Ông chủ thương hiệu thời trang Her 25: Khởi nghiệp từ “số âm”, mở chuỗi cửa hàng và những cú ngã “thêm lớn”

Để có được thương hiệu thời trang Her 25 như hiện tại, anh Phan Đại Thắng - Founder/CEO của Her 25 đã từng vấp phải nhiều “cú ngã”. Với anh, mỗi lần “ngã đau” là một lần học được thêm một bài học quý giá. Kể cả trong những lúc khó khăn nhất, anh Thắng vẫn cảm thấy bản thân may mắn vì anh lại học thêm được một bài học mới.

Thương hiệu thời trang nữ Her 25 đã không còn là cái tên xa lạ đối với nhiều chị em phụ nữ đặc biệt là các tín đồ thời trang ưa thích trang phục mang nhiều màu sắc mà vẫn đậm chất thanh lịch. Nhưng ít ai biết, đứng sau thương hiệu thời trang nữ nổi tiếng này lại là một ông chủ “hotboy”. Anh Phan Đại Thắng, 33 tuổi, từng là du học sinh ngành thời trang tại ĐH Northumbria (Anh) chính là người đứng sau chuỗi cửa hàng thời trang này. Năm 2013, anh Thắng trở về nước sau 5 năm du học tại Anh, với mong muốn đem lại niềm vui cho những người phụ nữ thông qua trang phục mà họ mặc, anh đã quyết định thành lập ra thương hiệu thời trang Her 25. Hiện tại, Her 25 đang có hệ thống 6 cửa hàng tại Hà Nội và đã có những thời điểm, thương hiệu này có đến 9 cửa hàng trên toàn quốc.

 Ông chủ thương hiệu thời trang Her 25: Khởi nghiệp từ “số âm”, mở chuỗi cửa hàng và những cú ngã “thêm lớn”  - Ảnh 1.
Trước khi là ông chủ của thương hiệu Her 25, anh từng là du học sinh ngành thời trang, điều gì khiến anh lựa chọn về nước khởi nghiệp và tạo ra một thương hiệu thời trang?

Tôi quan tâm đến thời trang nói riêng và nghệ thuật nói chung từ lúc còn nhỏ. Đến năm học cấp 2, tôi quyết định sẽ đi du học vì nếu học trong nước sẽ không được gia đình ủng hộ. Bởi khi đi du học, tôi sẽ được học ngành mình thích, lúc ấy bố mẹ có muốn cũng không ngăn cản được vì tôi ở nước ngoài.

Tôi bị ảnh hưởng nhiều từ phong cách thời trang của người Anh. Họ có phong cách ăn mặc rất “nổi loạn”, kết hợp trang phục nhiều màu sắc với nhau. Việc mặc trang phục có màu sắc rực rỡ khiến họ cảm thấy vui vẻ, cởi mở hơn. Lấy cảm hứng từ đó, tôi muốn tạo ra một thương hiệu thời trang mà khi mặc đồ của mình, khách hàng sẽ cảm thấy vui, đặc biệt là với những người phụ nữ Việt vẫn còn gò bó mình trong những gam màu trung tính mà quên đi việc còn nhiều màu sắc khác đang chờ họ khám phá.

Khi về nước, tình cờ tôi được một người bạn dẫn dắt đi thử sức với kinh doanh. Sau đó, tôi quyết định khởi nghiệp thời trang. Tôi thích khởi nghiệp, kinh doanh thời trang vì công việc này bao quát và nhiều thử thách.

 Ông chủ thương hiệu thời trang Her 25: Khởi nghiệp từ “số âm”, mở chuỗi cửa hàng và những cú ngã “thêm lớn”  - Ảnh 2.
Việc tốt nghiệp, du học ngành thời trang là “bàn đạp tốt” để anh tự tin quay trở về Việt Nam khởi nghiệp với thời trang. Khi đó, anh có nghĩ vậy không?  

Cũng có thể nghĩ như vậy. Tuy nhiên, lúc về nước, tôi còn rất trẻ, giống như một số bạn trẻ du học sinh học ở nước ngoài lâu rồi về nước thời đó, tôi bị hơi “ảo tưởng”. Lúc ấy, tôi nghĩ, với những gì mà mình lĩnh hội trong thời gian rất dài ở phương Tây, sẽ là người đi trước khi về nước. Sự “ảo tưởng” này dẫn đến việc tôi không đánh giá được đúng thực lực của nên có rất nhiều cơ hội đến với mình ở Việt Nam lúc ấy, tôi đều bị bỏ lỡ.

