Xuất khẩu thủy sản dự kiến vượt mốc trên 10 tỷ USD trong năm nay

Ngày 23/8, tại Cần Thơ, Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Giải pháp tăng cường thực thi chính sách pháp luật về quản lý nuôi, chế biến thủy sản và kiểm soát khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định”.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao. Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến lĩnh vực này, đã có tới 3 Nghị quyết của Đảng đề cập sâu tới phát triển kinh tế thủy sản; Luật Thủy sản và 14 văn bản hướng dẫn thực thi Luật được ban hành tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho ngành kinh tế này.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy cũng đề nghị các đại biểu phân tích thực trạng, nguyên nhân những khó khăn bất cập và giải pháp tháo gỡ khó khăn đặt ra với hai hoạt động chủ lực của ngành thủy sản là nuôi và khai thác thủy sản trước áp lực phục hồi kinh tế và tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, đánh giá thực trạng ban hành, thực thi chính sách pháp luật; những khó khăn trong việc tổ chức thực hiện và đề xuất giải pháp để phát triển ngành kinh tế thủy sản đúng với tiềm năng và lợi thế.

Xuất khẩu thủy sản dự kiến vượt mốc trên 10 tỷ USD trong năm nay - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự hội thảo

“Qua giám sát một số địa phương, chúng tôi thấy tiêu chuẩn đối với nuôi và chế biến thủy sản chưa phù hợp”, bà Thủy cho hay.

Theo Tổng cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt từ 3 – 4%/năm, tổng lượng thủy sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn, trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 7 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn và giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 – 16 tỷ USD, giải quyết việc làm trên 3,5 triệu lao động. Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới.

Xuất khẩu thủy sản dự kiến vượt mốc trên 10 tỷ USD trong năm nay - Ảnh 2.

Nguồn nguyên liệu nuôi trồng chiếm khoảng 70% nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu

Đánh giá từ Tổng cục Thủy sản, chế biến thủy sản đã phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2018 – 2022, các cơ sở chế biến thủy sản công nghiệp đã áp dụng công nghệ chế biến hiện đại, hiện có hơn 800 cơ sở chế biến thủy sản được phép xuất khẩu vào các thị trường. Trong đó, gần 700 cơ sở xuất khẩu vào thị trường EU. Việc triển khai thực hiện nghiêm các quy định đã giúp thủy sản của Việt Nam được gần 200 quốc gia ưa chuộng.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản thông tin, các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định khá đầy đủ và hoàn thiện. Qua hai đợt thanh tra, kiểm tra thực tế tại Việt Nam và các cuộc làm việc trực tuyến phía EC đánh giá cao sự minh bạch, nghiêm túc và nhiều tiến bộ trong chống khai thác IUU. Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện bốn nhóm khuyến nghị của EC về hoàn thiện khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác và thực thi pháp luật.

“Trong những năm qua, ngành Thủy sản cũng đã phối hợp rất tốt với các bộ ngành, địa phương liên quan và cũng nhận được sự phối hợp của các bộ ngành, địa phương liên quan trong quá trình quản lý thủy sản cũng như là phát triển sản xuất, nuôi, chế biến, xuất khẩu, góp phần tích cực trong sự tăng trưởng, phát triển chung của ngành thủy sản. Tuy nhiên, hoạt động thủy sản đang đứng trước rất nhiều thách thức từ yêu cầu hội nhập quốc tế, sự phát triển nhanh trong nước và nhiều ngành, lĩnh vực liên quan. Điều này rất cần thiết cho sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các bộ ngành liên quan đến lĩnh vực thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản dự kiến vượt mốc trên 10 tỷ USD trong năm nay - Ảnh 3.

Xuất khẩu thủy sản dự kiến vượt mốc trên 10 tỷ USD trong năm nay

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 7 tháng của năm ghi nhận con số cao kỷ lục 6,7 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến, xuất khẩu thủy sản sẽ lần đầu tiên vượt mốc trên 10 tỷ USD trong năm nay, tăng 12 – 15% so với năm 2021, trong đó, tôm và cá tra chiếm khoảng 6,5 tỷ USD. Mục tiêu đến năm 2025 tăng trưởng xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 12,5 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt gần 6 tỷ USD vượt qua Ấn Độ.

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam cho rằng, hiện nay, nguồn nguyên liệu nuôi trồng chiếm khoảng 70% nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Bên cạnh việc đầu tư công nghệ để gia tăng chất lượng sản lượng nuôi thì nhu cầu mở rộng vùng nuôi tập trung, bao gồm cả khu vực sản xuất giống là cần thiết để tăng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và tăng cường quản lý điều kiện nuôi qua mã số vùng nuôi.

Liên quan đến kiểm soát khai thác thủy sản bất hợp pháp, ông Nguyễn Hoài Nam thông tin: “Quá trình đầu tư về hạ tầng nghề cá là quá trình để tạo ra chuỗi chúng ta có đạt được tốt hay không. Thứ hai, chúng tôi cũng đề nghị thúc đẩy quy trình cấp giấy xác nhận, chứng nhận cho khai thác hải sản này, quá trình số hóa chúng tôi cũng mong muốn thúc đẩy nhanh hơn từ địa phương để quy trình này không bị vướng mắc, chậm một chút hay sai một chút thôi là không cấp được giấy xác nhận, chứng nhận khi mà họ có lỗi liên quan đến vị trí giữa hải trình với vị trí của họ khi khai thác”.

Hội thảo cũng nghe các đại biểu chia sẻ về các giải pháp để tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đối với Việt Nam; việc cấp mã số vùng nuôi thủy sản; chứng nhận vùng nuôi đối với sản phẩm thủy sản chủ lực xuất khẩu; thực trạng khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật trong nuôi, chế biến, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam./.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/xuat-khau-thuy-san-du-kien-vuot-moc-tren-10-ty-usd-trong-nam-nay-a4631.html