Nga - Ukraine đang trong thế “tiến thoái lưỡng nan”
Xung đột Nga - Ukraine chính thức bước sang tháng thứ 7, cuộc chiến đã gây ra những tổn thất lớn với Kiev, Moscow và cả thế giới, nhưng đôi bên vẫn chưa có dấu hiệu ngừng bắn. Giới chuyên gia nhận định, cả Nga và Ukraine đều tin rằng họ có thể tạo ra lợi thế quân sự, nên khó có khả năng xung đột sẽ sớm kết thúc.
Theo Giám đốc Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu Marie Dumoulin, sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đồng minh châu Âu cũng sẽ khiến một trong hai bên khó thoái lui hơn ở thời điểm hiện lại. "Mỗi bên nghĩ rằng họ vẫn có thể tạo ra lợi thế quân sự. Vì vậy, xung đột nhiều khả năng không kết thúc sớm", bà Dumoulin giải thích.
Giới chức phương Tây lo ngại chiến lược trang bị vũ khí cho Ukraine đang trở thành giải pháp ngắn hạn cho một vấn đề dài hạn: Một cuộc chiến chưa có điểm dừng. "Theo thời gian, phương Tây bàn giao cho Ukraine các hệ thống hiện đại hơn…, giúp Kiev trụ vững song lại kéo dài xung đột. Vũ khí giao cho Ukraine càng dồn dập, họ càng khó từ bỏ", một quan chức giấu tên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nói với đài CNN.
Với Moscow, thất bại là điều “không thể chấp nhận”, nhất là khi Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh cuộc xung đột hiện tại là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm chống lại điều ông mô tả là chiến lược mở rộng của NATO. Trong bài phát biểu hôm 22/8, ông Putin tuyên bố với cương vị là một đất nước hùng mạnh và độc lập, Nga sẽ chỉ theo đuổi những chính sách phù hợp với lợi ích quốc gia.
Thông điệp cứng rắn của Tổng thống Zelensky: “Ukraine đã tái sinh”
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 24/8 đã có bài phát biểu nhân dịp Quốc khánh lần thứ 31 của đất nước, tuyên bố Ukraine sẽ giành lại Crimea và các vùng khác đang bị Nga kiểm soát từ ngày 24/2.
"Một quốc gia mới đã xuất hiện trên thế giới vào ngày 24/2 lúc 4h sáng. Không phải là sinh ra, mà là tái sinh. Một quốc gia không khóc, không la hét hay sợ hãi. Một quốc gia đã không chạy trốn. Không bỏ cuộc. Và không quên", ông nói.
Nhà lãnh đạo 44 tuổi nói thêm: "Điều gì đối với chúng tôi là kết thúc của chiến tranh? Chúng tôi từng nói rằng đó là hòa bình. Nhưng bây giờ đối với chúng tôi, đó là một chiến thắng".
Nga: Nếu Ukraine tuân thủ thỏa thuận Minsk, sẽ không cần có chiến dịch quân sự
Các mục tiêu của Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đang được thực hiện một cách nhất quán và thành công, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya nhận định trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an ngày 24/8.
Theo ông, "cuộc chiến khiến nhiều dân thường thiệt mạng trong 8 năm qua này lẽ ra đã kết thúc nếu Kiev tuân thủ các Thỏa thuận Minsk". Đồng thời ông Vasily Nebenzya nhấn mạnh: “Tuy nhiên, không có nhà chức trách Ukraine nào và những nước ủng hộ Ukraine thực hiện điều này. Họ từng nói về điều này một lần nữa hồi đầu năm, đồng thời đe dọa sẽ từ bỏ tình trạng phi hạt nhân".
"Dựa trên các điều kiện này, để khôi phục hòa bình ở Donbass cũng như ngăn cản các mối de dọa với Nga từ Ukraine, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài tiến hành chiến dịch quân sự để phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, với những mục tiêu của chiến dịch đang được thực hiện thành công và nhất quán. Tôi sẽ lặp lại một lần nữa rằng: Nếu các thỏa thuận Minsk được tuân thủ, sẽ không cần có chiến dịch quân sự đặc biệt nào, nhưng chính quyền Kiev lại quyết định điều ngược lại", nhà ngoại giao Nga bình luận.
Nga tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine nhằm phi quân sự hóa và phi phát-xít hóa Ukraine. Nga đã nhiều lần khẳng định chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine chỉ phá hủy các cơ sở hạ tầng quân sự và dân thường sẽ không gặp nguy hiểm.