Khởi nghiệp thời trang - lĩnh vực mà thị trường đã quá nhiều người đã và đang làm. Anh thấy cái khó và dễ khi bước chân vào thị trường này là gì?

Ngày mà tôi mới khởi nghiệp, rất nhiều người bảo rằng: “Đi học du học mấy năm như vậy xong rồi về làm...con buôn?”. Ban đầu khởi nghiệp, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình có cửa hàng thời trang để buôn bán, có công ăn việc làm chứ không nghĩ là sẽ thành lập một thương hiệu thời trang. Vì khi đó rất nhiều người ngăn cản và nói rằng thị trường rất bão hòa. Là một người hiếu thắng và hay làm ngược lại những gì người khác nói, mọi người càng cản tôi lại càng muốn làm. Bắt tay vào làm, tôi nhận ra phong cách mà mình làm chưa có ai làm trước đó thì tại sao mà tôi phải sợ?

Với tôi, cái dễ dàng ban đầu là mình đã có sẵn ý chí và cái “lửa” trong người, không điều gì có thể cản được mình. Cái khó là làm sao có thể dung hòa được cái tôi của thương hiệu với nhu cầu khách hàng.

 Ông chủ thương hiệu thời trang Her 25: Khởi nghiệp từ “số âm”, mở chuỗi cửa hàng và những cú ngã “thêm lớn”  - Ảnh 3.

Một điều khó khăn nữa với riêng tôi là khi ở một nơi quá lâu thì sức sáng tạo của tôi bị xói mòn. Thế nên sau khi trở về Việt Nam một thời gian, vào năm 2017, tôi lại đi sang Trung Quốc học tiếp. Đúng 1 năm tôi đi du học ở Trung Quốc là năm thăng hoa nhất của Her 25. Việc thay đổi môi trường giúp tôi có nhiều sáng tạo mới trong kinh doanh.

 Ông chủ thương hiệu thời trang Her 25: Khởi nghiệp từ “số âm”, mở chuỗi cửa hàng và những cú ngã “thêm lớn”  - Ảnh 4.
Có thời điểm Her 25 mở rộng đến 9 cửa hàng, phát triển cả ở thị trường ở Sài Gòn, nhưng bây giờ tôi không thấy cửa hàng ở Sài Gòn nữa, tức là anh đã phải đóng cửa hàng trong đó?

Tôi đã phải đóng cửa hàng ở trong Sài Gòn sau khi liên tục mở một loạt. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy cửa hàng ở Sài Gòn của mình bị đóng là đúng. Bởi lúc đó, tôi không có kế hoạch, cũng chẳng có chiến lược, chỉ “thừa thắng xông lên”. Tôi cứ tận dụng may mắn mà mình đang được hưởng để mở hàng loạt.

Việc cứ thừa thắng xông lên, thiếu tính toán chi li ở những năm đầu khởi nghiệp đã đem lại cho anh những cú ngã. Từ cú ngã đó thì anh có cho mình một bài học lớn chứ?

Mới đầu, tôi gặp không thiếu khó khăn. Nhưng tôi cứ hết mình chiến đấu vì khi mình chiến đấu với khó khăn là lúc mình đang học. Đó là cách mà tôi vẫn làm từ trước đến giờ. Nhưng khác ở chỗ, ngày trước tôi làm theo “bản năng” còn bây giờ tôi làm theo lý trí nhiều hơn. Tôi không lao vào làm luôn mà dừng lại suy nghĩ thấu đáo rồi mới làm.

Lúc ấy, tôi đang rất thịnh vượng nên có hơi xem nhẹ đồng tiền một chút. Tôi nghĩ, mình đang sẵn tiền, tiền là thứ mình đang sẵn có nhiều nhất thì vì sao mà mình phải nghĩ nhiều về tiền? Với suy nghĩ ấy, tôi cứ dùng tiền rồi đầu tư, mở cửa hàng mà không tính toán gì cả.

Sau này, làm bất kỳ việc gì, điều đầu tiên mà tôi phải nghĩ đến là tài chính. Tôi phải nghĩ việc mà mình muốn làm cần bao nhiêu tiền, làm trong bao lâu và mong đợi thu hồi vốn như thế nào. Nếu như thấy lợi nhuận không cao, tôi sẽ không làm nữa.

