Bắt đầu làm nhiều loại bánh từ 9 năm trước nhưng trong khoảng 3 năm trở lại đây, Nguyễn Anh Triết (TP HCM) trở nên nổi tiếng trong giới bánh ngọt Sài Gòn nhờ khả năng tạo hình bánh kem. Những chiếc bánh Triết làm thường có hình thù đặc biệt, đôi khi được trang trí cầu kỳ, tráng lệ nhưng cũng có lúc mô phỏng đồ dùng hàng hiệu, mà đáng chú ý nhất là túi xách của các nhà mốt xa xỉ thế giới như Hermes, Chanel…
Nguyễn Anh Triết có biệt tài làm bánh tạo hình những chiếc túi xách hàng hiệu. Ảnh: NVCC
Đam mê bánh tạo hình
Bánh tạo hình không phải là lĩnh vực hoàn toàn mới, nhưng mỗi người thợ bánh khi tham gia thị trường này nếu có nét ấn tượng riêng thì vẫn luôn được nhiều khách hàng chú ý và tìm tới. Anh Triết có tư duy thẩm mỹ hiện đại và gần như là một tay thợ bánh túi xách hàng hiệu lành nghề. Triết nhận đặt làm bánh theo yêu cầu của khách hàng, mỗi chiếc thường mất khoảng 8-10 tiếng để hoàn thành.
Quy trình để tạo ra một bánh túi hàng hiệu không khác bánh bình thường là bao. Các công đoạn cần có bao gồm nướng bánh, tạo hình cắt gọt, bọc bánh và làm các chi tiết trang trí bên ngoài. Bước cuối cùng là tô màu cho bánh. Theo Anh Triết, khâu quan trọng nhất để có một thành phẩm đẹp chính là tạo phom dáng cho bánh vì nếu làm không khéo, bánh sẽ bị méo mó, không chân thực.
Đặc điểm của những chiếc túi hàng hiệu thật là có phần da rất bóng bẩy, đẹp không tì vết. Vì thế, tay nghề của một người thợ bánh tạo hình có giỏi hay không đều được thể hiện qua việc nhào nặn và tạo nét cho phần da này. Triết cho biết để làm da túi, anh sẽ có những dụng cụ đặc biệt. Bí quyết thường được anh chia sẻ trong những workshop làm bánh với mức học phí khoảng 9 triệu đồng/người cho hai ngày học liên tiếp.
Một chiếc túi Hermes Birkin trong quá trình hoàn thiện. Ảnh: NVCC
Bánh kem hình túi Chanel. Ảnh: NVCC
Khi làm bánh, Anh Triết cũng phải tìm hiểu về các loại da làm túi để hiểu về cấu trúc của chúng, giúp chiếc túi đẹp hơn, chân thực hơn. Da cá sấu, da togo là những loại phổ biến. Nhưng da đà điểu là loại khó để mô phỏng nhất vì có những nốt chấm tròn của chân lông. Thông thường, các nốt chân lông này sẽ nghiêng một góc 42 độ so với bề mặt và ở giữa sẽ có một lỗ thủng xuyên qua tấm da. Các nốt lông này phân bố rất đều và đẹp mắt nhưng để làm lại theo phiên bản bánh kem thì không phải là chuyện dễ dàng.
Anh Triết thích làm bánh hình túi Hermes nhất. Loại túi này vừa dễ làm vì có những đường vuông thành sắc cạnh nhưng cũng có cái khó vân da phức tạp, như Kelly da đà điểu hoặc Birkin Himalaya là một ví dụ. Khi đã tạo vân xong rồi, Triết còn phải tô màu sao cho giống với nguyên mẫu nhất có thể.
Túi Hermes Kelly da đà điểu. Ảnh: NVCC
Những chiếc bánh dành cho người sành chơi
Cốt bánh kem của bánh túi hàng hiệu mà Triết làm có hai loại là vani và chocolate, đều là những nguyên liệu phổ thông. Tuy nhiên, giá tiền của chúng lại không hề rẻ, loại lớn nhất (30 cm) có giá 4,5 triệu đồng trong khi loại nhỏ hơn (20 cm) có giá 3,6 triệu đồng. Như vậy, có thể thấy, giá bánh chủ yếu tính trên tiền công tạo hình, đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, chau chuốt.
Chị Lê Vân, một khách hàng ở Sài Gòn, người đã nhiều lần mua bánh tạo hình cho biết rất thích loại bánh này vì trông chúng giống như tác phẩm nghệ thuật. Những chiếc túi rất giống hàng thật nhưng lại có thể cắt ra ăn khiến chị bất ngờ. Hơn nữa, bản thân chị cũng rất thích hàng hiệu nên vào những dịp đặc biệt, chị thường được người thân mua tặng bánh, hoặc cá nhân chị mang đi tặng những người bạn có cùng sở thích với mình.
Dù giá bánh rất cao nhưng theo chị Vân, đó là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực tìm tòi và ngày càng hoàn thiện kỹ năng của người thợ. Để làm được như vậy, họ phải mất nhiều năm thực hành với chi phí học hỏi không hề ít.
Ngoài bánh tạo hình túi xách hàng hiệu, ngày nay, rất nhiều thợ bánh cũng không ngừng sáng tạo để làm ra những chiếc bánh với hình dáng độc lạ. Đó có thể là công chúa kiêu kỳ, khu rừng mini, thác nước hùng vĩ hay thậm chí là chiếc siêu xe cả thế giới ao ước. Có những chiếc bánh chân thực đến nỗi nhiều người nhầm lẫn với mô hình được sản xuất trong các nhà máy.
Tất nhiên, để có một sản phẩm đẹp và chất lượng thì đòi hỏi khách hàng phải chi trả số tiền không hề nhỏ. Do đó, loại bánh tạo hình thường được mệnh danh là “bánh của người sành chơi” là vì vậy.