Phiên sáng nay 17/8 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI tăng 0,32 USD/thùng tương ứng 0,37% lên mức 86,85 USD/thùng; Dầu Brent tăng 0,15 USD/thùng tương ứng 0,16% lên mức 92,49 USD/thùng.
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá WTI giảm 3,22% xuống 86,53 USD/thùng, trong khi giá Brent giảm 2,9% xuống 92,34 USD/thùng.
Sáng sớm nay, thống kê độc lập của Viện Dầu khí Mỹ API cho biết, tồn kho dầu thô và các sản phẩm xăng dầu đồng loạt giảm trong tuần kết thúc ngày 12/8.
Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ giá dầu ngày hôm nay, dù với mức giảm 448.000 thùng cũng không quá lớn.
Song, giá dầu thô vẫn đang ở xu hướng giảm khi thị trường đón nhận các dữ liệu kinh tế tiêu cực của Mỹ và diễn biến mới của đàm phán EU - Iran.
Thị trường dầu liên tục chịu sức ép bán trong các phiên giao dịch gần đây, khi mà các dữ liệu kinh tế từ đầu tuần của Trung Quốc và Mỹ liên tục chỉ ra nguy cơ suy thoái, hoặc ít nhất là sự giảm tốc trong tăng trưởng.
Ngày hôm qua, số giấy phép xây dựng của Mỹ trong tháng 7 đã giảm 1,3% so với kỳ trước đó, trong khi số nhà khởi công giảm mạnh 9,6%. Sự sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản của Mỹ khiến thị trường lo ngại.
Trong khi, từ đầu năm, ngành bất động sản của Trung Quốc gặp nhiều thách thức vốn cũng đã gây ra lo ngại về sức khỏe nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.
Bên cạnh đó, EU cho biết, đang xem xét phản hồi của Iran về dự thảo thỏa thuận hạt nhân JCPOA. Hiện tại, chưa có bất kỳ thông tin cụ thể nào được đưa ra, tuy nhiên, thị trường vẫn lo ngại rằng thỏa thuận thành công sẽ khiến cho nguồn cung dầu tăng thêm 1 triệu thùng/ngày, và tiếp tục tạo áp lực lên giá dầu. Thông tin này đã khiến cho giá sụt giảm về mức thấp nhất trong vòng 6 tháng.
Đàm phán để nối lại thỏa thuận hạt nhân đã kéo dài 16 tháng, với EU làm trung gian cho Washington và Tehran, được kỳ vọng là sẽ sớm đưa ra kết quả cuối cùng.
Tuy vậy, bộ trưởng ngoại giao Iran đã lên tiếng kêu gọi Mỹ phải linh hoạt hơn trong các phương án, do đó, nhiều khả năng Iran cũng chưa chấp nhận hoàn toàn đề án cuối cùng mà EU đưa ra.
Đây sẽ thông tin chủ chốt mà thị trường theo dõi trong tuần này, bên cạnh các thông tin vĩ mô như biên bản họp Fed.
Hiện tại, ngân hàng Barclays đã hạ dự báo giá Brent từ 111 USD/thùng xuống 103 USD/thùng trong năm 2022 và 2023.
Theo Giáo dục thời đại, nếu giá dầu thế giới tiếp tục lao dốc, giá xăng nhập vẫn hạ nhiệt hoặc đi ngang trong những ngày tới thì giá xăng, dầu trong nước vào kỳ điều hành tới (ngày 21/8) sẽ có cơ hội tiếp tục giảm.
Tuy nhiên, mức giảm cụ thể thế nào còn phụ thuộc vào biến động giá xăng, dầu thế giới trong một vài ngày tới cũng như mức trích, chi Quỹ Bình ổn xăng dầu của cơ quan điều hành.
Nếu đúng như dự đoán thì giá xăng, dầu trong nước vào kỳ điều hành tới sẽ có lần thứ sáu giảm giá liên tiếp.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước có 21 lần điều chỉnh, trong đó 13 lần tăng và 8 lần giảm.
Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước xuống tương đương mức giá cuối tháng 1.
Tại kỳ điều hành ngày 11/8, các doanh nghiệp đồng loạt giảm giá cho các mặt hàng xăng, dầu.
Theo đó, giá xăng RON95 giảm 940 đồng/lít, giá bán còn 24.660 đồng/lít; xăng E5 giảm 900 đồng/lít, giá bán là 23.720 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel 0.05S-II giảm 1.000 đồng/lít, giá bán còn 22.900 đồng/lít; dầu hỏa giảm 1.210 đồng/lít, giá sau điều chỉnh là 23.320 đồng/lít. Riêng dầu mazut giữ mức nguyên giá là 16.540 đồng/kg.
Ngày 8/8, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10. Cụ thể theo Nghị định, mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) được điều chỉnh giảm từ 20% xuống 10%.
Hương Anh (tổng hợp)
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/gia-xang-trong-nuoc-du-bao-se-tiep-tuc-giam-a3909.html