Ngày 17-8, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cho biết tổng số vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh hơn 8.900 tỉ đồng phân bổ cho 316 dự án, tăng 130 tỉ đồng so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.
Đến ngày 31-7-2022, tỉnh đã giải ngân được gần 3.000 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 33,1%. Dự kiến đến 30-9 giải ngân hơn 4.550 đồng; cả năm 2022 giải ngân khoảng 7.200 tỉ đồng, ước đạt 80,75% kế hoạch.
Đường Vành đai 3 là một trong những dự án được sử dụng nguồn vốn đầu tư công
Đến nay, vẫn còn 15 đơn vị chưa giải ngân, gồm: Liên đoàn Lao động tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương, Sở Xây dựng, Văn phòng Tỉnh ủy, Ban quản lý rừng phòng hộ núi Cậu Dầu Tiếng, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ, Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trường Cao đẳng Việt Nam - Singapore, Trung tâm kiểm nghiệm tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Thông tin - Truyền thông.
Dự kiến, trong năm 2022 tỉnh sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 45 công trình.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho rằng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn đang khó khăn và tỉnh đang thực thi các giải pháp để phục hồi kinh tế.
Do vậy, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các địa phương trong chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng là rất quan trọng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các sở, ngành, địa phương quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, tiết kiệm, không lãng phí, đúng mục tiêu, đối tượng, tuân thủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn... Đồng thời phải nhìn thẳng vào nguyên nhân chủ quan để tháo gỡ những điểm nghẽn đang cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.