Cơ hội cho doanh nghiệp ôtô

Việc bãi bỏ phương pháp tính tỉ lệ nội địa hóa đối với ôtô theo cụm linh kiện được cho là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao giá trị xe, đưa mẫu mới ra thị trường.

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) vừa ban hành Thông tư 11/2022/TT-BKHCN về việc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do bộ trưởng ban hành quy định về phương pháp xác định tỉ lệ nội địa hóa đối với ôtô . Thông tư có hiệu lực từ ngày 1-10.

Không còn phù hợp

Ba văn bản quy phạm pháp luật được bãi bỏ gồm: Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN về phương pháp xác định tỉ lệ nội địa hóa đối với ôtô; Quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN và Thông tư 05/2012/TT-BKHCN về việc sửa đổi, bổ sung điều 1 Quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN.

Cơ hội cho doanh nghiệp ôtô - Ảnh 1.

Một số hãng xe đã đầu tư hệ thống hàn, sơn với chi phí lớn song có thể mất lợi thế cạnh tranh .Ảnh: NGUYỄN HẢI

Ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại - Bộ Công Thương, cho hay các văn bản trên ra đời nhằm thực hiện "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020" của Thủ tướng. "Thời điểm ban hành các văn bản, ngành công nghiệp ôtô trong nước cơ bản chỉ có sự góp mặt của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các văn bản yêu cầu DN FDI đạt tỉ lệ nội địa hóa theo lộ trình tăng dần, song đến nay mục tiêu đó không hoàn thành. Trong khi đó, việc tính tỉ lệ nội địa hóa theo cả cụm linh kiện sản xuất trong nước đang cản trở DN nội tăng tỉ lệ nội địa hóa cũng như sức cạnh tranh. Việc bãi bỏ là hoàn toàn đúng đắn" - ông Phương nêu quan điểm.

Theo TS Trần Hữu Nhân, Trưởng Khoa Giao thông - Trường ĐH Bách khoa TP HCM, việc xác định tỉ lệ nội địa hóa đối với ôtô theo cả cụm linh kiện sản xuất trong nước không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của công nghệ sản xuất ôtô. Ông Nhân chỉ rõ công nghệ hiện chiếm tỉ trọng cao trong giá thành sản xuất xe hơi nên việc tính tỉ lệ nội địa hóa theo linh kiện đơn thuần sẽ cản trở ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và không giúp ngành ôtô phát triển theo xu hướng thế giới.

Mặt khác, theo các chuyên gia, nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu... là cơ hội để giảm, xóa chênh lệch về thuế suất nhập khẩu xe nguyên chiếc và bộ linh kiện. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung quy định về mức độ rời rạc của linh kiện là cần thiết.

Thực tế, sau thời gian dài triển khai chiến lược phát triển công nghiệp ôtô, hình hài của ngành vẫn chưa rõ nét, tỉ lệ nội địa hóa chưa như mong đợi, linh kiện sản xuất trong nước chủ yếu có giá trị thấp. Số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy phần lớn mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước mới đạt tỉ lệ nội địa hóa khoảng 10% - 15%; chỉ riêng hãng Toyota công bố 2 mẫu xe đạt tỉ lệ nội địa hóa 37% - 43%.

Xe mới sẽ nhiều hơn

Các nhà sản xuất ôtô cho rằng việc bãi bỏ cách tính tỉ lệ nội địa hóa theo mức độ rời rạc của linh kiện giúp họ mạnh dạn đưa nhiều mẫu xe mới ra thị trường. "Lâu nay, DN trong nước chỉ chú trọng sản xuất những mẫu xe sẵn có do đã đầu tư dây chuyền sản xuất. Còn muốn sản xuất mẫu mới thì phải đầu tư thêm dây chuyền mới, đồng thời việc này cũng khiến sản lượng của các mẫu xe bị chia sẻ với nhau, không đạt số lượng sản xuất tối thiểu để bảo đảm tỉ lệ nội địa hóa" - đại diện một DN sản xuất, lắp ráp giải thích.

Ông Trương Kim Phong, Phó Tổng Giám đốc Marketing - Bán hàng và Dịch vụ của Ford Việt Nam, nhìn nhận việc bãi bỏ cách tính tỉ lệ nội địa hóa cùng mức độ rời rạc của linh kiện sẽ "cởi trói" cho DN ôtô. DN sẽ được linh động trong việc đưa chi tiết nội địa hóa vào sản phẩm, từ đó đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới hơn. Đồng thời, DN cũng có lợi thế hơn khi xuất khẩu, có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm của các quốc gia trong khu vực.

Theo bà Trương Thị Chí Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, quy định tính tỉ lệ nội địa hóa theo cụm linh kiện sản xuất tại Việt Nam được bãi bỏ và thay bằng cách tính theo giá trị có ý nghĩa khuyến khích DN đầu tư vào những bộ phận có giá trị cao. Đây cũng là hướng phát triển theo xu thế thế giới.

Ông Lê Quốc Phương cho rằng với việc bãi bỏ quy định về mức độ rời rạc của linh kiện trong tính tỉ lệ nội địa hóa, DN có thể đầu tư sản xuất linh kiện lẻ với dung lượng đủ lớn để có giá thành cạnh tranh, vừa sử dụng cho sản xuất trong nước vừa xuất khẩu. Ngoài ra, DN sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước cũng được tạo điều kiện nhập khẩu linh kiện lẻ trong một cụm linh kiện mà không ảnh hưởng đến giá trị tính tỉ lệ nội địa hóa. Còn các hãng ôtô đa quốc gia đặt nhà máy tại Việt Nam cũng có thể nhập khẩu linh kiện lẻ ở thị trường có giá cạnh tranh, góp phần giảm giá thành sản phẩm và người tiêu dùng được hưởng lợi.

Lo ngại tác dụng ngược?

Đại diện VAMA cho rằng việc bãi bỏ phương pháp tính tỉ lệ nội địa hóa ôtô theo mức độ rời rạc của linh kiện không thật sự phù hợp với trình độ phát triển của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Cụ thể, việc bãi bỏ quy định tính tỉ lệ nội địa hóa theo cụm linh kiện sản xuất tại Việt Nam có thể khiến DN không còn mặn mà đầu tư lớn cho dây chuyền sản xuất; thay vào đó sẽ nhập nguyên thân vỏ ôtô hoặc các cụm linh kiện về để lắp ráp. Trong khi đó, những DN đã đầu tư lớn thì mất lợi thế cạnh tranh. "Quy định mới có thể ảnh hưởng đến việc phát triển ngành công nghiệp ôtô trong nước cũng như ngành công nghiêp phụ trợ" - đại diện VAMA nói.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/co-hoi-cho-doanh-nghiep-oto-a4309.html