Tận dụng tối đa năng lực của bệnh viện
Cho ý kiến tại Hội nghị trực tuyến Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững sáng 21/8, GS.TS Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Y khoa Quốc gia cho biết, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có những ví dụ minh chứng khó khăn của ngành y tế thời gian qua.
“Trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy ngành cần giải quyết vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị. Đồng thời, cần chú ý tuyên truyền những điểm làm được của ngành y tế”, ông Cường chia sẻ.
Về nhân lực của ngành y tế, ông Cường cho biết vấn đề này đã nói nhiều, cần đánh giá năng lực đạt yêu cầu trước khi bổ nhiệm.
Tiếp đến là về y tế cơ sở, cần có giải pháp cụ thể mang tính bền vững, bởi hiện nay y tế cơ sở vẫn yếu.
“Y tế cơ sở là ranh giới đầu tiên cản những gì không cần thiết đẩy lên tuyến trên. Chúng ta có hiện trạng là tuyến trên thì đông, tuyến dưới thì sơ sài”, ông Cường nêu thực tế.
Thêm một vấn đề được ông Cường nhắc tới đó là tự chủ bệnh viện. Điều này rất quan trọng, cần thiết.
Theo ông Cường, thời gian qua, Nhà nước giao cho bệnh viện lo, tự xoay dẫn đến có sai sót. Tự chủ bệnh viện là cần thiết nhưng phải có chế tài quy định. "Đừng nghĩ rằng tự chủ là khoán đứt mà tự chủ là tận dụng tối đa năng lực của bệnh viện, Chính phủ vẫn phải đứng đằng sau hỗ trợ mới được. Như vừa rồi Bệnh viện Chợ Rẫy là điển hình, đã rất cố gắng nhưng làm cái gì cũng vướng. Cần có những chế độ, quy định để phát huy thế mạnh…", ông Cường bày tỏ.
Khó khăn trong mua sắm đấu thầu thuốc
Đề cập đến những khó khăn, thực tiễn đang xảy ra tại các bệnh viện, các cơ sở y tế, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức chỉ ra:
Thứ nhất là những khó khăn trong đấu thầu mua sắm và liên doanh liên kết. Cụ thể, về đấu thầu mua sắm thuốc: Hiện nay các bệnh viện đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng giá dự toán. Giá dự toán chỉ tính được khi lập kế hoạch đấu thầu. Nếu theo Thông tư 58 năm 2016 của Bộ Tài chính sau khi phê duyệt giá dự toán mua sắm rồi mới lập kế hoạch đấu thầu thì các bệnh viện không thể làm được.
Vì vậy, kiến nghị ở giai đoạn lập dự toán mua sắm không bắt buộc phải xây dựng đơn giá chi tiết theo từng dấu kỹ thuật hoặc nên bổ sung vào Thông tư hướng dẫn xác định dự toán mua sắm thuốc cho phép các bệnh viện được xây dựng đơn giá dự toán theo dấu kỹ thuật bằng với giá bình quân mua sắm năm trước liền kề, hoặc sử dụng giá bình quân của các báo giá được xác lập trong giai đoạn xây dựng toán mua sắm.
Về thuốc, đối với các loại thuốc hiếm và thuốc nhập theo hạn ngạch, vừa qua gặp rất nhiều khó khăn do không có nguồn cung. Đối với những loại thuốc này, Bộ Y tế nên đưa vào mua sắm tập trung hoặc cho phép chỉ định thầu rút gọn hoặc lập kho dự trữ quốc gia điều phối cho các tỉnh, thành phố.
Về đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm…: Các bệnh viện và cơ sở y tế đang gặp rất nhiều khó khăn tại Khoản 2, Điều 11, Thông tư 58 năm 2016 của Bộ Tài chính. Đó là yêu cầu phải đầy đủ 3 đặc tố giá thì mới xây dựng kế hoạch mua sắm được. Vì vậy, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo và Bộ Tài chính hướng dẫn lại vì điều này không cần thiết và không khả thi.
Về việc quy định xác lập giá kế hoạch phải tham khảo trong vòng từ 2 tháng trên Cổng Thông tin, các bệnh viện đang gặp khó khăn khi các website công khai kết quả đấu thầu gồm 2 website chính là website mua sắm công và website công khai kết quả đấu thầu. Khi các đơn vị đăng công khai kết quả đấu thầu thường không đăng chi tiết các tính năng kỹ thuật mà đăng chung chung.
Do đó, để xây dựng cấu hình tính năng kỹ thuật khác nhau ở các đơn vị, chỉ dựa vào thông tin đó thì không thể nào lập được giá sát thực tế. Nhưng nếu không sát thực tế thì các cơ quan chức năng sẽ quy vì sao cùng chủng loại mà bệnh viện này mua giá cao mà bệnh viện khác mua giá thấp.