Phương Tây tung hàng loạt gói viện trợ mới cho Ukraine nhân dịp Ngày Độc lập
Mỹ và các nước phương Tây đã công bố hàng loạt gói viện trợ mới cho Ukraine trong dịp kỷ niệm Ngày Độc lập của nước này. Cụ thể, ngày 24/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden "tự hào" công bố gói viện trợ quân sự lớn nhất gần 3 tỷ USD cho Ukraine: "Tôi tự hào thông báo về chương trình hỗ trợ an ninh lớn nhất của chúng tôi cho đến nay. Khoảng 2,98 tỷ USD vũ khí và thiết bị sẽ được cung cấp theo Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI)".
Theo đó, Ukraine sẽ nhận được từ Mỹ 6 hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến NASAMS, 245.000 đạn pháo cỡ nòng 155mm, 65.000 đạn cối cỡ nòng 120mm, 24 radar phản pháo, các hệ thống máy bay không người lái (UAV) Puma, linh kiện hỗ trợ cho UAV Scan Eagle, tổ hợp thiết bị chống UAV VAMPIRE, tên lửa dẫn đường bằng tia laser, cùng ngân sách cho việc huấn luyện và bảo trì.
Hãng tin AP cho biết, kế hoạch viện trợ mới sẽ mua vũ khí từ ngành công nghiệp của Mỹ thay vì cung cấp chúng từ các kho dự trữ vũ khí hiện có của nước này. Tuy nhiên, quá trình này có thể mất nhiều thời gian, phụ thuộc vào tình trạng dây chuyền chế tạo vũ khí, năng lực xuất xưởng và khả năng điều chỉnh thời gian biểu của nhà sản xuất. "Mỹ cam kết tiếp tục sát cánh cùng người dân Ukraine trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ", Tổng thống Biden khẳng định.
Đây sẽ là gói viện trợ lớn nhất của Mỹ gửi tới Ukraine tính đến thời điểm này. Thời gian qua, Washington liên tục viện trợ vũ khí cho Ukraine để đối phó với Nga. Hôm 19-8, Mỹ cung cấp cho Ukraine thêm lô vũ khí gồm máy bay không người lái, tên lửa tốc độ cao chống bức xạ HARM, 1.000 tên lửa chống tăng Javelin, tổng giá trị 775 triệu USD.
Trước đó, Chính phủ Đức hôm 23/8 cho biết, Berlin sẽ viện trợ quân sự cho Kiev lên tới gần 500 triệu USD. Theo báo cáo của Công ty Deutsche Presse, khoản viện trợ quân sự mới sẽ bao gồm 3 bộ hệ thống phòng không tầm xa, hơn chục xe bọc thép và 20 bệ phóng tên lửa.
Cùng ngày, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng thông báo rằng sẽ cung cấp 3,85 triệu USD cho hai dự án của Ukraine để hỗ trợ sự phát triển của Lực lượng Cảnh sát Quốc gia Ukraine và các dịch vụ khẩn cấp khác, cũng như cung cấp cố vấn quân sự cho bộ Quốc phòng đất nước Đông Âu này.
Thủ tướng Anh lần thứ ba tới Ukraine
Thủ tướng Anh Boris Johnson có chuyến thăm bất ngờ tới Kiev vào ngày 24/8, ngày Quốc khánh của Ukraine và là cột mốc tròn 6 tháng Nga can thiệp quân sự vào nước này. Đây là chuyến công du lần thứ tư tới Ukraine của ông Johnson trong năm nay.
"Ukraine có thể và sẽ giành chiến thắng trong cuộc xung đột này", Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 24/8 nói khi tới Kiev gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky nhân dịp Ukraine kỷ niệm Ngày Độc lập.
Nhân dịp này, ông Zelensky trao tặng ông Johnson Huân chương Tự do - hình thức vinh danh của Ukraine dành cho những người giúp củng cố chủ quyền đất nước. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng lên tiếng cảm ơn ông Johnson vì sự ủng hộ "không khoan nhượng" đối với Kiev từ những ngày đầu chiến sự. Theo Hãng tin Reuters, ông Johnson được cho là một trong những nhà lãnh đạo của phương Tây ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất.
Chính phủ Anh cùng ngày công bố gói hỗ trợ mới 63,5 triệu USD cho Ukraine, bao gồm 2.000 máy bay không người lái và đạn tuần kích. "Anh sẽ tiếp tục đứng về phía những người bạn Ukraine", ông Johnson – người sẽ rời ghế Thủ tướng Anh trong vòng chưa đầy hai tuần nữa, viết trên Twitter.
Anh là nước tích cực ủng hộ Ukraine hàng đầu ở châu Âu, đã viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine 2,71 tỷ USD kể từ khi xung đột nổ ra. Thủ tướng Johnson là một trong những người lên tiếng phản đối mạnh mẽ nhất chiến dịch quân sự của Moscow, đặc biệt tại các diễn đàn lớn như hội nghị thượng đỉnh G7 hay NATO.
TÚ ANH (T/h)
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/tuong-lai-nao-cho-xung-dot-quan-su-nga-ukraine-a4944.html