2,33 triệu tỉ đồng dư nợ tín dụng và 150.000 tỉ đồng trái phiếu bất động sản

(NLĐO)- Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết đến tháng 5-2022, đã có 2,33 triệu tỉ đồng dư nợ tín dụng bất động sản; số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp về xây dựng, kinh doanh bất động sản là 154.050 tỉ đồng, tăng 18,7% so với cuối tháng 12-2021.

Ngày 14-7, tại Hội Nghị phát triển thị trường bất động sản (BĐS) an toàn, lành mạnh, bền vững, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết đến thời điểm 31-5-2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS là 2,33 triệu tỉ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm ngoái, đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, chiếm tỷ trọng 20,66% tổng dư nợ tín dụng chung đối với nền kinh tế.

2,33 triệu tỉ đồng dư nợ tín dụng và 150.000 tỉ đồng trái phiếu bất động sản - Ảnh 1.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết đến thời điểm 31-5-2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS là 2,33 triệu tỉ đồng - Ảnh: Nhật Bắc

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, trong số 2,33 triệu tỉ đồng dư nợ, tín dụng lĩnh vực BĐS tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng (1,55 triệu tỉ đồng, tăng 14,41%, chiếm tỷ trọng 66,3%), dư nợ tín dụng với mục đích kinh doanh BĐS là hơn 786 ngàn tỉ đồng, tăng 8,4% so với cuối năm ngoái và chiếm tỷ trọng 33,7% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS.

Đáng chú ý, theo Thống đốc, quy định hiện hành cho phép tổ chức tín dụng (TCTD) được trực tiếp mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có trái phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS.

Tính đến cuối tháng 5-2022, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của toàn hệ thống là 309.506 tỉ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm 2021, chiếm 2,74% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Trong đó, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực xây dựng, kinh doanh BĐS của toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 154.050 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 49,8% so với tổng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của toàn hệ thống, tăng 18,7% so với cuối tháng 12-2021.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS, chủ đầu tư dự án BĐS trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng. Do đó, tổ chức tín dụng còn thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Đến 31-5-2022, số dư bảo lãnh là 685.495 tỉ đồng, trong đó, số dư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là 18.304 tỉ đồng, tăng 5,96% so với cuối năm 2021.

Bà Nguyễn Thị Hồng thông tin: Năm 2022, NHNN định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, cao hơn mức tăng 13,61% trong năm 2021 và 12,17% năm 2020. Tính đến 30-6-2022, tín dụng đã tăng 9,35%, là mức cao hơn so với mức tăng của 6 tháng đầu năm của cả những năm trước đại dịch Covid-19. Cho tới thời điểm hiện nay, dù lạm phát đang chịu sức ép gia tăng trong thời gian tới, NHNN vẫn giữ chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 là 14%.

Cũng theo Thống đốc NHNN, nhu cầu tín dụng BĐS thường là với thời hạn trung và dài hạn (hiện nay khoảng 94% dư nợ có thời gian từ 10-25 năm), trong khi đó nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn với mức lãi suất thay đổi theo thị trường (khoảng 80% là tiền gửi ngắn hạn).

Từ đó, NHNN đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành rà soát, xem xét, đề xuất sửa đổi các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, thổi giá. Đặc biệt là rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thành lập các công ty xếp hạng tín nhiệm uy tín, nâng cao sự minh bạch trong hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán.

Hàng trăm doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu để huy động vốn

2,33 triệu tỉ đồng dư nợ tín dụng và 150.000 tỉ đồng trái phiếu bất động sản - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Về thực trạng phát hành trái phiếu của doanh nghiệp BĐS, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, trong 2 năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp BĐS đã lựa chọn kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn phục vụ hoạt động kinh doanh.

Hiện đã có trên 280 doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn, riêng năm 2021, có 174 doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu, chiếm 33,6% tổng khối lượng phát hành trái phiếu toàn thị trường.

Quy mô huy động vốn của các doanh nghiệp BĐS trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng tăng, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của nhóm BĐS từ năm 2019 đến nay khoảng 500 ngàn tỉ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp BĐS cũng đã huy động được gần 90 ngàn tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp.

Một số doanh nghiệp lớn, tình hình hoạt động tốt cũng đã mở rộng phát hành ra thị trường quốc tế với tổng khối lượng phát hành đạt 1.305 triệu USD trong giai đoạn 2019-2021.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, Bộ Tài chính nhận thấy bên cạnh những doanh nghiệp niêm yết đầu ngành có tỷ lệ dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trên vốn chủ sở hữu dưới 5%, còn một số doanh nghiệp là công ty chưa đại chúng, quy mô nhỏ nhưng có có hệ số nợ vay cao. Một số doanh nghiệp huy động vốn với lãi suất cao trong khi kỳ hạn trái phiếu phát hành chỉ khoảng 2-4 năm đặt ra vấn đề về khả năng cân đối vốn trong thời gian tới nếu tình hình thị trường gặp khó khăn.

Cùng với đó là công bố thông tin liên quan đến các dự án bất động sản còn thiếu, nhất là về pháp lý, do đó các nhà đầu tư rất khó đánh giá về chất lượng của các dự án đầu tư mà doanh nghiệp nêu tại bản công bố thông tin bao gồm cả các dự án đã, đang triển khai và dự án dự kiến sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu.

