Khi người trẻ nghỉ làm đi... thiền

Nếu du lịch, leo núi, hoạt động thiện nguyện vốn là chọn lựa đầu tiên khi bạn trẻ muốn dành "khoảng lặng" cho cuộc sống của mình trước các áp lực, bế tắc... thì hiện không ít bạn tìm đến các khóa thiền, dành thời gian "nhìn vào bên trong mình".

Khi người trẻ nghỉ làm đi... thiền - Ảnh 1.

Một khóa thiền Vipassana tại TP.HCM với sự tham gia của khá nhiều bạn trẻ - Ảnh: ĐỨC THUẬN

Nếu du lịch, leo núi, tham gia hoạt động thiện nguyện vốn là chọn lựa đầu tiên khi các bạn trẻ muốn dành "khoảng lặng" cho cuộc sống của mình trước các áp lực hoặc bế tắc gặp phải... thì hiện không ít bạn tìm đến các khóa thiền, dành thời gian "nhìn vào bên trong mình".

Độ tuổi nào cũng có thể thiền. Nhưng nghĩ về thiền, người ta hay bị ấn tượng rằng chắc sẽ tẻ nhạt, làm sao bắt tụi trẻ ngồi yên được dù chỉ vài chục phút. Thế nên Thanh Thùy (28 tuổi) đã ngạc nhiên khi phải đến hơn nửa số người cô gặp trong một khóa thiền gần 100 người tham gia là những bạn trong độ tuổi 20-30.

10 ngày rời xa "thế tục"

Thùy cho biết để tham gia khóa 10 ngày có tên thiền Vipassana tại một trung tâm thiền ở Củ Chi (TP.HCM), người tham gia phải đăng ký trước gần một tháng. Ấy là khu nhà với hai ký túc xá riêng biệt cho nam và nữ, một thiền đường lớn, một thiền đường nhỏ cùng khu nhà dành cho việc nấu nướng.

Gần 100 thiền sinh có mặt làm đủ loại công việc: giảng viên đại học, kỹ sư công nghệ thông tin, điều dưỡng, sinh viên, bà nội trợ... Mỗi người sẽ nhận một số thứ tự vào ngày đầu nhập khóa. Như người số thứ tự 45 sẽ có tủ để đồ số 45, giường số 45, ghế ăn số 45 tại phòng ăn chung và vị trí ngồi thiền cũng gắn với số thứ tự đó trong thiền đường.

Ngay cả nhà vệ sinh cũng sẽ gắn với số thứ tự và không được tự ý vào phòng khác.

Giường ngủ cá nhân với nệm gối đơn giản. Tạm gọi đây là 10 ngày rời xa "thế tục" bởi hầu hết mọi thứ quen thuộc hằng ngày không còn nữa. Ngày nhập khóa, trung tâm tạm cất tất cả điện thoại, máy móc của thiền sinh cho đến ngày kết thúc.

Suốt 10 ngày đó, các thiền sinh phải tuân thủ quy định giữ im lặng tuyệt đối, không trò chuyện, kể cả giao tiếp bằng mắt hay ra dấu với bất kỳ ai và... ăn chay.

Kể từ khi biết dùng điện thoại cách đây 17 năm, đây là lần đầu tiên Thùy có thời gian dài không dùng điện thoại và không hề nói chuyện với ai như vậy.

"Tôi làm công việc liên quan đến truyền thông, còn độc thân nên giờ giấc sinh hoạt bình thường rất tréo ngoe. Tôi là 'cú đêm', thường đi ngủ lúc 1h sáng và dính với cái điện thoại lướt đủ thứ tới tận khi ngủ. Tôi đã rất lo lắng vì không biết có chịu nổi khi vào khóa thiền không nhưng hóa ra mọi chuyện cũng không có gì khó khăn", Thùy chia sẻ.

Ở khóa thiền, cô không dùng điện thoại, không có tivi, không sách báo và cũng không nói chuyện. Mỗi ngày thức dậy lúc 4h sáng, phần lớn thời gian trong ngày ở thiền đường để học kỹ thuật thiền theo hướng dẫn của thiền sư và đi ngủ lúc 9h30 tối.

