Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa, cà phê biến động nhẹ

Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung không có biến động mạnh, có sự tăng, giảm ở một vài loại lúa.

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Sóc Trăng, giá lúa có sự tăng, giảm tùy loại như: OM 5451 là 6.700 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; Đài Thơm 8 cũng giảm 200 đồng/kg, ở mức 7.000 đồng/kg; còn TS 24 là 8.400 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Giá lúa tại Hậu Giang cũng có sự biến động như: IR 50404 là 6.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 18 là 7.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; riêng RVT là 7.800 đồng/kg, giảm 400 đồng/kg.

Tại Cần Thơ, giá lúa vẫn có sự ổn định, như: lúa Jasmine ở mức 7.100 đồng/kg, OM 4218 là 6.700 đồng/kg, IR 50404 là 6.400 đồng/kg.

Tương tự tại Kiên Giang, giá lúa IR 40404 vẫn ở mức 6.500 đồng/kg, OM 5451 là 6.800 đồng/kg. Lúa IR 50404  tại Đồng Tháp là 6.400 đồng/kg.

Tại An Giang, lúa Nàng hoa 9 đang được thương lái thu mua ở mức 5.600 - 5.800 đồng/kg; OM 18 từ 5.700 - 5.900 đồng/kg; Đài Thơm 8 từ 5.800 - 6.000 đồng/kg; IR 50404 ở mức từ 5.300 - 5.500 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức từ 5.500 - 5.700 đồng/kg.

Với mặt hàng lúa nếp, nếp An Giang tươi từ 5.800 - 6.000 đồng/kg; nếp tươi Long An từ 6.100 - 6.300 đồng/kg; nếp An Giang khô từ 7.500 - 7.600 đồng/kg.

Giá lúa tại Bến Tre tuần qua tiếp tục ghi nhận sự ổn định như: OM 5451 là 5.800 đồng/kg, OM4218 là 5.800 đồng/kg, OM 6976 ở giá 5.900 đồng/kg, IR 50404 ở mức 5.700 đồng/kg.

Hiện các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đang đẩy mạnh gieo cấy vụ Thu Đông cho đúng thời vụ. Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khuyến cáo các địa phương khi bố trí thời vụ cho lúa thu Đông cần lưu ý đến thời điểm xuống giống chính vụ lúa Đông Xuân 2022 - 2023. Theo đó, các địa phương chú ý kết thúc xuống giống lúa Thu Đông vào ngày 20/8, tối đa là 30/8/2022.

Ngành trồng trọt cũng khuyến cáo sử dụng những giống lúa cho vụ Thu Đông cần lưu ý về tính chống chịu với rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh cháy lá, cháy bìa lá và giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã; giống lúa chủ lực xuất khẩu gồm OM5451, OM6976, OM18, OM7347, OM4900...

Về  xuất khẩu, tuần qua giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 390 - 393 USD/tấn. Theo Báo Tin tức, giá gạo đang giảm dần do chất lượng của vụ thu hoạch này chỉ ngang bằng với gạo Thái Lan và Ấn Độ, vốn có mức giá rẻ hơn. Tuy nhiên, giá có khả năng sẽ không giảm thêm vì nhu cầu toàn cầu vẫn mạnh, trong khi nguồn cung từ vụ thu hoạch Hè Thu ở tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm.

Cùng chung xu hướng giảm dần của giá gạo xuất khẩu Việt Nam, xuất khẩu gạo của Ấn Độ cũng giảm trong tuần qua, do nhu cầu tiêu thụ thấp hơn. Trong khi đó, giá gạo nội địa ở nước láng giềng Bangladesh tăng trở lại sau khi chính phủ nước này tăng giá nhiên liệu làm gia tăng lo ngại lạm phát.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, được báo ở mức từ 360 - 366 USD/tấn, giảm so với mức từ 364 - 370 USD/tấn của tuần trước đó. Tuy vậy, những lo ngại dai dẳng về sản lượng gạo sẽ bị ảnh hưởng do lượng mưa thấp hơn đã hạn chế đà giảm giá.

