Giấy tờ nhập cảnh rất quan trọng cho chuyến du lịch nước ngoài. Ảnh: Dy Khoa.
Nếu thực hiện chuyến đi đến các nước thành viên trong khối ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á) thì hành khách mang hộ chiếu phổ thông không cần quan tâm đến thị thực (hay visa) nhập cảnh. Lúc này, người giữ hộ chiếu Việt Nam chỉ cần quan tâm đến thời gian lưu trú tối đa, đa số là 30 ngày cho mỗi đợt nhập cảnh.
Chẳng hạn, Myanmar chỉ cho phép lưu trú 14 ngày và chỉ được nhập cảnh tại một số sân bay quốc tế nhất định. Nếu vượt quá thời gian này, nhưng không thực hiện các thủ tục khai báo, thì bị xử phạt đến mức hình sự.
Cạnh đó, nếu là đối tượng miễn, giảm thủ tục nhập cảnh như trường hợp người mang thẻ doanh nhân APEC thì nhớ mang theo để tránh các phiền hà. Còn lại, với các nước buộc người Việt Nam phải có visa thì cần nhớ mang đúng cuốn hộ chiếu đã được dán visa hoặc đúng cuốn hộ chiếu được nêu trong visa rời, visa điện tử. Phía xuất nhập cảnh nước bạn có thể từ chối nếu các thông tin không khớp với nhau.
Tìm hiểu kỹ pháp luật sở tại
Dù hệ thống, chuẩn mực pháp luật trên thế giới càng ngày càng gần nhau nhưng vẫn có nhiều điểm rất khác nhau do nền văn hoá, mức độ nhận thức pháp luật hoặc cường độ răn đe từ chính quyền với người vi phạm.
Chẳng hạn, Singapore phạt rất nặng cho hành vi nhả bã kẹo cao su (chewing gum) bừa bãi. Đài Loan (Trung Quốc) yêu cầu khách du lịch không mang các loại thịt vào nội địa. Hay New Zealand rất chặt chẽ về vấn đề sạch sẽ của khách du lịch để đảm bảo an toàn môi sinh tại quốc đảo.
Trong vài tháng trở lại đây, một số hành khách đã gặp rắc rối khi di chuyển giữa Thái Lan ra các nước. Thái Lan chấp nhận việc sử dụng cần sa cho các mục đích được phê duyệt. Tuy nhiên, nếu mang cần sa đến các nước còn cấm loại chất này thì người đó có khả năng bị thi hành án phạt rất nặng, đến mức tử hình.
Du lịch nước ngoài cần quan tâm đến các khác biệt
Mặc dù chúng ta có một số điểm tương đồng về văn hoá với các nước trong khu vực. Tuy vậy, tương đồng không phải y chang. Chính thế, hãy tìm hiểu trước văn hoá các nước đến. Có thể bạn sẽ bị sốc khi lần đầu thấy người dân dùng tay để bốc thức ăn.
Tuy nhiên, nếu tìm hiểu trước, bạn hiểu rằng hành động ấy sẽ giúp cảm nhận độ ngon của thực phẩm tốt hơn, trân quý sức người làm ra hơn. Hoặc khi đến Ấn Độ, bạn có thể bất ngờ vì sao dân chúng rất quý trọng con bò. Đó là vì bò là linh vật rất quan trọng trong tâm thức người Ấn. Ví dụ như vậy, hãy tìm hiểu để thích nghi tốt hơn.
Lưu giữ các thông tin quan trọng
Trụ sở cũ của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. Ảnh: Dy Khoa.
Trên hành trình khám phá nước bạn, những bất trắc sẽ không ai biết trước như bị trộm, cướp hay tai nạn. Những thứ quan trọng lúc này là thông tin hộ chiếu (nên mang theo căn cước công dân/chứng minh nhân dân), giấy tờ bảo hiểm du lịch, tiền mặt hoặc thẻ tín dụng. Hộ chiếu lẫn căn cước nên để ở hai nơi khác nhau, tránh bị mất là mất cả. Bảo hiểm du lịch rất cần thiết để trưng ra trước khi nhập viện điều trị. Tiền mặt hoặc thẻ tín dụng cũng không nên để chung một chỗ.
Điều quan trọng mà nhiều người du lịch nước ngoài bị bỏ qua là địa chỉ và số điện thoại của đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại. Những thông tin này nên được lưu trong điện thoại, in ra giấy để khi bất trắc là có thể dùng ngay. Đại sứ quán sẽ giúp ích chúng ta khi cần bảo hộ công dân hoặc lúc bị mất hộ chiếu.
Luôn cập nhật thông tin nước đến
Ở Việt Nam, mỗi ngày chúng ta vẫn đọc các báo vài lần một ngày để nắm thông tin. Vậy cớ sao ra nước ngoài thói quen này lại bị mất đi. Hãy tìm trước cho mình vài trang báo hoặc trang mạng xã hội ở nước đến để không là người ở phía sau. Các nước phương Tây ưa dùng Twitter hơn Facebook ở châu Á. Và hiện nay cũng nổi lên Tik Tok. Những mạng xã hội này có thể cứu mạng của bạn bằng những thông tin quan trọng kịp thời.
Tại các nước cho phép biểu tình hoặc có xảy ra bạo loạn, báo địa phương và mạng xã hội sẽ giúp bạn đường đi hoặc lối thoát hợp lý để tránh lạc vào. Ngoài ra, cũng nên đọc báo nước sở tại trước khi bay để quyết định hoặc điều chỉnh điểm đến phù hợp cho hành trình.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/5-diem-can-kiem-tra-that-ky-truoc-khi-du-lich-nuoc-ngoai-a4545.html