Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, kỳ họp lần thứ 4 của HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế khóa VIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.
Một trong những nội dung đáng chú ý của kỳ họp này là báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế giai đoạn 2016-2021. Trong đó, chỉ ra nhiều bất cập cũng như nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc trong quản lý khai thác khoáng sản ở Thừa Thiên - Huế.
Theo báo cáo từ bà Dương Thị Thu Truyền, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong giai đoạn 2016 - 2021, địa phương đã khoanh định 86 khu vực mỏ khoáng sản, với tổng diện tích hơn 1.319 ha. Tỉnh đã cấp 29 giấy phép thăm dò khoáng sản, 40 giấy phép khai thác khoáng sản với tổng diện tích 294 ha, trữ lượng địa chất khoảng hơn 14 triệu m3. Hiện, toàn tỉnh có 65 mỏ khoáng sản đang hoạt động khai thác.
Dù kết quả thu ngân sách Nhà nước qua hoạt động khai thác khoáng sản tăng đều qua các năm, song các vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản lại diễn ra nhiều. Những năm qua, thông qua hoạt động thanh kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện 1.353 vụ vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản, với tổng số tiền xử phạt là 14,5 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu như khai thác vượt độ sâu, không thực hiện đúng nội dung phê duyệt đánh giá tác động môi trường, không có công trình bảo vệ môi trường, khai thác cát, sỏi dưới lòng sông… Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng tiến hành thanh kiểm tra và xử phạt 60 đơn vị hoạt động trái phép, truy thu 16,5 tỷ đồng.
Báo cáo kết quả giám sát của HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ rõ nhiều hạn chế trong hoạt động khai thác khoáng sản hiện nay trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, hầu hết các địa phương chưa thực hiện báo cáo định kỳ về hoạt động khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010; phần lớn các doanh nghiệp khai thác khoáng sản sử dụng máy móc cũ, công nghệ lạc hậu; một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định; tình trạng cắm mốc ranh giới khai thác không đúng với giấy phép khai thác được cấp và khai thác ngoài phạm vi cho phép.
Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 15 khu vực mỏ hết thời gian khai thác nhưng doanh nghiệp chưa lập đề án đóng cửa mỏ trình UBND tỉnh phê duyệt. Một số trường hợp chưa hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, thuê đất nhưng đã tiến hành khai thác khoáng sản.
Việc kiểm tra vật liệu nổ để khai thác khoáng sản còn bị buông lỏng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản chưa hỗ trợ nâng cấp, duy tu hạ tầng giao thông nông thôn, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển khoáng sản, gây bức xúc trong nhân dân.
Ở huyện Phong Điền, các khu vực được cấp phép thăm dò khai thác, dự trữ khoáng sản chồng lấn với những quy hoạch khác, với đất nghĩa trang, khu vực dân cư hiện hữu. Vấn đề Công ty cổ phần xi măng Đồng Lâm khai thác đá vôi ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền gây ra tình trạng sụt lún đất, làm mất nguồn nước ngầm ảnh hưởng đến sản xuất lúa, nhà của người dân nhiều năm qua chưa được giải quyết dứt điểm.
Bên cạnh đó, bất cập đối với những mỏ đất được chỉ định thầu phục vụ các công trình trọng điểm đang dôi dư trữ lượng khai thác nhưng không được phép tiêu thụ cho các công trình khác, gây lãng phí tài nguyên…
Báo cáo cũng nói rõ, nguyên nhân của thực trạng trên là do công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực thi pháp luật đối với các tổ chức, doanh nghiệp và người dân về hoạt động khoáng sản hiệu quả chưa cao. Sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương về quản lý khoáng sản chưa chặt chẽ; việc điều tra cơ bản về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh chưa toàn diện, độ tin cậy của số liệu chưa cao. Hiện nay, mức ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của doanh nghiệp khai thác khoáng sản còn thấp, chiếm từ 1-3% tổng mức đầu tư nên các đơn vị này chưa thực hiện nghiêm túc cam kết bảo vệ môi trường,…
Tại phiên họp, đại diện đoàn giám sát của HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị Quốc hội cần rà soát, sửa đổi Luật Thuế tài nguyên đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất phù hợp thực tiễn. UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, bổ sung các khu vực có trữ lượng khoáng sản vào quy hoạch thăm dò; cần tăng cường quản lý Nhà nước về lĩnh vực này; ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ để khai thác hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường…
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế trong quá trình lập quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản cần kết hợp quy hoạch các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động khai thác; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác tại các mỏ đã cấp phép; phối hợp Sở Tài chính tham mưu điều chỉnh tăng mức phí ký quỹ bảo vệ môi trường; rà soát trữ lượng của các mỏ hết thời gian khai thác để sớm tham mưu cho tỉnh cấp quyền khai thác phục vụ nhu cầu xây dựng hiện nay.
Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế cần điều chỉnh việc khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo hướng không quy định cụ thể công trình sử dụng ngân sách Nhà nước cần cung cấp vật liệu mà chỉ cần quy định theo lĩnh vực…
Lê Kông
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/vi-sao-khai-thac-khoang-san-o-thua-thien-hue-con-nhieu-bat-cap-a527.html