Đi tìm bản thân

Dành ra 10 ngày đi thiền, gác mọi công việc qua một bên không phải là điều dễ dàng. Để tham dự, hầu hết các bạn trẻ như Thùy một là dùng hết ngày nghỉ phép trong năm hoặc là xin nghỉ việc rồi sau đó tìm việc khác. Minh Vương (26 tuổi) - kỹ sư công nghệ thông tin - đã quyết định nghỉ việc từ hồi tháng 5 vì bỗng nhiên thấy chông chênh về cuộc sống hiện tại.

"Hai năm trước, tôi quyết định chuyển từ Đà Nẵng vào TP.HCM làm cho một công ty khởi nghiệp kỳ lân của Úc để thay đổi môi trường, học thêm bằng đại học nữa và các khóa kỹ năng về khai phá sức mạnh bản thân... Công việc khá thử thách, mức lương tốt nhưng tôi vẫn thấy đó chưa phải sự thay đổi mà tôi tìm kiếm nên quyết định nghỉ việc", Vương chia sẻ.

Nói về ý tưởng đi thiền, Vương cho biết đó là gợi ý của một người bạn. Anh hỏi vài người bạn rằng nếu nghỉ việc nên làm gì, họ bảo đi du lịch, tham gia hoạt động tình nguyện, hoặc nghỉ không làm gì hết và đi thiền.

"Tôi quyết định đi du lịch trước, chừng vài tuần thấy cũng vui nhưng chưa chạm tới được thứ tôi đang đi tìm kiếm. Rồi tôi về nhà ba tuần, cảm giác an toàn, ấm áp nhưng cũng chưa tìm được điều mình cần", Vương kể.

Rồi anh quyết định đi thiền. "Tôi dân IT và tự thấy mình là con người của khoa học. Nếu ai gợi ý làm gì thường tôi hay hỏi cái này có khoa học không. Người ta thường hay nghĩ thiền như một nghi thức tâm linh nhưng tôi vẫn quyết định thử sau khi tìm hiểu về thiền Vipassana trên Google", Vương kể.

10 ngày ở đây, mỗi ngày Vương có khoảng 12 tiếng ngồi thiền.

Vương từng tốt nghiệp đại học thủ khoa, thời sinh viên khá lẫy lừng nên anh tự nhận đã tạo áp lực khá lớn cho bản thân. Anh nói đi du lịch, rồi về thăm gia đình giúp ích rất nhiều nhưng vẫn chỉ là hướng sự tìm kiếm ra bên ngoài.

"Thiền giúp tôi nhìn vào bên trong, hiểu được cảm xúc của bản thân. Trở về cuộc sống bình thường tôi bình tĩnh hơn, đỡ khắt khe với bản thân hơn nhưng sẽ nghiêm khắc hơn với hành động, việc làm của mình đối với người khác. Tôi hiểu rằng mình cần nhìn vào cảm xúc của bản thân, hiểu bản thân mình trước khi làm điều gì đó cho ai", Vương chia sẻ.

Muôn nẻo đi thiền

Bạn Linh (20 tuổi) - đang là sinh viên đại học, thành viên trẻ nhất trong khóa thiền - cho biết bình thường cũng hay theo mẹ đi chùa và được nghe nhà chùa giới thiệu khóa thiền nên muốn tham dự cho biết.

Còn M.T. (29 tuổi), một nữ giảng viên đại học vừa nghỉ việc để tìm cho mình hướng đi mới, kể lựa chọn khóa thiền vì "một học trò thân thiết từng tham gia đã giới thiệu". Khóa thiền giúp T. cảm thấy điềm tĩnh hơn trong việc tìm hướng đi mới cho chính mình.

"Sau khóa thiền tôi sẽ dành nửa tháng đi du lịch Indonesia rồi mới tính cho công việc mới", T. chia sẻ.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/khi-nguoi-tre-nghi-lam-di-thien-a4357.html