Trong quá trình khởi nghiệp, thời điểm nào là khó khăn nhất với anh?

Vào năm 2019, khách hàng của tôi thưa dần đi, họ không còn thích gu mà tôi đã và đang làm nữa. Lúc ấy, tôi cũng không biết lý do tại sao. Tôi vẫn kiên định với phong cách như vậy và nghĩ rằng phong cách này mới phù hợp với khách hàng của mình. Nhưng rồi tôi phải linh hoạt hơn, làm sao để phù hợp với sở thích của khách hàng mà vẫn không mất đi cái tôi của thương hiệu. Tôi phải mất đến 3 năm từ 2019 đến 2021 để loay hoay đi tìm lối đi riêng, đường đi mới cho Her 25. Đến bây giờ là 2022, từ đầu năm đến giờ, có thể nói là tôi khá tự tin với những thay đổi của mình trong 3 năm vừa rồi. Mặc dù tôi biết rằng trước mắt còn rất nhiều thử thách, nhiều cơ hội mới nhưng tôi khá hài lòng với những gì mà mình đã làm được sau thời điểm dịch vừa qua.

 Ông chủ thương hiệu thời trang Her 25: Khởi nghiệp từ “số âm”, mở chuỗi cửa hàng và những cú ngã “thêm lớn”  - Ảnh 5.
Vốn là một người kiên định, hiếu thắng như vậy, khi phải thay đổi gu của mình theo thị hiếu của khách hàng, anh cảm thấy như thế nào?

Không chỉ riêng kinh doanh thời trang mà gần như tất cả những người làm kinh doanh đều phải thay đổi theo thị hiếu của khách hàng. Thời trang có thể chia ra làm 2 dạng là thời trang ứng dụng và thời trang định hướng. Sản phẩm của thương hiệu của tôi và hầu hết các thương hiệu thời trang bán lẻ khác đang chỉ dừng lại ở tính ứng dụng tức những món đồ có thể mặc hàng ngày, đi sự kiện. Như vậy, tôi phải tìm hiểu kỹ về nhu cầu của khách hàng và đưa ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của họ. Tôi nghĩ rằng như thế đã có thể phát triển được rồi.

Bây giờ, tôi thấy mình thay đổi nhiều. Khác biệt lớn nhất là tôi đã ý thức được việc mình cần phải thay đổi và mình đã thay đổi. Trong thời gian tới, tôi vẫn phải tiếp tục thay đổi. Cũng có thể phép thử mới làm cho tôi “vấp ngã” một lần nữa nhưng nó chính là cơ hội giúp tôi tìm lại thời đỉnh cao.

Anh dành 3 năm để đi tìm lại thời đỉnh cao của mình, trong đó có 2 năm phải loay hoay vì tình hình dịch bệnh. Thời gian đó của Her 25 thế nào?

Sau 2 năm dịch, Her 25 không phải đóng một cửa hàng nào, số lượng nhân sự gần như giữ nguyên, doanh thu thì tất nhiên là không thể bằng những năm trước. Sau đó, tôi học được rất nhiều bài học về tài chính, có sự tính toán kỹ lưỡng hơn, tôi cắt giảm được rất nhiều chi phí không quá cần thiết.

 Ông chủ thương hiệu thời trang Her 25: Khởi nghiệp từ “số âm”, mở chuỗi cửa hàng và những cú ngã “thêm lớn”  - Ảnh 6.
Được biết, ngoài thời trang, anh còn học nhiều môn nghệ thuật khác. Việc học các môn nghệ thuật như vẽ… đơn giản vì anh thích hay vì một mục tiêu nào khác, để có thể thiết kế được chẳng hạn?

Ngày bé, tôi không có nhiều cơ hội để va chạm với nghệ thuật. Bây giờ có cơ hội rồi, tôi học đàn, học vẽ và rất nhiều thứ khác liên quan đến nghệ thuật. Tôi không bắt mình phải giỏi những môn nghệ thuật đó nhưng thật sự tôi rất muốn biết. Việc học các môn nghệ thuật khác cũng là cách để tôi có góc nhìn đa dạng hơn trong việc kinh doanh thời trang của mình.

Nếu tôi biết thiết kế, chưa chắc tôi đã làm tốt hơn, vì thiết kế cần bay bổng. Nhưng kinh doanh cần thực tế và logic.

