Số ca mắc bệnh tay chân miệng gia tăng
Thời gian gần đây, số trẻ nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng (TCM) tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa gia tăng. Trong đó có nhiều trẻ khi nhập viện đã ở cấp độ cảnh báo và nặng (2b, độ 3 và độ 4). Cao điểm có ngày, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện có 10 giường bệnh thì có đến 9 giường là các ca mắc TCM nặng, có một số bệnh nhi phải sử dụng máy thở.
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Nam Quân, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa cho biết trong 6 tháng đầu năm 2023, số bệnh nhân điều trị TCM tại bệnh viện gia tăng. Tính từ đầu năm đến ngày 10/7, bệnh viện đã thu dung điều trị gần 300 ca; riêng trong tháng 6 và đầu tháng 7 gia tăng nhiều. Trong đó, đa số chủ yếu là độ 2, 2a, 2b và rải rác có độ 3, độ 4.
Hiện tại, bệnh viện đã triển khai tất cả các giường bệnh tại các khoa lâm sàng để tiếp nhận bệnh nhân. Nếu bệnh nhân nhập viện ở cấp độ nặng từ độ 2b, độ 3 trở lên thì đưa vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc điều trị. Còn bệnh nhân mắc TCM độ 1, độ 2a thì sắp xếp vào Khoa Nhi – Nhiễm để theo dõi chăm sóc; nếu bệnh nhân có diễn biến nặng hơn sẽ chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.
Bác sĩ Trần Nam Quân cho biết thêm bên cạnh điều trị cho các bệnh nhân trong tỉnh, bệnh viện còn tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân ở một số tỉnh lân cận chuyển tuyến đến. Các ca ở các tỉnh khác đến điều trị có những ca nặng độ 2b, độ 3 đến nay đã tạm ổn.
Chị Nguyễn Thị Hoàng Yến, mẹ cháu Đ.N.H.K (21 tháng tuổi, trú tỉnh Phú Yên) cho biết đây là lần đầu tiên con chị bị bệnh tay chân miệng. Khi cháu đi học, thấy có xuất hiện mẩn đỏ trên người nên cô giáo đã báo cho gia đình. Sau đó, cháu được nhập viện điều trị tại tỉnh.
“Tuy nhiên, thấy cháu nổi mẩn đỏ nhiều, sức khỏe yếu, không ăn, không ngủ được và quấy khóc nhiều nên gia đình chuyển viện vào đây. Cháu vào điều trị từ tối 8/7, đến ngày 10/7 thì thấy các vết mẩn đỏ khô, cháu tỉnh táo, ăn uống được. Hiện tại, cháu đang tiếp tục điều trị tại bệnh viện”, chị Yến cho biết.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa, để chăm sóc tốt cho bệnh nhân, bệnh viện đã thực hiện nâng cao tay nghề cho các bác sĩ; tăng cường hội chẩn liên viện với các bệnh viện lớn ở Tp.Hồ Chí Minh như Bệnh viện Nhi đồng Tp.Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới... Nếu cần hỗ trợ những thủ thuật cao cho bệnh nhi, bệnh viện sẽ mời các chuyên gia hỗ trợ để cứu sống bệnh nhân.
Mới đây, bệnh viện cũng đã phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng Tp.Hồ Chí Minh tổ chức tập huấn chẩn đoán và điều trị bệnh tay chân miệng. Tại đây, đã hướng dẫn các trạm y tế tuyến xã trở lên cần phân độ đúng, chẩn đoán đúng, điều trị và chuyển tuyến kịp thời…
Dự báo số ca mắc tay chân miệng ở mức cao vào tháng tiếp theo
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết tính đến ngày 10/7, toàn tỉnh ghi nhận 686 ca mắc TCM, tăng 39 ca so với cùng kỳ năm 2022. 8/8 huyện, thị xã, thành phố đều có ca mắc; trong đó, huyện Vạn Ninh có số ca mắc cao nhất (258/686).
Số ca mắc tăng cao vào tháng 6 với 268 ca và đầu tháng 7 với 275 ca, vượt qua trung bình 5 năm 2018-2022. Riêng đầu tháng 7 đã vượt ngưỡng cảnh báo dịch, dự báo số ca mắc tay chân miệng ở mức cao vào tháng tiếp theo. Huyện Vạn Ninh là huyện có số ca mắc tay chân miệng/100.000 dân cao nhất với 197 ca/100.000 dân và tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Năm nay, theo kết quả xét nghiệm, phân tích chủng vi rút gây bệnh tay chân miệng tại tỉnh Khánh Hòa ghi nhận có chủng Enterovirus 71 (EV71). Đây là chủng có độc lực cao, trẻ mắc chủng này dễ chuyển biến nặng với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 20 ổ dịch TCM. Trong đó, huyện Vạn Ninh là địa phương ghi nhận nhiều ổ dịch nhất, có 13 ổ dịch với 27 ca mắc; Tp.Nha Trang ghi nhận 2 ổ dịch tại trường học.
Các trường hợp mắc bệnh TCM tập trung ở trẻ từ 5 tuổi trở xuống chiếm 93,1%. Trong đó, nhóm từ 13-36 tháng tuổi chiếm 74,2% trên tổng số trường hợp mắc trong năm và trung bình tuổi mắc bệnh TCM của trẻ là 1,24 tuổi.
Phân độ lâm sàng của bệnh nhân chủ yếu là độ 1 và độ 2a, ghi nhận 5 trường hợp có phân độ lâm sàng là độ 3 và 2 trường hợp là độ 4 (trong đó có 1 ca tử vong là độ 4). Bệnh nhân có phân độ lâm sàng 2a trở lên đa số được điều trị nội trú.
Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa, ca tử vong là bệnh nhi 9 tháng tuổi, ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Người nhà đã điều trị cho bệnh nhi tại nhà nhưng không đỡ nên đã chuyển tuyến vào bệnh viện. Tuy nhiên, tình trạng bệnh rất nặng, diễn tiến nhanh nên bệnh nhân không qua khỏi.
Bác sĩ Trần Nam Quân lưu ý, bệnh tay chân miệng lây qua đường tiêu hóa nên các gia đình cần phải vệ sinh tay kỹ cho trẻ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và vệ sinh môi trường, đồ chơi… thường xuyên.
Khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh và trẻ mắc bệnh có những dấu hiệu nặng, nguy hiểm như sốt cao liên tục, nôn nhiều; có nốt ban, bóng nước ở miệng, lòng bàn tay bàn chân… phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để chẩn đoán, điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng.
Clip: Bệnh nhân điều trị bệnh tay chân miệng ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa gia tăng
Châu Tường
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/khanh-hoa-benh-tay-chan-mieng-gia-tang-xuat-hien-nhieu-ca-nang-a55672.html