Các ngân hàng thương mại là nhóm nhà đầu tư lớn nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp BĐS. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân cũng nắm giữ khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp BĐS do các đặc điểm về lãi suất cao, kỳ trả lãi linh hoạt. Trong bối cảnh thị trường BĐS phát triển chưa bền vững sẽ có các rủi ro nhất định, kể cả đối với trái phiếu có tài sản đảm bảo.

Mặc dù hiện nay dư nợ trái phiếu doanh nghiệp BĐS mới tương đương khoảng 18,6% so với dư nợ tín dụng BĐS của các ngân hàng thương mại nhưng rủi ro có sự liên thông tác động qua lại giữa các thị trường cần phải được theo dõi chặt chẽ.

Ông Nguyễn Đức Chi cho hay Bộ Tài chính đang trình Chính phủ và sẽ tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý tại Nghị định số 153 nhằm quản lý hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp vừa hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường phát triển minh bạch, hiệu quả, vừa đảm bảo hạn chế và kiểm soát được các rủi ro, bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư.

Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước và các đơn vị chức năng tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tại các doanh nghiệp phát hành, các công ty cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, củng cố niềm tin nhà đầu tư. Sau kiểm tra sẽ có công bố công khai rộng rãi ra thị trường về các sai phạm để tăng tính răn đe.

Bỏ khung giá đất và quy định bảng giá đất phù hợp với thị trường


Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Lê Minh Ngân đánh giá công tác đấu giá đất trong thời gian qua tại một số địa phương đã xuất hiện một số hạn chế, tồn tại như: Hiện tượng "cò đấu giá", "quân xanh, quân đỏ"; thông đồng giữa Tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá.

Ngoài ra, có hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo để mua đi, bán lại nhiều lô đất đã gom trong khu vực nhằm thu lợi… Chưa có quy định về chế tài xử lý khoản tiền người trúng đấu giá đã nộp dở dang trong trường hợp phải hủy hợp đồng trúng đấu giá đất; dừng cuộc đấu giá khi có dấu hiệu bất thường trong việc đẩy giá trúng đấu giá lên quá cao, gây hiệu ứng tiêu cực. Quy định người trúng đấu giá chưa nộp đủ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì phạt chậm nộp hay hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất.

"Thời gian từ khi đấu giá đất đến khi hết hạn nộp tiền trúng đấu giá khá dài (180 ngày như ở Thủ Thiêm) là một sơ hở để các công ty tham gia đấu giá thực hiện các ý đồ như thổi giá BĐS để tăng giá trị cổ phiếu, cơ cấu lại khoản nợ trong các ngân hàng, bán hàng tồn đọng...."- ông Ngân nói.

Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Bộ TN-MT, khung giá đất do Chính phủ quy định còn thấp so với giá thị trường, dẫn đến một số trường hợp bảng giá đất bị vướng trên khung giá đất. Quy trình xây dựng bảng giá đất, định giá đất cụ thể, thẩm định giá đất chưa bảo đảm tính khách quan, yếu tố chuyên môn để quyết định giá đất theo cơ chế thị trường. Chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý trách nhiệm của tổ chức tư vấn định giá đất đối với trường hợp kết quả định giá đất không bảo đảm tính trung thực, khách quan...

Trước tình hình này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu cho Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sẽ ban hành trong thời gian tới). Theo đó, sẽ quy định cụ thể quyền, trách nhiệm và điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất; quy định trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì phải có cam kết bảo lãnh của ngân hàng đối với số vốn đầu tư đến khi hoàn thành dự án.

Về lâu dài, Bộ TN-MT đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất và định giá đất.

Cụ thể, bổ sung quy định ngay sau khi cuộc bán đấu giá kết thúc, người trúng đấu giá phải nộp ngay số tiền đặt cọc để đảm bảo thực hiện hợp đồng theo kết quả trúng đấu giá tại cuộc bán đấu giá và phải tính theo giá trị kết quả trúng đấu giá.

Bổ sung chế tài xử phạt trường hợp đặt cọc, sau đó bỏ cọc để hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để đầu cơ, thổi giá. Quy định xử lý thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước khoản tiền người trúng đấu giá đã nộp dở dang trong trường hợp phải hủy hợp đồng trúng đấu giá đất; quy định về thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, không cho phép chậm và phạt chậm nộp như quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Đặc biệt, sẽ hoàn thiện quy định về nguyên tắc định giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường; hoàn thiện và bổ sung nguyên tắc bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan của kết quả định giá đất giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định.

"Bỏ khung giá đất và quy định bảng giá đất phù hợp với thị trường; linh hoạt trong việc điều chỉnh bảng giá đất; đơn giản hóa quy trình điều chỉnh bảng giá đất. Quy định bổ sung chế tài xử lý trách nhiệm của tổ chức tư vấn xác định giá đất đối với trường hợp kết quả định giá đất không bảo đảm tính trung thực, khách quan..."- ông Ngân nói.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/233-trieu-ti-dong-du-no-tin-dung-va-150000-ti-dong-trai-phieu-bat-dong-san-a477.html