Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, tính đến ngày 20/8, trên địa bàn tỉnh có 19 cơ quan, đơn vị chưa thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, gồm: Sở Y tế, Ban QLDA ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nghệ An, Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An, Công ty TNHH MTV thuỷ lợi Tây Bắc Nghệ An, Công ty TNHH Thuỷ lợi Phủ Quỳ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Công Thương, Bệnh viện đa khoa huyện Đô Lương, Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, Trường THPT Thanh Chương 3, Đảng uỷ khối các cơ quan tỉnh Nghệ An, Sở Nội vụ, Trường Đại học Y khoa Vinh....
Bên cạnh đó, có 30 cơ quan, đơn vị đã thực hiện giải ngân, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân chung của tỉnh (dưới 33,95%). Trong đó có: 18 huyện, thành, thị xã và 12 đơn vị chủ đầu tư (ngoài huyện).
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công của toàn tỉnh, theo số liệu mới nhất từ báo cáo tại buổi làm việc với Tổ công tác số 6 của Chính phủ vào ngày 25/8 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh cho biết, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2022 tỉnh Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 10.685 tỷ đồng. Tính đến ngày 25/8, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 35,72% kế hoạch, nếu không tính Chương trình mục tiêu quốc gia mới được giao đã giải ngân đạt hơn 40% kế hoạch. Ước 8 tháng năm nay, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Nghệ An đạt 50,6%.
Theo Phó Chủ tịch Lê Hồng Vinh, nguyên nhân vốn đầu tư công giải ngân chậm là do nhiều dự án khởi công mới nên các bước thủ tục đầu tư, thẩm định, giải phóng mặt bằng... mất rất nhiều thời gian. Giá vật liệu xây dựng tăng đột biến dẫn đến dự toán vượt so với tổng mức đầu tư được duyệt, dẫn đến điều chỉnh đầu tư nên chậm. Bên cạnh đó, giá đất thị trường cao hơn giá đất nhà nước thu hồi nên một số người dân chưa đồng thuận... Song, Nghệ An cam kết quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2022.
Kiên quyết cắt giảm vốn các dự án không có khả năng giải ngân vốn
Tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Tổ trưởng Tổ công tác số 6 nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng mà còn góp phần kiềm chế lạm phát. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải coi giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, nếu như không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công thì phải kiểm điểm người đứng đầu, đồng thời thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án, các sở chuyên ngành rà soát các vướng mắc liên quan các chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức triển khai các dự án đầu tư công, gây ách tắc trong giải ngân; đề xuất các giải pháp sửa đổi để gửi các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách cho phù hợp.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ được thực hiện theo phương châm “nói là làm”, do đó, kiên quyết cắt giảm vốn các dự án không có khả năng giải ngân vốn, nhất là những dự án được bố trí vốn kế hoạch năm 2022 nhưng đến nay chưa giải ngân vốn để bố trí cho các dự án đã quyết toán, các dự án đã hoàn thành nhưng còn thiếu vốn, các dự án có tiến độ giải ngân tốt, đúng quy định pháp luật.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/nghe-an-diem-ten-cac-don-vi-chua-giai-ngan-von-dau-tu-cong-a5187.html