Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, so với các nước như Thái Lan, Campuchia…, gạo Việt Nam đang có lợi thế rất lớn để xuất khẩu vào EU từ Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA). Tuy nhiên, điều đáng tiếc là gạo Việt thua về thương hiệu và ít có tiếng hơn các nước đối thủ, dù chất lượng có thể tốt hơn.
Theo ông Bình, phần lớn gạo Việt Nam khi xuất khẩu sang EU đều là gạo dạng “gia công”, các DN nhập khẩu sau khi nhập về sẽ đóng bao bì, nhãn mác của họ lên sản phẩm gạo Việt Nam để bán cho người tiêu dùng. Chẳng hạn, gạo Việt Nam được bán tại Anh quốc với các thương hiệu do nhà phân phối đặt như: Longdan, Golden Lotus, Buffalo (của Longdan Supermarket), Green Dragon (của Westmill UK) và Red Ant (của MediFood).
“Gạo Việt Nam đạt giải gạo ngon nhất thế giới, được người tiêu dùng thừa nhận. Nhưng nếu tìm một sản phẩm được ghi tên, thương hiệu gạo Việt tại EU thì rất khó. Chưa kể, lâu lâu lại xuất hiện vụ rất đáng buồn là gạo Việt Nam bị trả về do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, gây ảnh hưởng tới thương hiệu gạo Việt Nam”, ông Bình nói.
Cũng ông Bình cho biết, thời gian gần đây, Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung A đã ý thức tới việc xây dựng thương hiệu nên yêu cầu các đối tác nhập khẩu từ phía EU nếu muốn mua gạo sạch, gạo thơm của Công ty Trung An phải đóng bao bì gạo Việt Nam, gắn thương hiệu của Việt Nam.
“Ban đầu chúng tôi lo đối tác sẽ giảm lượng mua và bỏ đơn hàng, nhưng không hề, phía đối tác EU vẫn đặt hàng, người tiêu dùng phản hồi những thông tin tích cực. Nhiều sản phẩm gạo và sản phẩm chế biến từ gạo của Việt Nam như phở, bún của công ty sản xuất không kịp để xuất khẩu”, ông Bình nói và cho biết, trong nửa đầu năm nay, sản lượng gạo xuất khẩu của công ty sang các thị trường cao cấp đã tăng 68% và kim ngạch tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Vũ Thị Huệ, Trưởng phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh đánh giá, nhu cầu gạo của thị trường EU hiện rất cao. Nhiều DN đang mạnh dạn xuất khẩu với số lượng hàng ngàn tấn, thay vì chỉ xuất khẩu nhỏ lẻ vài trăm tấn như trước đây. Giá gạo Việt Nam xuất sang EU cao hơn các thị trường khác. Chẳng hạn, cùng gạo đó nhưng ở thị trường khác giá chỉ 460 - 470 USD/tấn; sang EU giá đến 650 USD/tấn gạo đạt tiêu chuẩn GAP, cao hơn 120 USD.
Theo bà Huệ, điều khó là hiện nay, các DN Việt mới khai thác thị trường EU chủ yếu là bán qua các đại lý, qua DN của EU, còn phân phối trực tiếp trên các kênh bán lẻ để gạo đến được tận tay người tiêu dùng thì còn hạn chế, do chưa tạo được thương hiệu. Đặc biệt, để được hưởng ưu đãi, gạo Việt phải được chứng nhận đảm bảo đúng giống, vượt qua được các quy định nghiêm ngặt về xuất xứ nguồn gốc trong khi chất lượng gạo Việt Nam thường không ổn định. Do đó, việc tận dụng cơ hội từ thị trường EU hiện còn khá khiêm tốn.
"Gạo Việt Nam đạt giải gạo ngon nhất thế giới, được người tiêu dùng thừa nhận. Nhưng nếu tìm một sản phẩm được ghi tên, thương hiệu gạo Việt tại EU thì rất khó. Chưa kể, lâu lâu lại xuất hiện vụ rất đáng buồn là gạo Việt Nam bị trả về do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, gây ảnh hưởng tới thương hiệu gạo Việt Nam".
Ông Phạm Thái Bình
Nguy cơ bỏ lỡ cơ hội
Theo cam kết từ EVFTA, mỗi năm EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo, gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Chưa kể, thị trường này sẽ mở cửa tự do hoàn toàn đối với gạo tấm, giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hằng năm, với thuế suất ưu đãi về 0% sau 3 - 5 năm triển khai hiệp định (từ tháng 8/2020). Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn chưa sử dụng hết hạn ngạch ưu đãi thuế quan này. Năm 2021, Việt Nam chỉ mới xuất khẩu sang EU được khoảng 64.000 tấn, trị giá gần 19 triệu USD.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng chỉ ra, trong 6 tháng đầu năm, sản lượng gạo xuất khẩu sang thị trường EU đạt 50.221 tấn, với giá trị đạt khoảng 36,6 triệu USD (tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái). Tuy nhiên, thực tế thị phần gạo của Việt Nam tại EU mới chỉ chiếm 3,1% trong tổng lượng gạo ngoại khối nhập khẩu vào EU. Đặc biệt, lợi thế về thuế quan đến từ hiệp định EVFTA được xem chỉ duy trì trong ngắn - trung hạn, bởi EU có thể sẽ đàm phán với các nước khác, đặc biệt là các nước đối thủ trong ngành gạo như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia. Lúc đó, lợi thế của Việt Nam về xuất khẩu gạo sẽ không còn nữa.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Phạm Thái Bình cho rằng, hiện nay, không ít DN đã bắt đầu lấy bao bì, nhãn mác của mình để đóng gói sản phẩm phân phối tại thị trường EU. Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ, các DN ngành gạo cần đồng loạt vào cuộc, cùng nhau đầu tư về hình ảnh và marketing cho thương hiệu gạo Việt Nam. Đồng thời, các DN cần đầu tư về chất lượng vùng trồng, xây dựng vùng nguyên liệu lớn được canh tác theo tiêu chuẩn cao, sản xuất khép kín từ cánh đồng đến bàn ăn...
Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam cho rằng, đề xây dựng thương hiệu gạo Việt cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ DN xuất khẩu gạo có thương hiệu và được gắn nhãn chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam (Vietnam Rice). Nhà nước cần hỗ trợ thiết lập các văn phòng giới thiệu, quảng bá gạo Việt Nam ở các thị trường trọng điểm. Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần xem xét bỏ thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, tham gia đấu thầu hợp đồng tập trung và yêu cầu đạt chuẩn đối với nhà máy của các DN xuất khẩu gạo.