Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến giữa tháng 6/2023, thành phố ghi nhận gần 400 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Hà Đông, Thạch Thất, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Thanh Oai, Tây Hồ, Thanh Trì và Cầu Giấy. Qua theo dõi, đánh giá tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên thế giới, tại Việt Nam cũng như ở Hà Nội trong nhiều năm qua, Sở Y tế Hà Nội nhận định, dịch bệnh này năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp và công tác phòng, chống còn nhiều khó khăn.
Theo ghi nhận tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, năm nay, dịch sốt xuất huyết đến sớm hơn mọi năm. Ngay từ đầu tháng 5-6, Trung tâm đã tiếp nhận rải rác các bệnh nhân nhập viện vì sốt xuất huyết.
Theo phân tích của Sở Y tế Hà Nội, điều kiện khí hậu hiện nay, nắng lắm, mưa nhiều tạo thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh là muỗi vằn sinh sôi, phát triển. Thêm vào đó, nhiều nơi còn xả rác thải chưa đúng nơi quy định, phế liệu đọng nước chưa được thu gom… Người dân có thói quen tích trữ nước mưa, nước sinh hoạt, nước tưới cây trong các bể xây, thùng phi, xô, chậu… hay trồng cây cảnh, hòn non bộ đã vô tình tạo ra môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và bọ gậy phát triển.
TS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Côn trùng giới thiệu về bảo tàng công trùng học phục vụ cho nghiên cứu tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương
TS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, cảnh báo: “Những năm gần đây, sốt xuất huyết không còn quy luật cứ 4-5 năm lại xuất hiện một đợt đỉnh dịch, thay vào đó dịch căng thẳng hằng năm do thời tiết có mưa-nắng thất thường. Đặc biệt, năm 2023, hiện tượng EI Nino khiến thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều dẫn đến sốt xuất huyết sẽ gia tăng”.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần phòng tránh bị muỗi đốt. Theo đó, đặc biệt phải vệ sinh môi trường, nhà ở, không cho muỗi đẻ trứng, kết hợp các biện pháp diệt loăng quăng bọ gậy. Hiện nay, thời tiết bước vào đầu mùa mưa, cần tiến hành phun muỗi tại những nơi có phát hiện ca bệnh tránh dịch bệnh lan rộng.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh, vệ sinh môi trường trong phòng, chống sốt xuất huyết đòi hỏi yêu cầu cao hơn. Cùng với đó, công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết chỉ ngành y tế vào cuộc là chưa đủ. Nếu như người dân hiểu rõ về cơ chế lây truyền bệnh và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống theo hướng dẫn của cơ quan y tế thì hoàn toàn có thể ngăn chặn được sự gia tăng dịch bệnh.
Các bác sĩ cũng lưu ý, người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản như NS1Ag để phát hiện sốt xuất huyết sớm từ những ngày đầu tiên. Nếu đúng sốt xuất huyết, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết phải nhập viện nếu không có chỉ định, tránh dẫn đến quá tải bệnh viện.
Sốt xuất huyết là bệnh cấp tính, do virus Dengue gây ra. Với thể nhẹ có thể tự điều trị tại nhà nhưng phải được chẩn đoán theo dõi bởi các nhân viên y tế.
Thể nhẹ nghĩa là chỉ có sốt ngày thứ 1, thứ 2 chưa có biến chứng. Bệnh nhân điều trị tại nhà bằng thuốc giảm đau, hạ sốt.
Thường vào ngày thứ 5-7 là giai đoạn bệnh có thể tiến triển nặng. Cần chú ý theo dõi các dấu hiệu như chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài phân đen hoặc có biểu hiện nặng hơn như chân tay lạnh, đau bụng, buồn nôn và tụt huyết áp, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế.
Một điểm đáng lưu ý, bệnh nhân sốt xuất huyết thường sốt cao liên tục từ 2 đến 7 ngày, nếu quá sốt ruột mà dùng thuốc hạ sốt không theo chỉ dẫn sẽ khiến gan dễ bị tổn thương và tăng nguy cơ chảy máu. Để hạ sốt chỉ dùng paracetamol, không dùng aspirin và ibuprofen vì 2 loại thuốc này sẽ khiến việc chảy máu do sốt xuất huyết trầm trọng hơn.
Người mắc sốt xuất huyết thường sốt rất cao khiến cơ thể mệt mỏi, trong thời gian này nên dùng các loại dung dịch sau để bù nước:
- Dung dịch Oresol (ORS): Nên pha với nước đun sôi để nguội theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Không thêm đường vào dung dịch sau khi pha, không chia nhỏ gói ORS để pha thành nhiều lần cũng như pha quá đậm đặc, vì sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng;
- Nước trái cây: Bệnh nhân có thể dùng các loại nước trái cây như nước cam, nước chanh, nước dừa. Nước trái cây vừa có tác dụng cung cấp nước và chất điện giải, vừa có chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu, giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng tính vững bền của thành mạch, từ đó giảm nguy cơ xuất huyết;
- Nước lọc: Bệnh nhân sốt xuất huyết cần bù đủ nước trong điều trị sốt xuất huyết, tập trung nghỉ ngơi và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.
Bệnh nhân sốt xuất huyết không nên kiêng quá nhiều. Để sớm hồi phục nên ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo, súp, tránh những thức ăn có nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng và các loại đồ uống có gas...
Sau khi khỏi sốt xuất huyết bệnh nhân sẽ có miễn dịch tạm thời, tuy nhiên miễn dịch này không bền vững và virus dengue có 4 tuýp huyết thanh nên nếu có dịch xảy ra trong những năm sau bệnh nhân vẫn có khả năng mắc lại.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/sot-xuat-huyet-pha-vo-quy-luat-4-5-nam-moi-co-mot-dinh-dich-a54722.html