Giới chuyên gia nhận định, nếu xét trên phương diện kinh tế, không thể phủ nhận ông Abe đã để lại dấu ấn đậm nét với chính sách Abenomics (Abe và Ecomomics), hay nói cách khác chính nó đã giúp Nhật Bản thành công vực dậy nền kinh tế sau hơn hai thập kỷ trì trệ.
Chia sẻ trong buổi talkshow ngày 17/7 với chủ đề “Abenomics và các hàm ý cho Việt Nam", PGS.TS Võ Đình Trí, giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM và IPAG Business School Paris nhận định: “Trước khi cựu Thủ tướng Abe Shinzo bị ám sát, sau khi hết nhiệm kỳ vào năm 2020, theo đánh giá chung của các nhà đầu tư, nghiên cứu, người làm kinh tế về Abenomics là cái nhìn tích cực và ủng hộ”.
Cải tổ gắn liền với sự linh hoạt
Theo đó, PGS.TS Võ Đình Trí cho biết, Abenomics là chương trình kinh tế tập trung triển khai theo 3 mũi tên.
Mũi tên thứ nhất, chính sách tiền tệ nới lỏng. Nhằm duy trì mức tăng cung tín dụng và lãi suất thấp cho nền kinh tế Nhật Bản. Thậm chí, đã có những lúc lãi suất điều hành là con số âm.
“Khi duy trì lãi suất luôn thấp như vậy, doanh nghiệp sẽ có nhiều động lực đầu tư cho sản xuất, kinh doanh; người dân theo đó cũng tăng chi tiêu liên quan đến lãi suất tín dụng như mua nhà, mua xe", ông Trí giải thích.
Mũi tên thứ hai, chính sách tài khóa, tăng đầu tư công và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp qua thuế. Cụ thể, đó là sự gắn liền với cụm từ “flexible" (tính linh hoạt), có những lúc sẽ tăng chi tiêu Chính phủ lên và giảm thuế cho doanh nghiệp, nhưng có những giai đoạn lại thắt chặt hơn: tăng thuế, ví dụ như thuế VAT đã được điều chỉnh tăng lên gấp đôi từ 5% lên 10%, thực hiện qua 2 lần.
Về vấn đề này, theo bà Nguyễn Việt Hà, COO Metaminds, có 20 năm kinh nghiệm sinh sống và làm việc tại Nhật Bản cho rằng, có nhiều thời điểm Abenomics đã phải dựa trên tình hình thực tế rất nhiều, để đạt được độ linh hoạt nhất định trong các chính sách của mình.
Ví dụ như câu chuyện về thuế. Thuế pháp nhân có được giảm, nhưng thuế tiêu dùng lại tăng theo nhiều giai đoạn, gây nên nhiều ý kiến trái chiều tại đất nước Nhật. Bà Hà giải thích thêm, ủng hộ dựa trên suy nghĩ, nếu không có tiền hoặc đi vay, để khoản nợ cho con cháu gánh trong tương lai là điều nguy hiểm cho tài khoá; tuy nhiên, nếu tăng thuế quá nhiều sẽ “bóp nghẹt" tiêu dùng, cũng như sức mua của người dân cũng là điều phải cân nhắc.
Ở mũi tên thứ ba, cải tổ mang tính cấu trúc trong kinh tế Nhật Bản. Đặc biệt, về lao động, việc làm đối với phụ nữ và người lao động nước ngoài tại Nhật. Theo đó, ông Abe đã có những cải cách mang tính hệ thống nhằm gia tăng sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế - xã hội Nhật Bản, tự do hoá thị trường lao động.
Như vậy, nhìn chung những chỉ số vĩ mô của Nhật Bản dưới thời của ông Abe là tích cực. Cụ thể hơn, Abenomics đã trao cơ hội cho nền kinh tế Nhật tăng trưởng GDP trở lại, vấn đề thiểu phát đã được giải quyết. Bên cạnh đó, cán cân thương mại của Nhật Bản đã cải thiện nhiều hơn, tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp…
Câu chuyện ứng với Việt Nam
“Nếu chấm trên thang điểm 10, giới chuyên gia phương Tây đánh giá Abenomics ở thang 8/10”, PGS.TS Võ Đình Trí nhận xét về Abenomics.
Vậy điểm khiến Abenomics chưa hoàn hảo nằm ở đâu?
Ông Trí giải thích thêm, người ta vẫn thường nói, khi Abe bắt đầu, là lúc Nhật Bản bước vào một “Thập kỷ bỏ lỡ cơ hội". Dù đã thực hiện cải tổ rất nhiều, nhưng cũng không thể khiến mức lạm phát ở Nhật nhích lên để đem lại những ảnh hưởng tích cực cho nền kinh tế nói chung , ông Trí nhận định điều Abenomics chưa thể làm được.
Mặt khác, khi nói về “điểm sáng” nhất của Abenomics mà Việt Nam có thể học tập, PGS.TS Giang Thanh Long, Giảng viên Khoa Kinh tế học, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết nằm ở mũi tên thứ ba, trong bối cảnh Việt Nam cũng đang đối mặt với tình trạng tốc độ già hoá dân số nhanh.
“Quy chiếu lại Abenomics, để đạt được mũi tên thứ ba, một trong những vấn đề rất lớn mà các thế hệ Chính phủ Nhật Bản trước ông Abe đều rất quan tâm, đó là tốc độ già hoá dân số”, ông Long nói.
Do đó, bên cạnh hai mũi tên về tiền tệ và tài khoá, còn chủ trương đặc biệt đáng nói của Abenomics đó là an sinh xã hội cho mọi thế hệ. Chính bởi lí do đó, Abenomics không chỉ tập trung vào người cao tuổi mà tập trung vào cả trẻ em, người trong độ tuổi lao động, đặc biệt là phụ nữ.
Cụ thể, đối với chính sách cho người cao tuổi, Abenomics tập trung tăng cường hệ thống hưu trí, trợ giúp xã hội và vấn đề chăm sóc sức khỏe.
Mặt khác, “điểm sáng đặc biệt” trong chính sách an sinh xã hội đó là nâng cao quyền năng của phụ nữ trong hệ thống kinh tế, cụ thể, phụ nữ trong độ tuổi lao động - nguồn lao động quý giá của đất nước.
PGS. TS chỉ ra, chính sách lớn cho hai thành phần xã hội này có điểm liên kết đặc biệt quan trọng, bắt nguồn từ chính câu chuyện thực tế của Nhật Bản. Đó là, nhiều phụ nữ ở độ tuổi lao động phải rời bỏ lực lượng vì những lý do chăm sóc gia đình, bố mẹ già.
Hơn nữa, điều này cũng xảy ra ở đối tượng phụ nữ trong độ tuổi lao động có trình độ cao hơn nam giới cùng độ tuổi và khu vực sống. Do vậy, “Nếu như bỏ qua những lực lượng lao động như vậy là quá lãng phí", ông Long nhận định.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/viet-nam-co-the-hoc-hoi-gi-tu-diem-sang-cua-abenomics-a495.html