Đi không trở về
Ngày 23/7, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Trường Nhật Phượng cho biết, kết quả thực hiện các chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương từ năm 2019-2022, có 83 trường hợp nghỉ việc khi chưa phục vụ đủ thời gian quy định sau đào tạo. Trong đó, ngành y tế Bình Dương có 73 người, chiếm gần 88%.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương có 6 bác sĩ nghỉ việc sau khi học về
Mới đây, Sở Y tế tỉnh Bình Dương phải ban hành văn bản đề nghị ngành y tế toàn quốc không thu nhận 6 bác sĩ với lý do tự ý nghỉ việc, chưa bồi thường chi phí đã nhận hỗ trợ và cam kết thời gian phục vụ.
“Đối với cán bộ viên chức là y, bác sĩ (không thuộc diện hưởng chế độ thu hút nhân lực) khi muốn nghỉ việc cũng phải tuân thủ quy định pháp luật và sự sắp xếp nhân sự thay thế của đơn vị. Trong khi các bác sĩ đã nhận chế độ thu hút nhân lực hàng trăm triệu đồng, có cam kết thời gian phục vụ, dù chưa thực hiện nghĩa vụ nhưng tự ý nghỉ việc là sai cả về lý và tình”, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Huỳnh Minh Chín nói.
Theo ông Chín, trình tự giải quyết đối với một bác sĩ thuộc diện thu hút nhân lực như sau: một bác sĩ nhận hỗ trợ chính sách một lần 400 triệu đồng, cam kết phục vụ 10 năm (hưởng lương bình thường). Sau khi làm việc được 5 năm, bác sĩ này có nguyện vọng được nghỉ việc, phải thực hiện các nghĩa vụ gồm: Làm việc trong thời gian chờ bố trí người thay thế, bồi thường số tiền 200 triệu đồng, tương ứng với một nửa thời gian còn lại. Sau đó, đơn vị sẽ tạo điều kiện giải quyết theo nguyện vọng. Tuy nhiên, cần lưu ý, đây là hướng giải quyết linh động, có tình, có nghĩa của địa phương với bác sĩ chứ không áp dụng đại trà, tránh tình trạng lợi dụng chính sách.
Cũng theo ông Chín, 6 bác sĩ tự ý nghỉ việc, chưa thực hiện việc bồi thường, bất đắc dĩ địa phương phải ra văn bản nhưng chỉ trên tinh thần khuyến cáo. Văn bản đề nghị của tỉnh Bình Dương gửi đến các cơ sở y tế trên toàn quốc về việc không tiếp nhận bác sĩ, thế nhưng nếu đơn vị nào tiếp nhận, phía Bình Dương cũng không can thiệp. Với các trường hợp bác sĩ vi phạm cam kết, tự ý bỏ việc, theo quy định sẽ lập hội đồng để tiến hành kỷ luật, thu hồi giấy phép hành nghề tạm thời.
“Sở ra văn bản nhằm khuyến cáo các bác sĩ tự giác, nâng cao tinh thần trách nhiệm với Nhà nước và ngành y tế, trước khi cơ quan chức năng thực hiện những thủ tục về hành chính, pháp lý tiếp theo. Việc viên chức y tế tự ý nghỉ việc gây ra sự xáo trộn, bị động tại đơn vị khi chưa bố trí kịp thời người thay thế. Đối với trường hợp được hưởng chế độ chính sách càng cần phải nghiêm túc”, Phó giám đốc Sở Y tế Bình Dương nhấn mạnh.
Nếu không được tạo điều kiện, liệu có ngày hôm nay
Là một trong số bác sĩ được cử đi học nhưng bỏ việc sau khi tốt nghiệp trở về, bác sĩ T.T.T, công tác tại khoa Nội tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương) cho biết, ông được cử đi đào tạo tại trường Đại học Y Dược Cần Thơ từ năm 2010 đến 2016, được hỗ trợ học phí và phí sinh hoạt hàng tháng. Vào tháng 3/2023 dù chưa đủ thời gian công tác như cam kết nhưng ông T. đã nghỉ việc, chuyển đi nơi khác.
Trước khi nghỉ việc ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, ông T. đã có đơn xin nghỉ việc. “Sau thời hạn nộp đơn nghỉ việc 45 ngày theo quy định nhưng cơ quan cũ không giải quyết, vì hoàn cảnh nên tôi phải nghỉ. Tôi sẽ bồi thường lại chi phí đã nhận theo cam kết”, bác sĩ T. nói.
Tương tự, bác sĩ T.Đ.G, công tác tại khoa Thần kinh Ung bướu (Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Bình Dương) được hưởng theo diện thu hút nhân lực với số tiền 400 triệu đồng từ năm 2021 của UBND tỉnh Bình Dương và cam kết phục vụ ít nhất 10 năm. Tuy nhiên, mới đây ông G. đã tự ý nghỉ việc và chưa bồi thường khoản kinh phí đã nhận. Cũng như bác sĩ T, ông G. nộp đơn xin nghỉ việc, kèm lời hứa bồi thường toàn bộ số tiền nhưng khi đơn vị chưa giải quyết ông đã nghỉ.
“Theo luật lao động, người lao động có quyền nghỉ việc sau 45 ngày kể từ khi nộp đơn. Tuy nhiên, do tính đặc thù về chuyên môn không thể bố trí ngay nhân sự phù hợp và ngành y tế cũng có những quy định kèm theo, đó chính là lý do giải quyết đơn chậm. Bản thân người được cử đi học cũng phải ý thức rằng, nếu không được tạo điều kiện đi học, liệu có được như hôm nay”- Phó giám đốc Sở Y tế Bình Dương Huỳnh Minh Chín nói.
Lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương thừa nhận, thu nhập của đội ngũ y, bác sĩ trong y tế công lập thời gian qua còn thấp. Môi trường làm việc áp lực trong khi lương, trợ cấp không bảo đảm đời sống hoặc thấp hơn rất nhiều so với cơ sở y tế ngoài công lập. Mặt khác, y, bác sĩ ở cơ sở y tế ngoài công lập chỉ làm công tác chuyên môn, trong khi y tế công lập có thể kiêm nhiệm thêm một số công tác ngoài chuyên môn, dễ bị áp lực dồn nén.
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Trường Nhật Phượng đánh giá, thực tế triển khai các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 05/2019 của HĐND tỉnh có phát sinh một số vướng mắc. Một số đơn vị sự nghiệp y tế công lập khi chuyển sang cơ chế tự chủ không đủ kinh phí để thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực và cử viên chức, người lao động đi đào tạo, bồi dưỡng.
Mặt khác, theo Nghị quyết số 05, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên do đơn vị tự chi trả. Điều này là phù hợp với các quy định về quản lý đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính. Khu vực y tế công hiện tại thực hiện tự chủ tài chính, thế nhưng cơ cấu giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ, dẫn đến giảm nguồn thu. “Điều này dẫn đến một số hệ lụy như không đủ tiền trả lương cho nhân viên, không tái đầu tư, không đủ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực khiến một bộ phận nhân viên y tế bỏ việc”- Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương nhìn nhận.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/chi-moi-bac-si-gan-nua-ty-dong-di-hoc-chim-du-long-lai-bo-to-a57756.html