Mới đây, kíp trực Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận một bệnh nhân nam (sinh năm 1968, trú tại Hà Nội) vào cấp cứu do dùng nồi áp suất đun nấu bị nổ.
Bệnh nhân đến Khoa Cấp cứu trong tình trạng bỏng độ 1, 2 vùng mặt và trước ngực, bỏng hô hấp, bỏng kết mạc đỏ, gãy hở độ 3, 1/3 giữa xương chày, vết thương lóc da cẳng chân bên phải.
Bệnh nhân được đi mổ cấp cứu cắt lọc, kết xương chày trái, khâu vết thương, chăm sóc da và niêm mạc bị bỏng. Sau 1 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân ra viện, hiện tại tình trạng sức khỏe ổn định.
Các bác sĩ cho biết, nồi áp suất có nhiều công dụng hữu ích cho nhu cầu nấu nướng gia đình với ưu điểm tiện lợi, làm chín thức ăn nhanh chóng, nên từ lâu đã trở thành đồ gia dụng quen thuộc với công việc nội trợ. Tuy nhiên, gần đây, do nhiều nguyên nhân mà không ít các trường hợp nồi áp suất vô tình trở thành vật dụng ẩn chứa nguy hiểm cho người sử dụng khi bỗng nhiên phát nổ, phát cháy.
Theo bác sĩ Lê Khánh Ninh, khoa Cấp cứu, Bệnh viện 108, bỏng là tai nạn thường gặp trong đời sống, có thể đe doạ đến tính mạng, để lại nhiều di chứng. Trong đó, bỏng nhiệt do nổ nồi hơi có thể gây bỏng diện rộng, bỏng sâu, kèm theo tổn thương các cơ quan do nổ: gãy xương chi thể, chấn thương ngực...
Khi bị bỏng, trước tiên cần cách ly bệnh nhân tránh xa tác nhân gây bỏng, băng nhẹ hoặc che phủ vết thương bằng gạc, vải sạch rồi nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu, không tự ý điều trị tại nhà.
Nồi áp suất có thể bị nổ hơi trong trường hợp như người dùng vội mở, cố cạy vung ra khi nồi chưa được xì hết hơi; các bộ phận như gioăng, ốc trong nồi sau thời gian dài sử dụng bị nhờn, bung ra; van an toàn kém chất lượng, bị kẹt, hỏng do đã dùng lâu ngày, không được vệ sinh thường xuyên nên không kiểm soát được áp suất trong nồi...
Hồng Anh (t/h theo Đại Đoàn Kết, VTV)
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/nguoi-dan-ong-nhap-vien-trong-tinh-trang-chan-thuong-nang-do-no-noi-ap-suat-a55728.html