Giá dầu tăng trở lại
Giá dầu tăng 1,5% sau khi chạm mức thấp nhất 6 tháng, do tồn trữ dầu thô của Mỹ thấp hơn so với dự kiến, làm lu mờ lo ngại sản lượng và xuất khẩu dầu thô của Nga tăng, cũng như lo ngại suy thoái kinh tế.
Chốt phiên giao dịch ngày 17/8, dầu thô Brent tăng 1,31 USD tương đương 1,42% lên 93,65 USD/thùng, trước đó trong phiên chạm 91,51 USD/thùng – thấp nhất kể từ tháng 2/2022 và dầu thô Tây Texas WTI tăng 1,58 USD tương đương 1,8% lên 88,11 USD/thùng
Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết, tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần tính đến ngày 12/8/2022 giảm 7,1 triệu thùng xuống 425 triệu thùng, so với dự báo giảm 275.000 thùng. Đồng thời, xuất khẩu dầu thô của Mỹ đạt 5 triệu thùng/ngày – mức cao kỷ lục.
Ngoài ra, nhu cầu nhiên liệu của Mỹ tăng mạnh khi tồn trữ xăng giảm 4,6 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự kiến giảm 1,1 triệu thùng.
Giá khí tự nhiên giảm 1%
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm 1% từ mức cao nhất 14 năm trong phiên trước đó, do dự báo thời tiết ít nóng và nhu cầu điều hòa không khí trong 2 tuần tới thấp hơn so với dự kiến trước đó.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn New York giảm 8,5 US cent tương đương 0,9% xuống 9,244 USD/mmBTU, trong phiên trước đó đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 8/2008.
Giá vàng giảm tiếp
Giá vàng giảm, sau biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết tốc độ tăng lãi suất sẽ phụ thuộc vào số liệu kinh tế sắp tới, trong khi đồng USD cũng gây áp lực đối với giá vàng.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,5% xuống 1.766,29 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn New York giảm 0,7% xuống 1.776,7 USD/ounce.
Giá nhôm tăng
Giá nhôm tăng sau thông tin cho rằng một nhà máy luyện kim châu Âu sẽ đóng cửa do giá điện tăng cao, làm dấy lên lo ngại về thiếu hụt nguồn cung.
Giá nhôm trên sàn London tăng 0,9% lên 2.413 USD/tấn. Tính đến nay, giá nhôm đã giảm 40% kể từ mức cao kỷ lục trong đầu tháng 3/2022.
Tuy nhiên, giá đồng và các kim loại công nghiệp khác chịu áp lực giảm bởi đồng USD tăng mạnh và lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Chỉ số đồng USD tăng sau số liệu cho thấy rằng, chi tiêu tiêu dùng của Mỹ trong tháng 7/2022 duy trì ổn định, khiến kim loại định giá bằng đồng USD trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Giá quặng sắt và thép tiếp đà giảm
Giá quặng sắt tại Đại Liên và Singapore giảm phiên thứ 4 liên tiếp xuống gần 100 USD/tấn, do việc phân phối điện tại các khu vực của Trung Quốc khiến các nhà máy thép phải đóng cửa.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Đại Liên giảm 4,4% xuống 683,5 CNY (100,87 USD/tấn) – thấp nhất kể từ ngày 28/7/2022.
Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Singapore giảm 4,7% xuống 100,7 USD/tấn.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 3,5%, thép cuộn cán nóng giảm 3,4% và thép không gỉ hầu như không thay đổi.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng
Giá cao su tại Nhật Bản rời khỏi chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp, được hỗ trợ bởi giá dầu tăng mạnh và giá cao su tại Thượng Hải tăng, khi chính phủ Trung Quốc đưa tín hiệu hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế gặp khó khăn.
Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Osaka tăng 4,7 JPY tương đương 2,1% lên 228,5 JPY (1,7 USD)/kg.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Thượng Hải tăng 210 CNY lên 12.890 CNY (1.903 USD)/tấn.
Giá cà phê tiếp đà giảm
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn ICE giảm 1,9 US cent tương đương 0,9% xuống 2,144 USD/lb, sau khi giảm gần 2,5% trong phiên ngày 16/8/2022.
Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2022 giảm 4 USD tương đương 0,2% xuống 2.224 USD/tấn.
Giá đường giảm tiếp
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn ICE giảm 0,03 US cent tương đương 0,2% xuống 18,24 US cent/lb.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn London giảm 1,9 USD tương đương 0,3% xuống 552 USD/tấn.
Giá đậu tương và ngô tăng, lúa mì giảm
Giá đậu tương tại Chicago tăng, sau khi giảm 2 phiên liên tiếp trước đó, song mức tăng bị hạn chế bởi dự báo thời tiết tại khu vực trung tây Mỹ được cải thiện có lợi cho cây trồng.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương tăng 9 US cent lên 13,9 USD/bushel. Giá ngô tăng 1-3/4 US cent lên 6,12 USD/bushel, trong khi giá lúa mì giảm 22-1/4 US cent xuống 7,8-1/2 USD/bushel.
Giá dầu cọ tăng phiên thứ 2 liên tiếp
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng, do đồng ringgit suy yếu và lo ngại nhu cầu giảm.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn Bursa Malaysia tăng 18 ringgit tương đương 0,43% lên 4.200 ringgit (940,44 USD)/tấn và tăng phiên thứ 2 liên tiếp.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 18/8