 Ông chủ thương hiệu thời trang Her 25: Khởi nghiệp từ “số âm”, mở chuỗi cửa hàng và những cú ngã “thêm lớn”  - Ảnh 7.
Anh đi du lịch khá nhiều, đó cũng là cách anh duy trì sự sáng tạo của mình?

Du lịch cân bằng tôi. Như đã chia sẻ, tôi không thể gắn bó với một chỗ nào đó quá lâu. Bởi vì khi ở lâu một chỗ, mọi thứ dần biến thành thói quen thì sẽ không có sự sáng tạo nữa. Vây nên mỗi lần đến một thành phố khác, khi trở về, tôi đã nhìn nhận vấn đề theo một cách mới mẻ hơn.

Tôi được trưởng thành hơn và tìm thấy chính mình qua mỗi lần đi du lịch một mình thật xa, thật lâu. Vì khi đi một mình, tôi phải học cách chiến thắng bản thân. Tôi rất thích đến những nước giàu văn hóa, có văn hóa trùng với những gì tôi đang làm với Her 25. Ví dụ mỗi lần đi đến các nước thuộc địa của Tây Ban Nha tôi như được sống lại lần nữa với kiến trúc, thời trang, hội hoạ.

 Ông chủ thương hiệu thời trang Her 25: Khởi nghiệp từ “số âm”, mở chuỗi cửa hàng và những cú ngã “thêm lớn”  - Ảnh 8.

Tính đến thời điểm hiện tại tôi đi khoảng 30 nước. Bây giờ, tôi có cơ hội để đi tiếp, nhưng đang cần tập trung vào phát triển kinh doanh nhiều hơn. Vì thường khi đi du lịch, tôi đã phải chuẩn bị trước 1-2 tháng để khi đi du lịch tôi không phải “động tay động chân” vào công việc. Nhưng thời điểm sau dịch này tôi vẫn chưa tự tin lắm.

Là một người có chiều sâu, tố chất nghệ sĩ, con người kinh doanh và con người nghệ sĩ ấy trong anh song hành với nhau ra sao?

Tôi thường bị lẫn lộn giữa phần nghệ thuật và kinh doanh trong con người mình. Giai đoạn đầu, tôi không thể ý thức được rằng khi nhìn nhận một vấn đề, tôi nên chọn góc nhìn kinh doanh hay góc nhìn nghệ thuật. Điều này dẫn đến việc tôi đưa ra rất nhiều quyết định sai trong quá khứ.

Sau này, khi cần đưa ra quyết định, tôi sẽ ngưng lại một lúc để suy nghĩ xem nên đánh giá nó theo góc độ nào trong con người mình. Khi ý thức được điều này thì tất cả các quyết định của tôi sáng suốt hơn rất nhiều.

Trong công việc, tôi phải tập trung vào kinh doanh, thương mại nhiều quá, làm cho tôi bị đánh mất bản thân. Tôi biết trong con người mình có tính nghệ sĩ nên tôi đang học cách cân bằng giữa làm kinh doanh và nghệ thuật. Ban ngày tôi làm kinh doanh, buổi tối về thực hành nghệ thuật, đó là cách tôi cân bằng cuộc sống.

 Ông chủ thương hiệu thời trang Her 25: Khởi nghiệp từ “số âm”, mở chuỗi cửa hàng và những cú ngã “thêm lớn”  - Ảnh 9.
 Ông chủ thương hiệu thời trang Her 25: Khởi nghiệp từ “số âm”, mở chuỗi cửa hàng và những cú ngã “thêm lớn”  - Ảnh 10.
Trong quá trình khởi nghiệp của mình, có điều gì xảy ra khiến anh cảm thấy ấn tượng?

Điều làm cho tôi “sốc” nhất có lẽ là nhân sự. Tôi không coi những người trong công ty là nhân viên mà là người nhà của mình. Sau đó, bỗng một ngày đẹp trời họ rời đi. Lần đầu tiên tôi trải quả cú sốc nhân sự đó là cách đây vài năm. Dần dần, tôi phải học cách trải qua điều này, nghĩ đơn giản hơn, họ đến rồi sẽ đi. Có duyên mới gặp được nhau, quan trọng là đã làm việc hết sức cùng nhau.

Anh xây dựng môi trường ở Her 25 theo văn hóa gia đình, vì sao vậy?

