Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 173,14 điểm (0,55%), đóng cửa ở mức 31.145,30 điểm, nhưng đã vượt ra khỏi mức thấp nhất trong ngày nhờ các cổ phiếu phòng thủ như Johnson & Johnson và Coca-Cola.
Chỉ số S&P 500 đã giảm phiên thứ 3 liên tiếp xuống 3.908,19 (giảm 0,41%), chủ yếu do các ngành dịch vụ tiêu dùng và năng lượng thua lỗ. Sự sụt giảm được xoa dịu phần nào nhờ mức tăng của các ngành bất động sản, tiện ích và chăm sóc sức khỏe.
Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,74% xuống 11.544,91, ghi nhận chuỗi giảm ngày thứ 7, dài nhất kể từ năm 2016.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu tăng mạnh, làm tăng thêm sự biến động của cổ phiếu. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng tới 0,162 điểm phần trăm lên 3,353% vào một thời điểm trong phiên giao dịch.
Những chuyển biến này diễn ra sau khi sáng 6/9, Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) công bố dữ liệu Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) đạt 56,9, vượt xa ước tính đồng thuận của Econoday là 55,4%.
Cục Dự trữ Liên bang cho biết, họ thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại nhưng đủ mạnh để chịu được nhiều đợt tăng lãi suất hơn nhằm kéo lạm phát xuống mức mục tiêu 2%.
Cuối tuần trước, các chỉ số chính kết thúc âm tuần thứ 3 liên tiếp. Nasdaq Composite công bố chuỗi giảm 6 ngày đầu tiên kể từ năm 2019, kết thúc phiên giảm 1,3%, trong khi chỉ số Dow Jones xóa mức tăng 370 điểm vào ngày 2/9, đóng cửa thấp hơn khoảng 1,1%. S&P 500 giảm 1,1% xuống mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 7.
“Thái độ kiên quyết từ Fed và tốc độ chậm chạp đáng kinh ngạc của nền kinh tế khi lạm phát đang hạ nhiệt có thể tiếp tục đè nặng lên cổ phiếu trong một tháng nữa hoặc hơn”, các chiến lược gia của LPL Financial cho biết trong một ghi chú hôm 6/9.
“Tuy nhiên, chúng tôi có thể thấy tiềm năng tăng giá các cổ phiếu trong năm 2022. Một số biện pháp giảm lạm phát có thể sẽ được đưa ra, giúp thúc đẩy sự ổn định của lãi suất. Báo cáo việc làm hôm 2/9 cũng cho thấy một số lĩnh vực trong thị trường lao động cần được “hạ nhiệt”, họ cho biết.
Các nhà đầu tư đang trông chờ thông báo mới từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sau cuộc họp tháng 9. Và quyết định tăng lãi suất mới từ Ngân hàng Trung ương Châu Âu dự kiến được đưa ra vào cuối tuần này.
Giá dầu thô WTI giảm 0,1% xuống 86,64 USD/thùng. Dầu thô Brent chuẩn quốc tế giảm 0,2% xuống 92,69 USD/thùng.
Giá dầu thô Mỹ giao tháng 10 tăng 1 cent lên 86,88 USD/thùng hôm 6/9. Dầu Brent giao tháng 11 giảm 2,91 USD xuống 92,83 USD/thùng.
Giá xăng bán buôn giao tháng 10 giảm 4 cent xuống 2,42 USD/gallon. Dầu sưởi tháng 10 giảm 1 cent xuống 3,57 USD/gallon. Khí đốt tháng 10 giảm 64 cent xuống 8,15 USD/1.000 feet khối.
Giá vàng giảm 0,7% xuống 1.711,40 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 9,70 USD xuống 1.712,90 USD/ounce. Bạc giao tháng 12 tăng 3 cent lên 17,91 USD/ounce và đồng giao tháng 12 tăng 5 cent lên 3,46 USD/pound.
Đồng USD đã tăng lên 142,91 Yên Nhật từ 140,55 Yên/USD. Đồng Euro giảm xuống 99,10 cent/EUR từ 99,29 cent/EUR.
Bitcoin giảm 4,5% xuống 18.848,12 USD.
Nguyễn Tuyết (Theo CNBC, AP, Business Insider)
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/chung-khoan-pho-wall-danh-dau-chuoi-giam-diem-dai-nhat-tu-2016-a6358.html