Y tế tư nhân cần tự quyết trong xây dựng, công khai giá viện phí

Các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý y tế cho rằng cơ sở y tế tư nhân cần tự quyết định trong xây dựng, ban hành, công khai giá viện phí.

Hai phương án định giá khám, chữa bệnh

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo của Ủy ban Xã hội nhằm hoàn thiện Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới, các quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý y tế.

Điều 101 tại dự thảo luật quy định, hàng hóa phục vụ cho việc khám bệnh, chữa bệnh như: thuốc, sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế, trang thiết bị y tế và các hàng hóa khác. Hàng hóa phục vụ khám bệnh, chữa bệnh phải đáp ứng các đặc điểm của hàng hóa theo quy định của pháp luật về giá. Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do các cơ sở và người hành nghề đủ điều kiện theo quy định của pháp luật cung cấp. Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng các đặc điểm của dịch vụ theo quy định của pháp luật về giá và thuộc cơ cấu ngành dịch vụ y tế theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Các chi phí khác có liên quan đến quá trình khám bệnh, chữa bệnh.

Về quy định chi tiết, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Ban soạn thảo đề xuất hai phương án.

Phương án 1: Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giá tối đa đối với giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và giá tối đa đối với giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trên phạm vi toàn quốc. Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cụ thể đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cụ thể đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân cùng cấp.

Phương án 2: Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giá tối đa đối với giá khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước trên phạm vi toàn quốc và giá tối đa đối với giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước trên phạm vi toàn quốc. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước tự định giá khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở giả tối đa. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tự định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở cung cấp.

Tiêu điểm - Y tế tư nhân cần tự quyết trong xây dựng, công khai giá viện phí

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) (Ảnh: Quochoi.vn).

Giá dịch vụ biến động theo thị trường

Bàn về thực trạng vận hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các bệnh viện phòng khám tư nhân hiện nay, GS. Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cùng nhiều chuyên gia cho rằng, các yếu tố cấu thành giá viện phí hiện nay gồm: thuốc; vật tư tiêu hao; trang thiết bị đầu tư hạ tầng; tiền lương; các chi phí thực tế khác như điện nước, công nghệ thông tin, các chi phí đào tạo, quản trị...

Trong các yếu tố nêu trên tất cả đều phụ thuộc và biến động theo thị trường. Chi phí tiền lương, hóa chất, thuốc, vật tư y tế... nhìn chung đều tăng theo từng năm.

Căn cứ Khoản 5 điều 88 luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định và phải niêm yết công khai giả dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Sau 13 năm triển khai, áp dụng khoản 5, điều 88 luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, các bệnh viện tư nhân đều đã xây dựng được hệ thống giá viện phí (mặc dù còn thấp) về cơ bản phù hợp với mặt bằng thu nhập theo đặc thù, mức thu nhập từng vùng, miền. Hiện, không ghi nhận những vướng mắc liên quan giá viện phí tại các bệnh viện phòng khám tư nhân. Bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại các bệnh viện/phòng khám tư nhân hoàn toàn do người bệnh lựa chọn, khi thấy không phù hợp, người bệnh sẽ không đến và quay lại các bệnh viện, phòng khám công lập.

Việc tự quyết định giá dịch vụ y tế của các cơ sở y tế tư nhân phù hợp quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Giá hiện hành: “Tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giả”. Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 19 luật Giá hiện hành thì Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bao gồm: Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ giáo dục, đào tạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, đào tạo của Nhà nước.

Căn cứ điều 15 (mục 1, điểm k), Nghị định 177/2013/NĐ-CP thì giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tư nhân, giả dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại các bệnh viện công lập thuộc mục Kê khai và niêm yết giá.

Như vậy, các cơ sở y tế tư nhân hiện nay thực hiện theo luật doanh nghiệp, theo luật giá hiện hành các cơ sở này thuộc đối tượng được tự xây dựng và quyết định giá hàng hóa, dịch vụ, vì thế quy định tại luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 là phù hợp.

Tiêu điểm - Y tế tư nhân cần tự quyết trong xây dựng, công khai giá viện phí (Hình 2).

GS.Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam nhận định trình độ đội ngũ bác sĩ bác sĩ Việt Nam hiện nay không thua kém trình độ chung trong khu vực và quốc tế (Ảnh: Quochoi.vn).

GS. Nguyễn Văn Đệ nêu rõ, bên cạnh việc triển khai tự xây dựng, ban hành, công khai giá viện phí hiện nay tại các cơ sở y tế tư nhân phù hợp quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, việc từ xây dựng, ban hành, và công khai giá viện phí của các cơ sở y tế từ nhân còn phù hợp với thực tế đầu tư với nhiều mức độ khác nhau tại các cơ sở y tế tư nhân.

Có những bệnh viện đầu tư hàng chục tỷ cho một giường bệnh, đầu tư nhiều loại máy móc thiết bị cao cấp mà ngay cả cơ sở y tế công lập cũng chưa có nhằm đáp ứng nhu cầu của nhóm người có thu nhập cao, người nước ngoài. Ngược lại, có bệnh viện chỉ đầu tư tối thiểu để cung cấp dịch vụ cho người có thu nhập thấp, mức chênh lệch giữa các bệnh viện tư lên đến hàng chục thậm chí hàng trăm lần. Điều này, khiến Nhà nước không thể đưa ra bất cứ một khung giá nào phù hợp cho các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.

Chi phí từng cấu phần trong giá viện phí biến đổi theo từng năm. Do vậy, nếu nhà nước định giá viện phí tại các cơ sở y tế tư nhân thì khi thị trường biến đổi, giá ban hành theo luật sẽ chậm biến đổi, do đó sẽ gây khó và cản trở đối với hoạt động tự chủ của cơ sở y tế tư nhân

Hiện nay, trình độ của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam không thua kém trình độ chung trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, để giữ chân khách hàng trong nước và thu hút khách hàng quốc tế ngoài trình độ chuyên môn các thầy thuốc, cơ sở y tế cần được trang bị những máy móc, thiết bị hiện đại.

Đối với các cơ sở y tế của Nhà nước sẽ khó linh hoạt trong việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị, nâng cấp dịch vụ buồng phòng và dịch vụ chăm sóc tự nguyện, nếu khống chế mức giá với các cơ sở y tế tư nhân sẽ khiến cho việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị gặp khó khăn vì đầu tư lớn mà mức thu thấp.

Điều này sẽ làm nhụt trí các nhà đầu tư khi mong muốn và quyết định đầu tư vào lĩnh vực này, cũng sẽ gây khó cho việc thực hiện được các mục tiêu Nghị quyết số 20 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương: phấn đấu đạt 10% giường bệnh tư nhân đến năm 2025 và 15 % đến năm 2030.

Theo GS.Nguyễn Văn Đệ, việc tự quyết định trong xây dựng, ban hành, công khai giá viện phí tại các cơ sở y tế tư nhân, nhìn chung không ảnh hưởng tới quyền lợi người bệnh, phù hợp với quy luật cung cầu trong cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh. Người bệnh có quyền tự lựa chọn dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cá nhân.

Trường hợp giá dịch vụ khám, chữa bệnh của một cơ sở y tế đưa ra không hợp lý, bệnh nhân có quyền lựa chọn cơ sở y tế khác để sử dụng dịch vụ. Do đó, GS.Nguyễn Văn Đệ đề xuất dự thảo luật quy định theo phương án 2. 

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/y-te-tu-nhan-can-tu-quyet-trong-xay-dung-cong-khai-gia-vien-phi-a5550.html