Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến giữa tháng 6/2023, thành phố ghi nhận gần 400 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Hà Đông, Thạch Thất, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Thanh Oai, Tây Hồ, Thanh Trì và Cầu Giấy.
Qua theo dõi, đánh giá tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên thế giới, tại Việt Nam cũng như ở Hà Nội trong nhiều năm qua, Sở Y tế Hà Nội nhận định, dịch bệnh này năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp và công tác phòng, chống còn nhiều khó khăn.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết trong thời gian gần đây, Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương nhận định, dự báo về tình hình dịch bệnh trong thời gian tới cũng như những quan niệm sai lầm trong phòng, chống sốt xuất huyết.
Dấu hiệu cảnh báo không chủ quan
NĐT: Thưa ông, xin ông cho biết dịch bệnh sốt xuất huyết những tháng đầu năm đang diễn biến như thế nào?
TS. Nguyễn Văn Dũng: Năm 2022 là năm đỉnh dịch sốt xuất huyết trong lịch sử vừa số ca mắc và số ca tử vong. Theo thống kê sơ bộ, 6 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận khoảng 40.000 ca sốt xuất huyết, trong đó có 8 ca tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca bệnh giảm gần 50%, số ca tử vong giảm 41 trường hợp.
Đây là số liệu đáng mừng nhưng chúng ta không được chủ quan bởi dịch đang cho thấy những diễn biến phức tạp.
Mặc dù số ca bệnh giảm chung trên cả nước và ở miền Nam, nhưng miền Bắc lại phức tạp hơn cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ trong quý I và quý II, miền Bắc ghi nhận hơn 1.100 ca, tức là tăng hơn 60% so với năm trước. Hà Nội hiện đang là điểm nóng nhất về sốt xuất huyết dengue ở miền Bắc với khoảng 500 ca mắc.
Theo dự báo, bắt đầu từ thời điểm này đến tháng 11 đỉnh dịch sốt xuất huyết sẽ tăng cao.
NĐT: Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến số ca mắc sốt xuất huyết tăng, thưa ông?
TS. Nguyễn Văn Dũng: Thời tiết ở miền Bắc nói riêng và thế giới nói chung thay đổi nóng, mưa thất thường. Đây chính là cơ hội cho muỗi sốt xuất huyết phát triển rất mạnh. Bởi, khi mưa nhiều sẽ tạo ra nhiều ổ bọ gậy, muỗi sinh sản nhiều, mật độ muỗi cao dẫn đến khả năng tiếp xúc con người truyền sang người cao hơn.
Thêm nữa, miền Bắc năm nay nắng nóng, kiểu thời tiết này khiến chu kỳ của muỗi rút ngắn. Vòng đời từ trứng đến trưởng thành sẽ rút ngắn lại, khoảng 7-9 ngày. Khi vòng đời ngắn lại thì khả năng sinh sản sẽ nhiều hơn, tăng mật độ tiếp xúc với con người. Chỉ cần nguồn bệnh là sẽ bùng phát.
Mùa đông hiện tại ở miền Bắc cũng không lạnh như trước đây. Do đó, chúng tôi dự báo trong thời gian tới sẽ có nguy cơ rất cao bùng phát các đợt dịch.
NĐT: Chu kỳ sốt xuất huyết thường là 4-5 năm có một đợt dịch lớn. Chúng ta vừa trải qua năm 2022 dịch sốt xuất huyết bùng nổ trên cả nước đúng với chu kỳ này. Với điều kiện thời tiết như bây giờ thì chu kỳ này có thay đổi?
TS.Nguyễn Văn Dũng: Trước đây, đúng là dịch sốt xuất huyết ở nước ta diễn biến theo chu kỳ 4-5 năm. Tuy nhiên, hiện nay quy luật này đang có dấu hiệu bị phá vỡ. Điều này có thể thấy rõ trong diễn biến dịch sốt xuất huyết của năm trước và 6 tháng đầu năm nay.
Thông thường dịch sốt xuất huyết sẽ bắt đầu tăng dần từ tháng 4 và lên đến đỉnh vào tháng 10, 11 (trùng với thời điểm mùa mưa). Ở thời điểm này năm 2022, dịch sốt xuất huyết dengue có dấu hiệu tăng dần.
Năm nay, diễn biến dịch trong giai đoạn tháng 1, 2, 3 lại cao hơn năm 2022 nhưng đến tháng 6-7 lại giảm so với tổng thể năm ngoái.
Dịch sốt xuất huyết hiện cũng đang có dấu hiệu "đảo chiều" so với năm 2022. Miền Nam có số lượng ca mắc giảm hơn một nửa so với năm ngoái. Trong khi đó ở miền Bắc có dấu hiệu gia tăng.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên so sánh số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết năm nay so với năm 2022. Vì đó là năm có tỉ lệ mắc và tử vong do sốt xuất huyết cao đột biến ở Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy dịch sốt xuất huyết bây giờ diễn biến tùy từng vùng, tùy từng miền. Đặc biệt, phụ thuộc vào điều kiện thực tế và thời tiết, năm nay có hiện tượng EL Nino.
Các nhà khoa học để ý rằng các năm có EL Nino nhiệt độ thường cao và những năm đó thì ở Việt Nam sốt xuất huyết đều cao. Cho nên, đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo chúng ta không chủ quan.
Mắt xích quan trọng phòng dịch sốt xuất huyết
NĐT: Nhiều người thường nghĩ rằng, sốt huyết chỉ xuất hiện ở ngoại ô, nhiều ao tù, nước đọng, bụi rậm. Sống ở đô thị, nhà cao tầng thì không có muỗi, nguy cơ mắc bệnh ít, điều này có đúng?
