Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia (MCK:IDI) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022. Theo đó, kết thúc quý II/2022, công ty thu về 2.385 tỷ đồng từ doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 30% so với cùng kỳ.
Giá vốn hàng hóa trong quý tăng 16%, tuy nhiên do tốc độ tăng của giá bán vốn hàng bán chậm hơn tốc độ tăng của doanh thu dẫn đến lợi nhuận gộp của công ty ghi nhận mức tăng đáng kể ở mức 198%, đạt 429 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp chi gần 94 tỷ đồng cho chi phí tài chính, tăng 36% so với quý II/2022. Chi phí bán hàng của IDI trong quý ở mức 118 tỷ đồng, tăng 181% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu đến từ chi phí vận chuyển hàng hóa tăng. Mặc dù vậy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý vẫn tăng gấp 8 lần so với quý II/2022, đạt 240 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp thu về 229 tỷ đồng lợi nhuận, tăng đột biến hơn 780% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, IDI thu về 4.264 tỷ đồng doanh thu và 430 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 33% và 795% so với cùng kỳ. Ngoài ra, doanh thu hoạt động tài chính của công ty tăng hơn 2 lần từ 40 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021 lên đến 87 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022.
Năm 2022, công ty đặt ra mục tiêu doanh thu thuần đạt 8.300 tỷ đồng và tổng lợi nhuận sau thuế đạt 900 tỷ đồng. Như vậy trong 6 tháng đầu năm, công ty hoàn thành 51,37% kế hoạch doanh thu và 47,78% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Về tình hình tài chính, tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản công ty sở hữu là 8.125 tỷ đồng, 7,5% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 6.079 tỷ đồng, tăng 10% so với số đầu kỳ.
Đáng kể đến, các khoản thu về cho vay ngắn hạn đạt 95 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với đầu năm. Đồng thời, các khoản phải thu khác cũng ghi nhận mức tăng gấp đôi so với số đầu kỳ, đạt 163 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư tài chính của công ty trong kỳ ghi nhận tăng 6%, trong đó đáng chú ý nhất là tiền gửi dài hạn trong kỳ ở mức 213 tỷ đồng, tăng 91,9% so với số đầu năm.
Dư nợ phải trả cuối kỳ của IDI là 4.550 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với đầu kỳ. Tong đó, các khoản phải trả người bán ngắn hạn đạt mức 410 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 68,7%.
Theo phân tích của Finhay, chủ quản công ty Cổ phần chứng khoán Vina, trong năm 2022, doanh nghiệp sẽ đem về kết quả nổi bật từ tiềm năng tăng cá tra xuất khẩu do thiếu nguyên liệu. Tuy nhiên, cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với các thách thức liên quan đến tỉ lệ vay nợ cao trên tổng số vốn (tính đến ngày 30/6/2022 là 56%) và rủi ro đến từ chính sách của các thị trường xuất khẩu như chính sách bảo hộ thương mại, hàng rào kỹ thuật, các yếu tố kinh tế và chính trị.
Ngoài ra, bên cạnh Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn cho mặt hàng cá tra, IDI cũng đang dần mở rộng thị trường tại Mỹ. Trao đổi với các cổ đông, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó tổng giám đốc IDI cho biết, thị trường Mỹ rất quan trọng với cá tra Việt Nam. IDI xác định phải có kế hoạch lâu dài để tham gia thị trường này. Công ty đang xuất khẩu trực tiếp vào Mỹ cá nguyên con, cá cắt khúc, với cá phi lê và sẽ hợp tác với một số đơn vị có mức thuế suất tốt để xuất vào Mỹ.
Theo đó, nhu cầu nhập khẩu cá thịt trắng của Mỹ vẫn đang tăng tích cực. Những ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine tác động không nhỏ tới thị trường cá thịt trắng thế giới. Giá cá tra xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều tăng mạnh, trong đó giá cá tra xuất khẩu vào Mỹ đã lên tới 4,5 USD/kg, lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay.
Xuất khẩu cá tra trong 7 tháng đầu năm thu về cho Việt Nam 1.620 tỷ USD, tăng 78,8% so với cùng kỳ năm trước.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/tan-dung-thoi-co-tu-thi-truong-my-loi-nhuan-idi-tang-gap-gan-9-lan-a3922.html