Thực tế, bệnh viện mua giá cao thì máy có nhiều chức năng trong khi máy mua giá thấp có ít chức năng. Điều này gây khó khăn cho các bệnh viện trong xây dựng kế hoạch. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế quy định rõ thứ tự ưu tiên trong việc sử dụng thông tin về giá để xây dựng giá kế hoạch. Hai website này hoạt động chưa trôi chảy nên các cơ sở y tế muốn tham khảo, tra cứu có những lúc phải mở 18 cửa sổ mới có đầy đủ thông tin, gây mất thời gian cho các cơ sở.
Đối với hàng hóa nhập khẩu, kiến nghị công khai thông tin giá nhập khẩu để minh bạch giá các thiết bị y tế, giúp các cơ sở y tế yên tâm xây dựng giá đấu thầu.
Việc mua sắm hàng hóa, hóa chất, vật tư đều xoay quanh giá, các cơ sở y tế đều vướng. Vì vậy, kiến nghị giá mua sắm trong y tế không nên chọn giá thấp nhất mà cần quy định rõ chọn giá hợp lý nhất phù hợp với điều kiện của từng cơ sở, từng chuyên khoa…; quy định rõ các bước, các hội đồng có quyền xác định nhu cầu thực tế là phù hợp.
Kiến nghị cho phép các bệnh viện từ hạng 1 đến hạng đặc biệt được phép lựa chọn nhà sản xuất để mua sắm thiết bị y tế phù hợp với các bệnh chuyên sâu. Vì các thương hiệu lớn thường mới có máy tốt phục vụ điều trị các bệnh lý chuyên sâu. Hiện giờ nếu đấu thầu tên chung chung thì các thiết bị trúng thầu sẽ không phục vụ được nhu cầu của các bệnh viện hạng 1 và mua về không sử dụng được sẽ gây lãng phí.
Trong luật cho phép chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách nhưng không quy định như thế nào là cấp bách và ai là người quyết định trường hợp này là cấp bách của bệnh viện đó. Do đó kiến nghị nên có những quy định rõ thế nào là cấp bách trong y khoa của một đơn vị, ai là người được phép xác định bệnh viện đang ở trong tình huống cấp bách.
Về đấu thầu trong dịch vụ sửa chữa, bảo trì các thiết bị y tế, hiện chưa có một quy định nào cho nội dung này.
Về đấu thầu phục vụ cho công tác hoạt động bệnh viện trong thời điểm dịch Covid-19, như các công ty vệ sinh công nghiệp, cung cấp suất ăn, giặt là và các dịch vụ hậu cần khác, có những đơn vị hết thầu đúng giai đoạn cao điểm dịch thì không thể thực hiện thầu được. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế cho phép gia hạn thời hạn đối với những hợp đồng thầu trên.
Về đấu thầu các máy xét nghiệm, hiện nay các máy xét nghiệm hiện đại đa phần đều có hóa chất tương thích với máy, nếu sử dụng hóa chất khác thì không sử dụng được. Kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế cho phép chấp nhận hình thức máy đặt, máy mượn, đấu thầu hóa chất và giá của các hóa chất này do Bộ Y tế quản lý bán hoặc đấu thầu tập trung quốc gia.
Thứ hai, trong liên doanh liên kết xã hội hóa y tế, hiện hình thức này gần như dừng lại và thực hiện theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Khó khăn là xác định giá tài sản, ví dụ xác định diện tích đất sử dụng trong liên doanh liên kết và thương hiệu bệnh viện không thể nào làm được và không có bệnh viện nào làm được.
Thứ ba, về bất cập thu nhập của các nhân viên y tế: Cho phép tính đúng, tính đủ theo Nghị định 60 năm 2021 của Chính phủ.
Theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 15/9/2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ toàn diện của 4 bệnh viện (BV) thuộc Bộ Y tế gồm: BV Bạch Mai, BV Việt Đức, BV K và BV Chợ Rẫy. Đến nay, mới có 2 BV thực hiện thí điểm là BV K và BV Bạch Mai. Mới đây, lãnh đạo BV Bạch Mai đã xin dừng tự chủ toàn diện sau 2 năm thí điểm, chỉ thực hiện tự chủ tài chính nhóm 2 về chi thường xuyên. PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết gặp muôn vàn khó khăn khi thực hiện tự chủ tài chính toàn diện.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/tu-chu-benh-vien-dung-nghi-tu-chu-la-khoan-dut-a4396.html