TS.Nguyễn Văn Dũng: Đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm và trái ngược với diễn biến dịch.
Theo đó, muỗi Aedes - vector truyền bệnh - là muỗi "sang chảnh", muỗi "thành phố". Chúng không đẻ trứng ở ao tù nước đọng mà chỉ đẻ ở vùng nước sạch. Do đó, những vật dụng của người dân vô tình chứa nước sạch như: nước mưa, nước điều hòa, tủ lạnh… sẽ là ổ đẻ của muỗi.
Mật độ đô thị càng đông đúc, muỗi càng phát triển. Càng nội đô thì khả năng bị sốt xuất huyết càng cao do mật độ muỗi rất cao.
Như dịch năm trước, các ca bệnh ở Hà Nội tập trung chủ yếu ở các quận nội thành. Các huyện, xã ngoại thành bao giờ số ca sốt xuất huyết ghi nhận cũng thấp hơn.
NĐT: Theo ông, trước tình hình dịch bệnh được dự báo sẽ tiếp tục leo thang, chúng ta cần phải làm gì để đối phó với dịch sốt xuất huyết?
TS. Nguyễn Văn Dũng: Trong 2 năm trở lại đây nhiệm vụ phòng chống sốt xuất huyết được giao hoàn toàn cho chính quyền các tỉnh, thành tự chủ động.
Về phía Bộ Y tế sẽ có vai trò đưa ra các hướng dẫn quốc gia về phòng chống dịch sốt xuất huyết dựa trên tham mưu của các cơ quan chuyên trách, trong đó có các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng.
Công tác phòng chống sốt xuất huyết rất phức tạp. Chỉ riêng lực lượng y tế sẽ không thể đáp ứng đủ. Do đó, chiến lược hiện nay là đề cao vai trò chính quyền, từ UBND cấp tỉnh đến quận, huyện và xã, phường, thị trấn.
Như vậy, các địa phương có thể chủ động trong việc huy động nguồn lực phù hợp để đối phó linh hoạt với diễn biến dịch đang xảy ra.
Tôi nhấn mạnh, đối với sốt xuất huyết, vai trò của người dân là đặc biệt quan trọng.
NĐT: Hiện có rất nhiều quảng cáo phun thuốc diệt muỗi, theo ông người dân nên lựa chọn thuốc diệt muỗi như thế nào để không gây hại cho sức khỏe?
TS. Nguyễn Văn Dũng: Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều hóa chất diệt muỗi, tuy nhiên người dân không nên tự mua về phun. Người dân có nhu cầu diệt muỗi nên liên hệ các đơn vị y tế dự phòng ở địa phương, không sử dụng các loại hóa chất không rõ ràng, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và kháng thuốc ở muỗi.
Về cơ bản biện pháp phun xịt hóa chất chỉ có hiệu quả trong 1-2 tiếng là khuếch tán hết ra môi trường và không còn tác dụng.
Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết. Hóa chất chỉ diệt được những con trưởng thành trong thời điểm đó. Nếu bọ gậy vẫn còn lại thì chỉ vài tiếng sau sẽ nở ra và bắt đầu chu kỳ tấn công con người mới.
Để phòng chống triệt để sốt xuất huyết, điều quan trọng nhất là người dân cần loại trừ nơi sinh sống của bọ gậy: Vệ sinh môi trường trong và xung quanh nhà, lật úp các dụng cụ không cần thiết để tránh nước đọng vô tình thành ổ đẻ cho muỗi.
Không chỉ có biện pháp phòng bệnh mà thời gian tới đây vắc-xin chữa sốt xuất huyết đang xin thủ tục để đăng ký cấp phép tại Việt Nam. Vắc-xin của một hãng sản xuất thuốc tại Nhật Bản mang lại hiệu quả tốt, vừa qua cũng đã được các nước châu Âu cấp phép.
NĐT: Vậy từ cuộc chiến chống dịch Covid-19, xin ông cho biết công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết có thể kế thừa những kinh nghiệm, bài học nào?
TS Nguyễn Văn Dũng: Vừa qua, các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Pasteur và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng đã tham mưu Bộ Y tế xây dựng lại hướng dẫn phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Bản hướng dẫn trước đã được Bộ Y tế ban hành khá lâu, từ năm 2014, nên cần một hướng dẫn mới để phù hợp với những diễn biến phức tạp của dịch hiện nay.
Một trong những điểm mới nhất mà các cơ quan tham mưu đã thống nhất đưa ra chính là thành lập "Tổ sốt xuất huyết cộng đồng". Đây là mô hình được học tập từ "Tổ Covid-19 cộng đồng" đã phát huy được tính hiệu quả trong cuộc chiến chống dịch.
Tổ trưởng là Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND xã, phường, khi có bất kỳ diễn biến nào của dịch, tổ sẽ ra quân để vệ sinh môi trường.
Ngoài ra, thành viên trong tổ sẽ đến từng hộ gia đình trong phạm vi phụ trách để phối hợp kiểm tra và loại bỏ nơi sinh sản tiềm năng của muỗi.
Chúng tôi kỳ vọng tổ sốt xuất huyết cộng đồng khi được hiện thực hóa sẽ phát huy hiệu quả vai trò của mình.
NĐT: Xin cảm ơn ông!.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/chuyen-gia-ly-giai-nguyen-nhan-dich-sot-xuat-huyet-pha-vo-quy-luat-a54596.html