Hà Nội: Cây xăng hết hàng giữa chừng, nhiều xe phải quay đầu

Đúng giờ tan tầm, nhiều ô tô phải quay đầu, không thể nạp nhiên liệu vì cây xăng thông báo hết xăng giữa chừng.

Đó là cây xăng Mipec, gần khu vực chợ Nam Trung Yên, khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Anh Hoàng Dương (ở Nguyễn Xiển, Hà Đông) cho biết, 17h ngày 30/8, trong khi vào đổ đầy bình cho ô tô của mình tại cây xăng này thì nhân viên bất chợt dừng bơm xăng đột ngột và trả lại anh 230.000 đồng với lý do hết xăng A95.

Ngay sau đó, rất nhiều xe đang xếp hàng phải quay đầu, không ít người trong số đó đã phải chờ gần 30 phút. Khi được hỏi, một nhân viên ở đây cho biết, không nắm được nguyên nhân vì sao cây xăng hết hàng dự trữ.

Hà Nội: Cây xăng hết hàng giữa chừng, nhiều xe phải quay đầu - Ảnh 1.

Một cây xăng hết hàng giữa chừng khi đang phục vụ khách.

Hà Nội: Cây xăng hết hàng giữa chừng, nhiều xe phải quay đầu - Ảnh 2.

Cây xăng dán biển thông báo hết xăng.

Trong khi đó, theo quan sát của PV VTC News, tại các cây xăng trên đường Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy) lượng xe máy và ô tô đến đổ xăng rất đông. Chị Thùy Dương (ở Mỹ Đình, Nam Từ Liêm) nói, trước thông tin dự báo ngày 1/9 tới, giá xăng dầu sẽ tăng giá, cùng với việc nhiều cây xăng khan hàng, chị đã tranh thủ đổ đầy bình trước kỳ nghỉ lễ 2/9.

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu than rằng, với mức chiết khấu 100 - 150 đồng/lít như hiện nay và sự khan hiếm nguồn cung, họ càng làm càng lỗ. Thêm vào đó, giá xăng dầu thế giới tăng giảm thất thường nên các đầu mối cũng hạn chế nhập hàng.

Anh Đỗ Khánh - chủ một đại lý bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội - cho hay, mức chiết khấu đối với xăng, dầu hiện nay 100 - 150 đồng/lít trong khi chi phí vận tải, kho bãi, nhân viên, điện nước...cao nên việc nhận xăng tại kho bị lỗ nặng.

Cụ thể, chi phí vận tải thường là 100 - 200 đồng/lít, chi phí nhân viên là 300-400 đồng/lít, chi phí hoạt động là 200 - 300 đồng/lít. Như vậy, tổng các chi phí này là 600 - 900 đồng/lít.

“Nếu mức chiết khấu 600 - 900 đồng/lít thì các đại lý như chúng tôi mới chỉ hoà vốn, không có lãi. Còn với mức chiết khấu 100 - 150 đồng/lít như hiện nay, thậm chí ngày 25/8 mức chiết khấu chỉ còn 80 đồng/lít thì các đại lý sẽ lỗ nặng. Đại lý nào càng bán nhiều thì càng lỗ”, anh Khánh chia sẻ.

Cũng theo anh Khánh, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang rơi vào thế khó khi bị đứt nguồn cung. Đại lý của anh nếu lấy được xăng dầu đến cửa hàng thì bị âm 150 đồng/lít tiền vận chuyển từ kho ở Hải Phòng về, chưa kể tiền nhân công, điện, nước...Đặc biệt, muốn nhập được hàng, anh Khánh phải báo trước 2 ngày nhưng chưa chắc có hàng.

Trong khi đó, lý giải điều này, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho rằng, các doanh nghiệp đầu mối nhập hàng về cũng bị lỗ nên giá bán buôn buộc phải cao hơn cả giá bán lẻ từ 2.500 - 2.700 đồng/lít, hoặc giảm nhập hàng vào, nên các đại lý phải chấp nhận mức "chiết khấu âm" hoặc không mua được hàng.

Bộ Công Thương lập khẩn 3 đoàn công tác kiểm tra thị trường xăng dầu

Ngày 30/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo thành lập 3 đoàn công tác để kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu ở 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Đoàn công tác có nhiệm vụ kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu bao gồm cả thương nhân, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu…

Tuy nhiên, theo ông Diên, quá trình kiểm tra, các đoàn công tác không được gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp hoạt động bình thường, chấp hành đúng pháp luật, chỉ tập trung vào những đơn vị làm không đúng, có dấu hiệu vi phạm, thoái thác nhiệm vụ, nghĩa vụ cung ứng xăng dầu.

Hoạt động của các đoàn công tác không chỉ thể hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước tới lĩnh vực kinh doanh xăng dầu mà thông qua việc thực hiện giám sát để “truy” gốc rễ vấn đề, từ có có những giải pháp tháo gỡ phù hợp, kịp thời.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng giao cho Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường các địa phương phối hợp với các đoàn công tác, xử lý nghiêm minh các sai phạm.

"Hiện chúng ta khẳng định là không thiếu nguồn thì tại sao lại không có nguồn, đến cửa hàng thì phải đi vào tận nơi để làm cho rõ", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trên diễn đàn về xăng dầu, nhiều cửa hàng, đại lý cho rằng, mức hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu chỉ 0 đồng khiến doanh nghiệp bán lẻ rơi vào thua lỗ. Không những thế, nguồn hàng lại khó nhập, khiến nhiều đại lý xăng dầu khó chồng khó.

Thêm nữa, quy định đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng của một nhà phân phối khiến các đại lý xăng dầu tư nhân bị động về nguồn cung. Do đó, doanh nghiệp bán lẻ cho rằng cơ quan quản lý cần cho phép đại lý bán lẻ được mở rộng quyền mua từ 2 nhà cung cấp trở lên, giúp đa dạng nguồn hàng, kho đầu mối này đứt nguồn họ có thể nhập kho đầu mối khác, tránh tình trạnh đứt nguồn buộc đóng cửa…

Trước thực trạng này, nhiều cửa hàng, đại lý kinh doanh bán lẻ xăng dầu "dọa" sẽ nghỉ bán hoặc bán cầm chừng để tránh rơi vào cảnh thua lỗ nặng.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/ha-noi-cay-xang-het-hang-giua-chung-nhieu-xe-phai-quay-dau-a5502.html