Lệnh ân xá đặc biệt
Lee Jae-yong, năm nay đã bước sang tuổi 54, người thừa kế thế hệ thứ ba của Samsung, đế chế kinh doanh điều hành mọi thứ, từ công ty công nghệ, xây dựng, dịch vụ tài chính đến bệnh viện, công viên giải trí, câu lạc bộ bóng chày và bóng đá.
Đế chế kinh doanh này đại diện cho khoảng 20% toàn bộ giá trị thị trường chứng khoán của Hàn Quốc và 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc.
Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong trả lời câu hỏi của các phóng viên tại Tòa án Quận Trung tâm Seoul ngày 13 tháng 8. Ảnh Korea Times.
Lee lần đầu tiên bị đưa vào tù vào năm 2017, ông đã thụ án tổng cộng 18 tháng với bản án 30 tháng vì tội tham ô và hối lộ Tổng thống Hàn Quốc khi đó là bà Park Geun-hye, nhằm đảm bảo sự ủng hộ của chính phủ đối với việc sáp nhập giữa hai chi nhánh của Samsung vào năm 2015, nhằm thắt chặt quyền kiểm soát của ông đối với đế chế của công ty.
Vụ án của ông là một phần của vụ bê bối tham nhũng lớn gây ra các cuộc biểu tình trên toàn quốc, dẫn đến việc luận tội và phế truất bà Park, người đã bị bỏ tù từ năm 2017 và sẽ không được thả cho đến tận … năm 2039.
Theo luật pháp Hàn Quốc, nếu một người bị kết tội tham ô hoặc vi phạm tín nhiệm trị giá hơn 500 triệu won (384.101 USD), người đó không thể làm việc cho công ty có liên quan đến tội danh này trong 5 năm kể cả sau khi án tù kết thúc.
Tuy nhiên, lệnh ân xá đặc biệt lần này sẽ chấm dứt lệnh hạn chế việc làm 5 năm với Lee Jae-yong và ông có thể nắm giữ một vị trí chính thức tại Samsung. Cổ phiếu của công ty đã tăng 1% tại Seoul theo tin tức này.
"Tôi sẽ làm việc chăm chỉ hơn và hoàn thành nghĩa vụ của mình với tư cách là một doanh nhân”, Lee nói sau khi được ân xá. "Tôi sẽ đóng góp cho nền kinh tế thông qua đầu tư liên tục và tạo việc làm cho những người trẻ tuổi, đồng thời đền đáp sự kỳ vọng của người dân và sự xem xét của chính phủ”.
Và thăng chức Chủ tịch Samsung?
Theo truyền thông Hàn Quốc đưa tin, Phó Chủ tịch của Samsung rất có thể sẽ sớm trở thành chủ tịch của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc, một sự thăng chức trước thời hạn nhưng cũng sẽ là sự thử thách tài lãnh đạo của Lee trong việc điều hành công ty vượt qua môi trường kinh doanh ngày càng không chắc chắn.
Với lệnh ân xá đặc biệt này, Lee Jae-yong có thể chèo lái Samsung vượt qua giai đoạn khó khăn?
Bên cạnh đó, theo các nhà phân tích trong ngành nhận định, Lee sẽ phải thể hiện được vai trò của người đứng đầu một tập đoàn lớn nhất đất nước, đồng thời phát triển các sáng kiến kinh doanh nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, động lực tăng trưởng chính của Hàn Quốc.
Ngành công nghiệp vốn đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc cân chỉnh một cách cẩn thận các lợi ích quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu gay gắt và cuộc chiến bá quyền Mỹ - Trung.
Bất chấp môi trường kinh tế không chắc chắn trở nên trầm trọng hơn do các vấn đề chuỗi cung ứng kéo dài và cuộc chiến ở Ukraine, Samsung đã vạch ra một số kế hoạch đầu tư táo bạo trong năm nay, họ sẽ rót hơn 350 tỷ USD vào các doanh nghiệp của mình và tạo ra hàng chục nghìn việc làm mới trong 5 năm tới, phần lớn trong số đó sẽ là ở Hàn Quốc.
Liệu Lee có thể vượt qua và đạt được những bước tiến trong bối cảnh những bất ổn cực độ từ trong và ngoài nước, đồng thời phải đương đầu với những rủi ro pháp lý kéo dài về những sai phạm bị cáo buộc liên quan đến việc sáp nhập các chi nhánh vào năm 2015? Có lẽ còn phải chờ thời gian trả lời…
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/dang-sau-lenh-an-xa-dac-biet-voi-thai-tu-samsung-a4377.html