng lúa", ông Phước nói.
"Do vậy, ý tưởng cùng ngồi lại để thống nhất các hành động để giá xuất khẩu gạo hợp lý là rất hay. Nhưng để hiệu quả cần có những quy định rõ ràng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thực hiện. Ai vi phạm sẽ bị chế tài", ông Phước đề xuất.
Tuy nhiên, lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng ý tưởng tốt, không bất khả thi nhưng không dễ. Vì các bộ không thể ra quy định buộc doanh nghiệp phải xuất khẩu giá này, giá kia. Giá là doanh nghiệp đàm phán. Rồi một số nước khi mua họ đấu thầu, ai đưa giá rẻ họ mua.
Nhưng việc bắt tay với Thái Lan để phối hợp hành động, ví dụ tùy thời điểm mà đưa lượng gạo xuất khẩu phù hợp, có thể giúp giá gạo cao, hoặc ít nhất là không giảm mạnh.
Ông Võ Công Thức, trưởng phòng quản lý chất lượng ngành lương thực thuộc Tập đoàn Lộc Trời, cũng nhận định Thái Lan hợp tác với Việt Nam để nâng giá trị hạt gạo là hợp lý.
Tuy nhiên, có nâng được hay không và nâng như thế nào thì phải dựa trên tình hình giữa hai quốc gia. Vì hai nước đang có sự khác biệt về mặt tài chính, mà cụ thể là tỉ giá đồng baht (Thái Lan) và tỉ giá VND (Việt Nam) có biến động hay không so với USD.
Hiện tại tỉ giá VND và tỉ giá baht đang chênh lệch. Do đó, khi bắt tay vào thì Thái Lan sẽ có thuận lợi hơn, giá gạo của Thái Lan sẽ cao hơn Việt Nam.
Trong vấn đề bắt tay này, theo ông Thức, cũng cần phải xem lại yếu tố Ấn Độ với nguồn cung lúa gạo dồi dào và giá thành thấp hơn so với Việt Nam và Thái Lan dù chất lượng không bằng (hiện Ấn Độ xuất khẩu lúa gạo nhiều nhất, Thái Lan thứ nhì và Việt Nam thứ ba).
"Khi bắt tay với Thái Lan, nếu chất lượng gạo Việt không cao bằng mà giá lại bằng với Thái Lan sẽ có hại đối với gạo Việt Nam. Vì lúc này, người ta sẽ mua gạo Thái mà không mua gạo Việt Nam. Do đó, bắt tay dưới hình thức gì, có thể định mức giá chấp nhận Thái Lan cao hơn mình 10 - 20%.
Cần cam kết chung của hai nước sẽ điều tiết lượng ra vô ở thị trường tại từng thời điểm hợp lý hơn", ông Thức lưu ý.