Kế hoạch nhập khẩu gạo của Bangladesh gặp trở ngại khi nước này chỉ mua 15.500 tấn trong tháng 7/2022, sau khi chính phủ cho phép các thương nhân tư nhân nhập khẩu gần 1 triệu tấn gạo sau khi giảm thuế từ 62,5% xuống 25%.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại với giá xuất khẩu gạo Việt Nam và Ấn Độ, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 420 - 428 USD/tấn. 

Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch cuối tuần qua, giá các loại nông sản Mỹ biến động trái chiều. Trong khi giá ngô và đậu tương tăng thì giá lúa mỳ lại đi xuống.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2022 tăng 14,5 xu Mỹ (2,31%) lên 6,4225 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 11/2022 cũng tiến 5,75 xu Mỹ (0,4%), lên 14,5425 USD/bushel. Tuy nhiên, giá lúa mỳ giao tháng 9/2022 lại giảm 4,75 xu Mỹ (0,59 %) xuống 8,06 USD/bushel  (1 bushel lúa mì/đậu tương = 27,2kg; 1 bushel ngô = 25,4kg).

Xu hướng thị trường - Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa, cà phê biến động nhẹ

 Ở thị trường nông sản Mỹ, trong khi giá ngô và đậu tương tăng thì giá lúa mỳ lại đi xuống.

Báo cáo vụ mùa tháng 8/2022 của Bộ Nông nghiệp Mỹ không gây bất kỳ sự ngạc nhiên lớn nào. Báo cáo ước tính năng suất ngô năm 2022 của Mỹ ở mức 175,4 bushel/mẫu Anh (4.046,86m2), giảm 1,6 bushel/mẫu Anh so với dự báo được đưa ra trước đó trong báo cáo Ước tính Cung và Cầu Nông nghiệp Thế giới, với sản lượng dự kiến giảm 5% so với năm ngoái.

Năng suất đậu tương năm 2022 của Mỹ được dự báo đạt 51,9 bushel/mẫu Anh, tăng 0,5 bushel/ mẫu Anh so với dự báo trước đó, với sản lượng tăng 2% ở mức cao kỷ lục 4,530 triệu bushel. Toàn bộ sản lượng lúa mì của Mỹ được dự báo ở mức 1.780 triệu bushel trong năm 2022, tăng 8% so với năm 2021. Năng suất lúa mì trung bình của Mỹ được ước tính đạt mức 47,5 bushel/mẫu Anh.

Diện tích gieo hạt giống ngô và lúa mì của Mỹ trong cả năm 2022 cũng đã được điều chỉnh giảm 100.000 mẫu Anh, trong khi diện tích trồng đậu tương bị cắt giảm 300.000 mẫu Anh.

Báo cáo đã tăng dự trữ ngô cuối năm 2021-2022 của Mỹ thêm 20 triệu giạ lên 1,530 triệu giạ. Xuất khẩu ngô của Mỹ giai đoạn 2021 - 2022 không đổi ở mức 2,450 triệu giạ.

Dự trữ ngô cuối năm 2022 - 2023 của Mỹ đã giảm 82 triệu giạ xuống còn 1,388 triệu giạ. Xuất khẩu ngô giai đoạn 2022 - 2023 của Mỹ đã bị cắt giảm 25 triệu giạ xuống còn 2,375 triệu giạ dựa trên dự báo Ukraine xuất khẩu 12,5 triệu tấn, so với dự báo tháng 7 là 9 triệu tấn.

Dự trữ đậu tương cuối niên vụ 2021 - 2022 của Mỹ đã tăng 10 triệu bushel, lên 225 triệu bushel, do xuất khẩu cắt giảm xuống còn 2.160 triệu bushel. Dự trữ đậu tương cuối niên vụ 2022 - 2023 của Mỹ đã tăng lên 245 triệu bushel. Ước tính xuất khẩu đậu tương của Mỹ trong giai đoạn 2022 - 2023 sẽ tăng 20 triệu bushel, lên 2,155 triệu bushel.

