Giá dầu trượt dốc

Giá dầu tiếp tục đi xuống khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại và triển vọng các nước OPEC tăng cung.

Giá dầu thô Mỹ WTI hiện giao dịch ở mức 89,23 USD một thùng, giảm 0,2%. Trong phiên, có thời điểm, giá dầu WTI về dưới 89 USD. Hai phiên trước đó, giá dầu này đã sụt giảm 5%.

Giá dầu trượt dốc - Ảnh 1.

Hiện giá dầu đang ở quanh đáy 6 tháng. (Ảnh minh họa - Ảnh: istock)

Trong khi đó, dầu Brent giảm về mức 94,5 USD, mất 0,6%. Trong phiên, giá dầu này có lúc về gần 93 USD một thùng.

Trên thị trường châu Á, giá dầu giảm khi dữ liệu kinh tế ảm đạm từ Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu.

Lúc 13h35 phút (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 1,21 USD, tương đương 1,3%, xuống 93,89 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 84 xu Mỹ, tương đương 0,9%, xuống 88,57 USD/thùng. Hợp đồng tương lai của hai loại dầu tiêu chuẩn trên đã giảm khoảng 3% trong các phiên gần đây.

Tín hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu đang ngày một rõ rệt, khi sản xuất tại Mỹ co lại trong tháng 7 và Trung Quốc đón nhận nhiều số liệu yếu hơn dự báo. Điều này có thể khiến nhu cầu dầu chững lại.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã cắt giảm lãi suất cho vay để phục hồi nhu cầu khi nền kinh tế này bất ngờ tăng trưởng chậm lại vào tháng 7/2022.

Các báo cáo mới nhất cho thấy hoạt động của các nhà máy và doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã suy yếu do tác động từ chính sách “Zero COVID-19” của nước này và cuộc khủng hoảng chưa chấm dứt trên thị trường bất động sản.

hoạt động xuất khẩu nhiên liệu của Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi trong tháng 8 lên gần mức cao nhất trong 1 năm sau khi nước này tăng thêm hạn ngạch. Diễn biến này có thể tăng thêm áp lực lên biên lợi nhuận của các công ty lọc dầu vốn đã ghi nhận hoạt động kinh doanh hạ nhiệt.

Theo Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường từ tập đoàn dịch vụ tài chính IG Group, giá các loại hàng hóa trên diện rộng đang chịu áp lực giảm xuống, khi dữ liệu kinh tế tháng 7 của Trung Quốc vẽ ra một bức tranh tăng trưởng không mấy lạc quan và làm dấy lên những lo ngại mới về triển vọng nhu cầu.

Ngoài tình hình kinh tế Trung Quốc, giới đầu tư cũng theo dõi các cuộc đàm phán về việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.

Trong khi nguồn cung lại có triển vọng đi lên khi Libya đang tăng bơm dầu. Iran cũng tiến gần việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân, có thể giúp nước này tăng sản xuất dầu. Mới đây, Iran phản hồi bản dự thảo thỏa thuận hạt nhân cuối cùng của EU, cho rằng có thể đạt được sự đồng thuận nếu Mỹ có phản ứng linh động.

Các nhà phân tích cho rằng, nguồn cung dầu cho thị trường sẽ tăng lên đáng kể nếu Iran và Mỹ chấp nhận đề xuất từ Liên minh châu Âu (EU) - điều có thể giúp dỡ bỏ những lệnh trừng phạt áp lên quốc gia Vùng Vịnh này.

Sean Lim, nhà phân tích dầu khí tại RHB Investment Bank, nhận định: "Giá dầu đang chịu sức ép khi triển vọng vĩ mô yếu đi sau số liệu về kinh tế Trung Quốc, cũng như khả năng Iran tăng cung. Tuy nhiên, kể cả nếu thỏa thuận hạt nhân của Iran được ký kết, việc tăng sản xuất cũng phải mất một thời gian nữa. Vì vậy, ảnh hưởng tức thì sẽ không quá lớn".

Hiện giá dầu đang ở quanh đáy 6 tháng. Toàn bộ mức tăng sau chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã không còn. Đầu tháng 3, giá vàng đen có thời điểm lên 130 USD một thùng.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/gia-dau-truot-doc-a3896.html