Khởi nghiệp rất cô đơn nên tôi cần những người đồng hành trong công việc như người thân của mình. Cô đơn vì mình sẽ phải làm mọi thứ từ A đến Z, nhất là những ngày đầu chỉ có một mình. Và những gì mình chia sẻ với mọi người thì có thể người ta lắng nghe nhưng không phải ai cũng hiểu những điều mình nói, mình làm. Cô đơn là như thế...

 Ông chủ thương hiệu thời trang Her 25: Khởi nghiệp từ “số âm”, mở chuỗi cửa hàng và những cú ngã “thêm lớn”  - Ảnh 11.
Theo anh, điểm mạnh và hạn chế của việc xây dựng công ty theo văn hóa gia đình là gì?

Ở công ty của tôi, mọi người rất đoàn kết, động viên nhau làm việc, cùng hướng về mục tiêu là làm đẹp cho phụ nữ Việt Nam 25+. Đó là sứ mệnh và mục tiêu kinh doanh của tôi suốt bao năm nay. Những người mà tôi cảm thấy họ có thể chung đường với sứ mệnh này thì tôi sẽ chọn những bạn đấy là một trong những thành viên trong gia đình của Her 25. Điểm mạnh của văn hóa gia đình là tính gắn kết của mọi người rất cao, họ sống thật với mình.

Có một bất cập ở mô hình gia đình là thiếu tính cạnh tranh mà tính chất cạnh tranh là bắt buộc phải có trong kinh doanh. Nhiều khi văn hóa gia đình làm cho các bạn trong công ty bị trầy ỳ một chút trong việc làm mới bản thân, cạnh tranh với thành viên khác trong nhóm. Đó là điểm bất lợi lớn nhất của việc xây dựng công ty theo văn hóa gia đình.

Mục tiêu của anh với Her 25 trong thời gian tới là gì?

Tôi muốn đánh vào thị trường khác ngoài Hà Nội. Đầu tiên là ở các thành phố khác ở Việt Nam. Tôi lên kế hoạch mở thêm chuỗi cửa hàng ở Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh và những thành phố sát miền Trung. Ngoài ra, hiện tại tôi có đang xây trường cho các em bé ở vùng cao. Và hy vọng, sắp tới, tôi có thể xây được nhiều trường hơn, làm được nhiều thứ hơn cho các bạn nhỏ vùng cao.

Sau 8 năm khởi nghiệp với thời trang, với kinh nghiệm đã có, anh có lời khuyên cho các bạn trẻ?

Sau 8 năm làm kinh doanh cũng như khởi nghiệp, tôi thấy điều quan trọng nhất là sự kiên trì với lựa chọn của mình. Tôi hay nói với nhân viên rằng, khi có khó khăn xuất hiện, mình sẽ biết đâu là sở thích, đâu là đam mê. Nếu chỉ đơn giản là thích, gặp khó khăn, bạn sẽ trốn chạy, chối bỏ. Còn nếu đã thật sự là đam mê, khi gặp khó khăn, bạn vẫn chiến đấu đến cùng.

Trong quá trình kinh doanh, với tất cả các khó khăn, tôi đều vui vẻ đương đầu. Thậm chí, những lúc khó khăn, tôi vẫn thấy mình may mắn vì mỗi lần “gặp khó” là một lần tôi được học thêm một bài học mới. Tôi không biết tại sao rất nhiều người gặp khó khăn, họ hay phàn nàn nhưng với tôi thì càng khó khăn, tôi lại càng muốn lao vào chiến đấu.

Xung quanh tôi có rất nhiều bạn bè khởi nghiệp, nhưng họ chỉ làm được mấy tháng là dừng. Nhiều khi có thể họ chỉ cần cố thêm một tháng nữa là đã tiếp cận được đến “mỏ vàng”, nhưng lại vì một lý do mà dừng lại quá sớm. Không có một công việc kinh doanh nào suôn sẻ từ ngày này qua tháng khác mà không bao giờ xảy ra một vấn đề gì. Vậy nên, nếu không chuẩn bị sẵn cho mình sự lì lợm, tính kiên trì thì đó là điều bất lợi của bạn trong công việc kinh doanh.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ này!


Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/ong-chu-thuong-hieu-thoi-trang-her-25-khoi-nghiep-tu-so-am-mo-chuoi-cua-hang-va-nhung-cu-nga-them-lon-a5843.html