Trong khi đó, sản lượng lúa mì của Nga trong tháng 8 ở mức 88 triệu tấn, tăng 7,5 triệu tấn so với tháng 7. Xuất khẩu của Nga chỉ tăng 2 triệu tấn. Xuất khẩu lúa mì của Ukraine cũng chỉ tăng 1 triệu tấn, sau khi hành lang xuất khẩu Biển Đen được tạo ra. Dự trữ lúa mì của Nga và Ukraine đạt mức cao nhất trong 29 năm là 18,6 triệu tấn trong tháng 8/2022.

Sự chú ý của thị trường đang chuyển hướng về tình hình thời tiết và phân vân rằng liệu tình trạng khô hạn có giảm bớt trên các vùng Đồng bằng và Trung Tây nước Mỹ trước cuối tháng 8 hay không.

Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London (Anh) tăng phiên thứ chín liên tiếp. Cụ thể, giá cà phê Robusta giao tháng 9/2022 tăng thêm 36 USD, lên 2.252 USD/tấn và loại kỳ hạn giao tháng 11/2022 tăng thêm 38 USD, lên 2.261 USD/tấn. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.

Xu hướng thị trường - Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa, cà phê biến động nhẹ (Hình 2).

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng từ 600 - 700 đồng, lên dao động trong khung từ 48.300 - 48.800 đồng/kg.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US - New York (Mỹ) tăng phiên thứ năm liên tiếp. Giá cà phê Arabica giao ngay tháng 9/2022 tăng thêm 2,65 xu, lên 226,60 xu/lb (1 lb = 0,4535 kg) và loại kỳ hạn giao tháng 12 tăng thêm 2,85 xu, lên 222,40 xu/lb, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.

Cùng chung xu hướng với cà phê thế giới, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng từ 600 - 700 đồng, lên dao động trong khung từ 48.300 - 48.800 đồng/kg.

Giá cà phê kỳ hạn tiếp nối đà tăng sau báo cáo niềm tin của người tiêu dùng Mỹ có phần lạc quan hơn dự báo và một loạt dữ liệu kinh tế tốt hơn dự kiến trong tuần này làm tăng kỳ vọng lạm phát ở nước này đã đạt đỉnh. Điều này sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ dễ dàng hơn trong việc điều hành lãi suất.

Không để nông sản Việt bỡ ngỡ trên sân chơi quốc tế 

Đến thời điểm hiện tại, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đủ năng lực để tiếp cận thị trường quốc tế một cách sâu rộng với 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có nhiều Hiệp định lớn như RCEP, EVFTA, CPTPP…

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, khi Việt Nam tham gia vào sân chơi lớn và sâu rộng như vậy, điều cần thiết là phải chuẩn bị một năng lực pháp lý bài bản nhằm giảm thiểu rủi ro xung đột về mặt thương mại. 

Đây là sự chuẩn bị về mặt nhận thức quan trọng đối với cả cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp để không bị “bỡ ngỡ” trên sân chơi quốc tế.

“Thực tế chúng ta cũng đã có những bài học kinh nghiệm và cả thất bại, thiệt hại khi nhận thức về sở hữu trí tuệ chưa đầy đủ. Do đó, cần phải chuẩn bị kiến thức, kỹ năng tiếp cận và nâng cao năng lực thực tiễn từ cơ sở để người nông dân đủ năng lực vươn lên thành các thương nhân”, ông Nguyễn Quốc Toản thông tin với Nông Nghiệp. 

Tại Hội thảo “Xây dựng và Bảo hộ nhãn hiệu nhằm phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam”, các đại biểu đã cùng chia sẻ về quy trình thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với nông sản Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế, những lưu ý trong việc xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu nông sản.

Nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng, bảo hộ và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp cũng như tư vấn kỹ thuật về các vấn đề và quy trình trong việc bảo hộ nhãn hiệu và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp trên thị trường quốc tế.

Hương Anh (tổng hợp) 

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/thi-truong-nong-san-tuan-qua-gia-lua-ca-phe-bien-dong-nhe-a3891.html